1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hội nghị hòa bình Minsk phải kéo dài sang ngày 12/2

(Dân trí) - Hội nghị hòa bình 4 bên tại thủ đô Minsk của Belarus đã phải kéo dài thêm một ngày và các bên cũng đã liên tục thay đổi thể thức, để có thể đi tới nhất trí về giải pháp chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài hơn 10 tháng qua ở Đông Ukraine.

Hội nghị hòa bình Minsk phải kéo dài sang ngày 12/2
Bốn nhà lãnh đạo cao nhất thể hiện quyết tâm đạt thỏa thuận trước khi bước vào cuộc họp quan trọng (Ảnh: AP)

Hội nghị được khởi động từ tối 11/2 tại Cung Độc lập ở Minsk với sự tham gia của cả 4 nhà lãnh đạo cấp cao nhất của nhóm Normandie, gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Ban đầu, cuộc họp được tiến hành theo thể thức kín khoảng 2 tiếng, sau đó mở rộng cho các ngoại trưởng cùng tham gia rồi sau đó lại diễn ra theo thể thức hẹp.

Theo Bộ Ngoại giao Belarus, chủ đề thảo luận trong các cuộc họp này là dự thảo văn kiện vốn cũng đang được Nhóm tiếp xúc về Ukraine xem xét tại trụ sở của bộ này. Nhóm tiếp xúc gồm đại diện của Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng, Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng, chính quyền Ukraine và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).

Trong phát biểu hiếm hoi về cuộc họp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết cuộc đàm phán diễn ra tích cực.

Trong khi đó, theo nguồn tin từ phái đoàn Ukraine, các nhà lãnh đạo trong nhóm “Bộ tứ Normandie” có kế hoạch ký một tuyên bố chung ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Các nguồn tin khác cho biết trọng tâm chương trình nghị sự bao gồm việc thiết lập lại lệnh ngừng bắn tại Đông Ukraine đã bị phá vỡ hồi tháng 9 năm ngoái, giải quyết những vướng mắc liên quan đến giới tuyến phân tranh giữa quân đội chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai ở miền Đông và quy chế đặc biệt cho các vùng do lực lượng ly khai kiểm soát.

Cuộc họp lần này được nhìn nhận là cơ hội cuối cùng để các bên có thể đi tới thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt chiến sự đổ máu ở Đông Ukraine.

Vì thế, trước cuộc họp, lãnh đạo cả 4 nước này và Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc điện đàm riêng rẽ nhằm thống nhất quan điểm và đảm bảo cuộc họp đạt kết quả. Tuy nhiên, hiện giữa các bên vẫn còn khá nhiều điểm bất đồng liên quan đến quy chế cho các vùng ở miền Đông cũng như cách thức chấm dứt xung đột ở khu vực này.

Theo thống kê, kể từ tháng 4/2014 đến nay, xung đột tại Đông Ukraine đã cướp đi sinh mạng của gần 5.400 người và làm hơn 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Vũ Anh
Tổng hợp