1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

5 người giàu nhất thế giới tăng gấp đôi tài sản, người nghèo càng nghèo hơn

Quốc Đạt

(Dân trí) - Tổng tài sản 5 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi, lên tới 869 tỷ USD, kể từ năm 2020, trong khi 60% người nghèo nhất trở nên nghèo hơn, theo báo cáo mới của Oxfam.

5 người giàu nhất thế giới tăng gấp đôi tài sản, người nghèo càng nghèo hơn - 1

Tỷ phú Elon Musk - một trong 5 người giàu nhất thế giới được nêu tên trong báo cáo mới của Oxfam (Ảnh: Getty).

Báo cáo của Oxfam cho biết tổng tài sản của 5 người giàu nhất thế giới - gồm Elon Musk, Bernard Arnault, Jeff Bezos, Larry Ellison và Mark Zuckerberg - đã tăng 464 tỷ USD, tương đương 114%.

Trong cùng thời gian đó, tổng tài sản của 4,77 tỷ người nghèo nhất - chiếm 60% dân số thế giới - đã giảm 0,2% theo giá trị thực.

Được tổng hợp dựa trên dữ liệu từ công ty nghiên cứu Wealth X, báo cáo mới được công bố vào thời điểm những người giàu nhất thế giới bắt đầu tề tựu tại Davos, Thụy Sĩ từ ngày 15/1 để tham dự sự kiện thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Nhấn mạnh sự gia tăng mạnh tình trạng bất bình đẳng kể từ đại dịch Covid, Oxfam cho biết các tỷ phú trên thế giới đã giàu hơn 3,3 nghìn tỷ USD so với năm 2020. Tài sản của họ đã tăng nhanh gấp 3 lần so với tỷ lệ lạm phát.

Báo cáo còn cho biết, khoảng cách giàu nghèo nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng và cho ra đời tỷ phú nghìn tỷ đầu tiên trong vòng một thập kỷ. Nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, thế giới sẽ không thể xóa bỏ tình trạng nghèo đói trong 229 năm, báo cáo viết.

Cùng với sự gia tăng tài sản của giới siêu giàu, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng tăng mạnh: 148 tập đoàn lớn nhất thế giới đã thu về tổng lợi nhuận ròng 1,8 nghìn tỷ USD trong 12 tháng tính đến tháng 6/2023, tăng 52% so với lợi nhuận ròng trung bình trong năm 2018-2021.

"Tại 52 quốc gia, mức lương thực tế trung bình của gần 800 triệu công nhân đã giảm. Những công nhân này đã mất tổng cộng 1,5 nghìn tỷ USD trong 2 năm qua, tương đương với việc mất 25 ngày lương đối với mỗi công nhân", báo cáo viết.

"Khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn không phải là vô tình, cũng không phải là không thể tránh khỏi", Aleema Shivji, Giám đốc điều hành lâm thời của Oxfam, nói. "Chính phủ các nước trên thế giới đang đưa ra những lựa chọn chính trị có chủ ý nhằm tạo điều kiện và khuyến khích sự tập trung tài sản một cách méo mó này, trong khi hàng trăm triệu người đang sống trong cảnh nghèo đói".

Theo Guardian