1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hơn 100 triệu dân ở đông bắc Trung Quốc bị phong tỏa trở lại

(Dân trí) - Khoảng 108 triệu người dân ở đông bắc Trung Quốc, trong đó có Cát Lâm, Liêu Ninh, đang bị phong tỏa trở lại do lo ngại làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai.

Hơn 100 triệu dân ở đông bắc Trung Quốc bị phong tỏa trở lại - 1
Một người đàn ông đọc thông báo trước một khu dân cư bị phong tỏa ở Cát Lâm ngày 15/5. (Ảnh: CGTN)

Bloomberg ngày 18/5 đưa tin, các thành phố ở tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc đã ngừng các tuyến tàu hỏa, xe buýt, đóng cửa trường học và cách ly hàng chục nghìn người khi các ổ dịch Covid-19 mới xuất hiện. Những lệnh hạn chế nghiêm ngặt này khiến nhiều người cảm thấy hụt hẫng vì vốn nghĩ rằng giai đoạn tồi tệ nhất đã qua.

“Mọi người lại bắt đầu thận trọng hơn. Trẻ em chơi ngoài trời lại phải đeo khẩu trang trở lại còn các nhân viên y tế lại xuất hiện với trang phục bảo hộ”, Fan Pai, nhân viên một công ty ở Thẩm Dương, một thành phố ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc cho biết. Cô nói thêm: “Thật bực mình vì không biết khi nào dịch bệnh sẽ hết”.

Thành phố Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang cũng thực hiện phong tỏa một phần từ cuối tháng 4 sau khi phát hiện 52 ca mắc Covid-19 "ngoại nhập". Thành phố Tuy Phân Hà của tỉnh này cũng bị phong tỏa sau khi ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng đột biến, chủ yếu là những người trở về từ Nga.

Tuy các ổ dịch mới bùng phát không nhanh như giai đoạn đầu bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, song biện pháp ứng phó nhanh chóng này của Trung Quốc cho thấy mối lo ngại nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. Điều này cũng cho thấy sự mong manh của quá trình mở cửa trở lại ở Trung Quốc cũng như nhiều nơi khác trên thế giới khi mà dù chỉ một dấu hiệu nhỏ cho thấy dịch tái bùng phát cũng có thể khiến giới chức quyết định áp lệnh phong tỏa trở lại.

Hơn 100 triệu dân ở đông bắc Trung Quốc bị phong tỏa trở lại - 2
Việc áp các biện pháp phong tỏa trở lại cho thấy lo ngại của Trung Quốc về nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ hai. (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Thư Lan, một thành phố ở Cát Lâm, cho biết trên mạng WeChat ngày 18/5 rằng họ sẽ áp các biện pháp mạnh mẽ nhất để ngăn chặn dịch tái bùng phát. Các khu dân cư có ca nhiễm bệnh hoặc bị nghi nhiễm bệnh đều sẽ bị phong tỏa, mỗi gia đình sẽ chỉ được phép cử một người ra ngoài mua đồ dùng thiết yếu 2 ngày 1 lần.

Ông Shen Jia, một nhân viên kinh doanh của công ty về khoa học đời sống ở Thẩm Dương, đã phải hủy kế hoạch công tác tới Thư Lan vào tuần trước bởi ông sẽ bị cách ly đến 21 ngày khi trở về. Tuần trước, khi nhóm bạn gồm 3 người của ông đã bị tách ra khi dùng bữa tại một nhà hàng trong thành phố vì theo lệnh hạn chế mới, mỗi bàn chỉ được tối đa 2 người ngồi. Lệnh hạn chế này mới được áp dụng trở lại chỉ sau vài tuần được nới lỏng.

“Các bạn có thể cảm thấy sự kiểm soát thậm chí nghiêm ngặt hơn. Mọi người lại trở nên thận trọng hơn và giảm các hoạt động ngoài trời”, ông Shen cho biết.

Cát Lâm cũng từng áp dụng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt giống như hầu hết các địa phương khác ở Trung Quốc trong khoảng thời gian tháng 2 và tháng 3 năm nay mặc dù chỉ ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày ở mức một con số. Tính đến thời điểm hiện tại, Cát Lâm ghi nhận 127 ca mắc Covid-19, trong khi tâm dịch Hồ Bắc có khoảng 68.000 ca. Các dịch vụ giao nhận ở đây gần như phải ngừng hoạt động trong khi các hiệu thuốc bị cấm bán thuốc hạ sốt để tránh việc người dân giấu các triệu chứng liên quan đến Covid-19.

“Tôi không bao giờ nghĩ tỉnh Cát Lâm sẽ trở thành khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch khi cả nước bắt đầu trở lại bình thường”, Wang Yuemei, một công nhân nhà máy dược ở thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm, cho biết.

Sức ép ngăn dịch tái bùng phát đối với chính phủ Trung Quốc càng gia tăng khi kỳ họp quốc hội dự kiến diễn ra trong tuần này sau khi bị hoãn hồi tháng 3.

Giới chức y tế địa phương đến nay vẫn đau đầu “giải mã” các ổ dịch mới mặc dù đặt ra nghi vấn những ca nhiễm bệnh mới là do tiếp xúc với những người mắc Covid-19 từ Nga trở về. Việc áp lệnh phong tỏa trở lại có thể là một lời nhắc nhở rằng cuộc chiến ngăn chặn Covid-19 của Trung Quốc chưa thể kết thúc một sớm một chiều.

Ông Chung Nam Sơn, một chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Trung Quốc, cuối tuần qua nhận định với CNN rằng: “Hiện giờ, đa số người dân Trung Quốc vẫn có nguy cơ mắc Covid-19. Chúng tôi đang đối mặt với một thách thức lớn, tình hình không hề tốt hơn các nước khác”.

Minh Phương
Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm