1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

"Hổ lớn dầu khí" Trung Quốc sám hối

Đó là những lời phát biểu cuối cùng của Liêu Vĩnh Viễn, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) tại phiên tòa do Tòa án thành phố Đức Châu, Sơn Đông xét xử ông ta về tội nhận hối lộ và có tài sản bất minh khổng lồ hôm 3/11.

Liêu Vĩnh Viễn đọc lời sám hối trước tòa.
Liêu Vĩnh Viễn đọc lời sám hối trước tòa.

Nhân tài hiếm sa ngã

Liêu Vĩnh Viễn từng được xem là một “nhân tài hiếm có” trong ngành dầu khí. Sinh năm 1962, Liêu Vĩnh Viễn là Giáo sư, công trình sư cao cấp, công tác liên tục hơn 30 năm trong ngành, trưởng thành từ đội trưởng khoan giếng ở vùng sa mạc Tân Cương; 37 tuổi đã là Tổng giám đốc mỏ Talimu, được gọi là “Hổ Tây Bắc”. Từ 2004 là Trợ lý Tổng giám đốc CNPC, từ tháng 2/2007 là Phó TGĐ; từ 13/5/2013 được trung ương, Quốc vụ viện giao giữ chức Tổng giám đốc CNPC.

Sau khi Chu Vĩnh Khang bị quật ngã, ngày 16/3/2015, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) quyết định bắt giữ, điều tra Liêu Vĩnh Viễn vì “có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng”, 1 tháng sau Viễn “xin từ bỏ chức vụ” Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PetroChina.

Ngày 15/6/2015, UBKTKLTW thông báo kết quả điều tra: “Liêu Vĩnh Viễn đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật tổ chức, che giấu vụ việc cá nhân; vi phạm nghiêm trọng quy định về liêm khiết, lợi dụng tiện lợi về chức vụ để mưu lợi cho người khác trong đề bạt bổ nhiệm cán bộ, kinh doanh, đòi và nhận khoản tiền hối lộ lớn; đưa hối lộ cho người khác để mưu cầu thăng tiến; vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội chủ nghĩa, gian dâm với người khác; trong đó nhận hối lộ và đưa hối lộ có dấu hiệu phạm tội…

UBKTKLTW báo cáo Trung ương quyết định khai trừ đảng tịch, Bộ Giám sát báo cáo Quốc vụ viện phê chuẩn cách chức hành chính; truy thu mọi khoản thu nhập trái quy định; chuyển vấn đề, manh mối phạm tội và tang vật cho cơ quan tư pháp xử lý theo pháp luật”.

Cùng ngày 15/6/2015, Viện kiểm sát tối cao đã tiến hành cưỡng chế đối với Liêu Vĩnh Viễn. Tháng 9/2016, Viện kiểm sát tỉnh Sơn Đông làm thủ tục khởi tố Viễn về tội nhận hối lộ và có tài sản bất minh lớn. Ngày 3/11/2016, Tòa án Đức Châu được giao mở phiên tòa công khai xét xử. Cáo trạng tại tòa nêu rõ: trong suốt thời gian từ 1997 đến nửa đầu năm 2014, Liêu Vĩnh Viễn đã lợi dụng chức vụ để nhận hối lộ gần 13,4 triệu NDT (46,9 tỷ VND) và có tài sản hơn 21,03 triệu NDT (73,6 tỷ VND) không thể làm rõ nguồn gốc…

82 lần nhận hối lộ

Sau khi ngã ngựa 1 năm 7 tháng, vụ án vốn được dư luận quan tâm sâu sắc đã được tiến hành xét xử với sự có mặt của 60 người dự. Tòa đã làm rõ việc Liêu Vĩnh Viễn trong thời gian từ 1997 đến 2014 đã lợi dụng các chức vụ từ Chỉ huy trưởng Khoan mỏ Talimu đến TGĐ CNPC để giúp 16 đơn vị và cá nhân trong việc thăng tiến cá nhân và hoạt động kinh doanh; từ Tết 2003 đến Tết 2015 đã trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ hơn 13 triệu NDT, ngoài ra còn có tài sản trị giá hơn 21 triệu NDT chênh lệch so với thu nhập hợp pháp không thể giải trình. Tuy nhiên, dư luận cũng bàn tán về việc tội đưa hối lộ của ông ta đã không được nêu ra mặc dù trong thông báo của UBKTKLTW trước đó đã đề cập tới.

Hồ sơ điều tra vụ án Liêu Vĩnh Viễn gồm 89 bản, cáo trạng dài hơn 900 ngàn chữ, cho thấy tính chất phức tạp của vụ án. Căn cứ vào văn bản buộc tội của Viện kiểm sát, người ta thấy nổi lên một số đặc điểm:

Thứ nhất, số tiền nhận hối lộ tập trung sau khi Liêu Vĩnh Viễn về giữ chức ở Bắc Kinh. Theo cáo trạng, Liêu Vĩnh Viễn bắt đầu nhận hối lộ từ 2003, đó là khi ông ta từ Tân Cương về Bắc Kinh nhận chức Trợ lý TGĐ CNPC, bắt đầu bước vào tầng lớp “hạt nhân lãnh đạo” của tập đoàn kinh tế quốc doanh lớn hàng đầu Trung Quốc.

Thứ hai, số tiền lớn, hình phạt nặng. Cáo trạng buộc tội Viễn nhận hối lộ gần 13,4 triệu NDT. Theo quy định của Luật Hình, thuộc loại “số lượng đặc biệt lớn”, phải nhận mức án từ trên 10 năm đến chung thân, kèm tiền phạt hoặc tịch thu gia sản. Tuy nhiên phiên tòa ngày 3/11 đã kết thúc để ngỏ: Mức án sẽ được công bố sau.

Thứ ba, nhận hối lộ nhiều lần, trong thời gian dài. Liêu Vĩnh Viễn đã nhận hối lộ 82 lần của 16 đơn vị và cá nhân trong thời gian liên tục 13 năm.

Thứ tư, liên quan đến nhiều người, vụ việc phức tạp. Khác với các bị cáo nhận hối lộ là lãnh đạo địa phương, bên đưa hối lộ cho Liêu Vĩnh Viễn chủ yếu là các bên nhận công trình, cung ứng thiết bị, dịch vụ, có nhu cầu năng lượng và các cá nhân, tập trung chiếm 11/16 trường hợp với số tiền 12,14 triệu NDT; có 5 trường hợp nhờ giúp điều động, bổ nhiệm, xin việc cho con với số tiền đưa 1,25 triệu NDT. Trong 16 người đưa hối lộ có người là bạn lâu năm, bạn học đại học, 4 người là thân tín cấp dưới.

Thứ năm, lý do, địa điểm, vật phẩm hối lộ phong phú đa dạng. Lý do Liêu Vĩnh Viễn nhận hối lộ rất đa dạng: đón Tết, sửa nhà, mua xe mới, con đi du học, thậm chí cô người tình trẻ ca sĩ Tả Lệ quay MV, tổ chức liveshow cá nhân cũng trở thành cớ để Viễn nhận tiền.

Địa điểm nhận tiền có: phòng làm việc, nhà riêng, khách sạn, nơi ở của người tình. Vật phẩm hối lộ có tiền mặt NDT, USD, HKD, tranh, thư pháp, đồng hồ, xe hơi, tượng Phật, vàng thoi, đồ điện tử, đồ trang trí nội thất, thẻ ngân hàng, phiếu mua hàng trả trước, cổ phiếu.

Có trường hợp 2 lần đưa USD bị Viễn từ chối, người đưa hối lộ đã tìm cách mời Viễn lên Cửu Hoa Sơn bái Phật rồi “nhờ” phương trượng “tặng” ông ta 2 bức tượng Phật trị giá hơn 1 triệu NDT. Nhờ đó, kẻ đưa hối lộ ký được hợp đồng cung ứng dầu khí trị giá 200 triệu NDT.

Thứ sáu, cả bản thân, vợ và người tình cùng “xung trận”. Theo phân tích, bản thân Liêu Vĩnh Viễn nhận hối lộ hơn 7,16 triệu NDT (53,5%), vợ và người tình nhận 6,23 triệu NDT (46,5%).

Thu Thủy/Theo báo chí Trung Quốc

Tiền Phong