Hơn 1 tỷ người trên thế giới béo phì
(Dân trí) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, trên thế giới, cứ 8 người lại có 1 người béo phì. Số người béo phì đã tăng 4 lần kể từ năm 1999.
Theo ước tính của WHO và một nhóm chuyên gia nghiên cứu quốc tế, tính đến năm 2022, số người béo phì trên thế giới khoảng 1,038 tỷ người, tăng hơn 4 lần kể từ năm 1990. Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu liên quan đến hơn 220 triệu người ở hơn 190 quốc gia.
Tỷ lệ béo phì ở người lớn tăng hơn 2 lần kể từ năm 1990 đến 2022, và hơn 4 lần ở trẻ em và thiếu niên.
Đối với trẻ em gái, tỷ lệ béo phì tăng từ 1,7% dân số thế giới năm 1990 lên 6,9% vào năm 2022. Đối với trẻ em trai, mức tăng là từ 2,1% lên 9,3% trong cùng khoảng thời gian trên.
Đối với phụ nữ, tỷ lệ béo phì tăng từ 8,8% lên 18,5% và đối với nam giới là 4,8% lên 14% trong cùng thời kỳ.
Đồng thời, tỷ lệ người thiếu cân giảm ở cả trẻ em và người lớn. Béo phì trở nên phổ biến hơn tình trạng thiếu cân ở hầu hết các quốc gia, bao gồm nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trước đây phải vật lộn với tình trạng suy dinh dưỡng.
"Một số lượng đáng kinh ngạc người trên thế giới đang phải sống chung với bệnh béo phì", Majid Ezzati, giáo sư tại Đại học Hoàng gia London, cho biết.
Giáo sư Ezzati nhấn mạnh thêm, trong khi tỷ lệ béo phì đang ổn định ở nhiều quốc gia giàu có hơn thì chúng lại đang tăng nhanh ở những nơi khác.
"Trước đây, chúng ta từng nghĩ béo phì là vấn đề của người giàu. Béo phì là một vấn đề của thế giới", Francesco Branca, người đứng đầu bộ phận dinh dưỡng của WHO, cho biết trong một cuộc họp báo.
Tuy nhiên, hiện giờ, tỷ lệ béo phì ở các nước thu nhập thấp và trung bình như một số quốc gia ở Caribe, Trung Đông, đang cao hơn ở nhiều nước phát triển, đặc biệt là châu Âu.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết việc thực hiện các biện pháp như đánh thuế đối với các sản phẩm có hàm lượng đường cao và thúc đẩy bữa ăn lành mạnh ở trường học là cần thiết để giúp giải quyết tỷ lệ béo phì.