1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

"Hồ sơ Panama" hay âm mưu bôi nhọ?

Với mức độ nghiêm trọng được đánh giá là gấp “cả trăm lần” vụ Wikileak hay kẻ đào tẩu Edward Snowden, vụ bê bối thông tin, được mệnh danh là The Panama Paper (Hồ sơ Panama), ảnh hưởng đến hàng chục nhà lãnh đạo thế giới, chính trị gia, ngôi sao thể thao cùng nhiều tên tuổi khác.

Đây được xem là một trong những vụ rò rỉ thông tin mật lớn nhất trong lịch sử mà truyền thông quốc tế tiếp cận và công bố.

Hồ sơ Panama, được tờ nhật báo Sueddeutsche Zeitung (Đức) công bố đầu tiên hôm 3-4, dựa vào một nguồn tin ẩn danh “tay trong” thuộc Mossack Fonseca - một công ty luật có trụ sở chính đặt tại Panama, bao gồm các tài liệu có từ cách đây gần 40 năm, với các chi tiết về hơn 214.000 thực thể có mối liên hệ với công dân ở hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Hiệp hội Quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ), các tài liệu này đã được xem xét bởi một đội ngũ gồm trên 370 nhà báo của gần 80 nước, những người tác nghiệp bằng hơn 25 ngôn ngữ. Khoảng 140 chính trị gia của hơn 50 nước cũng như các nhân vật nổi tiếng đã được nêu tên trong bộ hồ sơ mật này. Trong số họ có các nguyên thủ quốc gia, các trợ lý của các nguyên thủ, và các quan chức được bầu ra. Những người này đều bị cáo buộc có hành động trốn thuế, rửa tiền phi pháp thông qua các công ty ma (shell company) mà Mossack Fonseca đứng ra tạo dựng.

Tuy nhiên, có một điểm lạ là, đa phần trong số này đều là những cái tên mà Mỹ không mấy ưa thích. Các mục tiêu bị đánh phá thậm chí còn được “tính toán kĩ hơn”, với kết quả là những câu chuyện chống lại những người như Tổng thống Nga Vladimir Putin, một số quan chức trong Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA), ngôi sao thể thao…

Hồ sơ Panama đang gây chấn động chính trường thế giới.
Hồ sơ Panama đang gây chấn động chính trường thế giới.

Bên ngoài giới chính trị gia, tài liệu phanh phui thông tin Juan Pedro Damiani, thành viên Ủy ban Đạo đức FIFA, có những giao dịch kinh tế với 3 người trong vụ bê bối hối lộ của FIFA bao gồm cựu Phó Chủ tịch Eugenio Figueredo và bố con Hugo và Mariano Jinkis, đội ngũ đã dùng tiền để chiếm quyền phát sóng giải bóng đá ở Nam Mỹ.

Ngôi sao bóng đá Barcelona và Argentina Lionel Messi cũng đang vướng mắc vào các vụ kiện pháp lý về trốn thuế ở Tây Ban Nha. Lionel Messi và bố của anh bị phát hiện sở hữu thêm một công ty bù nhìn ở Panama mang tên Mega Star Enterprises Inc với mục đích không gì khác: trốn thuế.

“Nạn nhân cao cấp nhất” trong số này là Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson – người được cho là cùng với vợ đứng ra nhờ Mossak Fonseca lập một công ty ma để từ đó tích trữ hàng triệu USD đầu tư trong các ngân hàng lớn Iceland. Thế nhưng ông này thì cũng được nói là “chưa có bằng chứng rõ ràng”.

Càng lạ hơn khi Sueddeutsche Zeitung và các “đối tác” không thấy nhắc đến tên của một chính trị gia người Mỹ, châu Âu, hoặc là “sói già phố Wall” nào. Tuy nhiên không phải khách hàng nào của Mossack Fonseca cũng có mục đích xấu, ví dụ như siêu sao điện ảnh Thành Long (Jackie Chan) chỉ sử dụng dịch vụ của công ty để thực hiện một số giao dịch mua bán quốc tế một cách thuận lợi hơn.

Trong phản ứng đầu tiên, ngày 4-4, Điện Kremlin cáo buộc các nhà báo điều tra, làm việc về Hồ sơ Panama bị rò rỉ, là các cựu quan chức và đặc vụ hoạt động bí mật của Mỹ.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, dường như ám chỉ tới Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi biết đó được gọi là cộng đồng báo giới. Có rất nhiều nhà báo mà nghề nghiệp chính của họ chưa chắc là nhà báo, trong đó có nhiều cựu quan chức của Bộ Ngoại giao (Mỹ), Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các cơ quan đặc biệt khác”.

Trang Moonofalabama cũng chỉ ra rằng, sự “phanh phui” một cách có lựa chọn và tính toán này nhằm hai mục đích. Thứ nhất là bôi nhọ những tổ chức, cá nhân mà Mỹ và các đồng minh “ghét bỏ”, dù chỉ bằng cách đánh gián tiếp nhằm vào những người thân cận (như trường hợp của Tổng thống Putin và ông Bashar al-Assad). Mục đích thứ 2 là để cảnh báo những nhân vật quan trọng đã nằm “sổ theo dõi”, nhưng chưa “được” công bố, rằng họ hoàn toàn có thể bị lôi ra ánh sáng và theo cách này thì Hồ sơ Panama là một “công cụ tống tiền hoàn hảo”.

Theo nhận định của một số chuyên gia, cứ cho rằng câu chuyện Hồ sơ Panama là có thật đi chăng nữa, thì điều đáng bàn hơn cả là “những ý định giấu kín” của các tổ chức đang điều khiển việc “lộ lọt” này. Nói cách khác, các tổ hợp truyền thông chỉ ra tay theo chỉ đạo trực tiếp từ một nghị trình cấp chính phủ của phương Tây.

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm