1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hội nghị thượng đỉnh G20: Nga - phương Tây đối đầu

Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc hôm nay được dự báo là cuộc đối đầu giữa các lãnh đạo phương Tây và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh Kiev cáo buộc Mátxcơva đưa quân vào miền đông Ukraine.

 
Cuộc khủng hoảng Ukraine được dự báo bao trùm Hội nghị thượng đỉnh G20 (ảnh: Times)

Cuộc khủng hoảng Ukraine được dự báo bao trùm Hội nghị thượng đỉnh G20 (ảnh: Times)

Ukraine tố cáo Nga đưa quân và vũ khí vào giúp lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine nhằm tiến hành một chiến dịch tấn công mới. Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua nói với báo giới tại Úc: “Nếu Nga có cách tiếp cận tích cực đối với quyền tự do và trách nhiệm của Ukraine, chúng ta có thể thấy các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ. Nếu Nga tiếp tục khiến tình hình tồi tệ hơn, chúng ta sẽ thấy các biện pháp trừng phạt được tăng cường”.

Nga bác bỏ việc đang đưa quân và xe tăng vào Ukraine. Trong khi đó, báo chí phương Tây cho rằng, tình hình bạo lực ngày càng tăng, vi phạm thỏa thuận ngừng bắn và các báo cáo về những đoàn xe vũ trang không rõ xuất xứ đi từ hướng biên giới Nga làm tăng lo ngại về nguy cơ sụp đổ thỏa thuận đình chiến ký hôm 5/9.

Hội nghị thượng đỉnh G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) tại thành phố Brisbane của Úc sẽ tập trung vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thế giới, khắc phục điểm yếu của hệ thống ngân hàng toàn cầu và xử lý lỗ hổng thuế đối với các công ty đa quốc gia. Trong khi hầu hết các vấn đề kinh tế đã có sự đồng thuận và một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu vừa được Mỹ và Trung Quốc ký kết, các quan ngại về an ninh được dự báo là vấn đề trung tâm của hội nghị này.

Ukraine không phải vấn đề được tập trung thảo luận trong hai hội nghị thượng đỉnh tại châu Á, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho biết, dù Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nêu ngắn gọn vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi cả hai tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hồi đầu tuần tại Trung Quốc.

Dự kiến, hôm nay, ông Obama thảo luận vấn đề Ukraine với các đồng minh chủ chốt, bao gồm Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Anh David Cameron.

Xôn xao tin đoàn tàu chiến hộ tống ông Putin

Tại Úc, có một số ý kiến kêu gọi không nên mời ông Putin tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này trước những hành động của Nga ở Ukraine và vụ máy bay Malaysia MH17 bị bắn hạ ở Ukraine mà phương Tây cáo buộc là do lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn gây ra. Tuy nhiên, ý kiến phản đối đã chiếm ưu thế.

Theo các báo cáo mới nhất, đoàn tàu chiến của Nga đã vào đến vùng biển quốc tế ở phía bắc Brisbane trong tuần này, khiến dư luận xôn xao. Thủ tướng Úc Tony Abbott nói rằng, đoàn hộ tống này không bất thường, nhưng việc Hải quân Nga tiến xa như vậy về phương nam là điều chưa từng có tiền lệ.

Phát biểu với báo giới tại Úc, Thủ tướng Đức Merkel bác bỏ lo ngại về mối đe dọa từ đoàn tàu chiến của Nga, nhưng cũng đồng ý với các nhà lãnh đạo đồng minh phản đối Nga ngay trước khi ông Putin đến Brisbane vào tối qua. “Điều khiến tôi quan ngại hơn là sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đang bị vi phạm và thỏa thuận Minsk không được tuân thủ”, bà Merkel nói.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Nga Itar-Tass trước chuyến đi đến Úc về những thách thức mà Nga và các nước tham gia sẽ phải đối mặt trong hội nghị thượng đỉnh lần này, ông Putin nói: “Chúng ta được dẫn dắt bởi lợi ích chứ không phải cảm xúc khi làm việc với các đối tác”.

Ông Putin nhấn mạnh, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga là đi ngược lại chính nguyên tắc hoạt động của G20 và luật pháp quốc tế nói chung, vì các biện pháp trừng phạt chỉ có thể được áp đặt trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an. Ông Putin cũng cho rằng, việc áp đặt trừng phạt còn đi ngược lại nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại.

Ngoài vấn đề Ukraine, cuộc khủng hoảng ở Trung Đông cũng có thể sẽ bao trùm chương trình nghị sự về kinh tế. Với tư cách chủ nhà, Úc sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề tăng trưởng kinh tế cho dù nhiều căng thẳng an ninh đang nổi lên. Úc sẽ tham gia thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 2% vào năm 2018 để tạo ra hàng triệu việc làm. Hơn 1.000 sáng kiến chính sách được các quốc gia G20 đưa ra nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 2,1%, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết.

Khoảng 6.000 cảnh sát sẽ được triển khai để duy trì an ninh cho hội nghị. Có tới 27 nhóm đã được phép biểu tình trong các khu vực quy định, nơi dự kiến có hàng ngàn người tập trung trong dịp cuối tuần này.  

Trung Quốc vừa bác bỏ cáo buộc rằng họ phản đối một thỏa thuận về minh bạch tài sản các công ty nhà nước tại Hội nghị thượng đỉnh G20 mà Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ tham dự. Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, Trung Quốc phản đối các nguyên tắc phác thảo về “sở hữu có lợi” mà Úc hy vọng sẽ đưa ra vào hội nghị lần này. Đây là khái niệm chỉ tài sản được sở hữu dưới tên người khác, khiến chính quyền khó lòng truy dấu vết. Báo Hong Kong South China Morning Post dẫn lời một quan chức Bắc Kinh bác bỏ việc Trung Quốc tìm cách ngăn cản tiến triển đối thoại.
 
Theo Trúc Quỳnh
Tiền Phong