Hiểm họa tiềm ẩn do súng tự chế từ vụ ông Abe bị ám sát
(Dân trí) - Khẩu súng tự chế - hung khí trong vụ cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo bị ám sát - cho thấy mối nguy hiểm tiềm tàng và thách thức mà quốc gia Đông Á phải đối mặt để ngăn nạn bạo lực súng đạn.
Reuters dẫn lời các chuyên gia về vũ khí cho biết, nghi phạm trong vụ tấn công cựu Thủ tướng Abe hôm 8/7 tại Nara có thể chế tạo ra khẩu súng hung khí trong chỉ 1-2 ngày sau khi có đủ các vật liệu cần thiết như gỗ và ống sắt.
Vụ tấn công gây chấn động quốc gia an toàn hàng đầu thế giới, cho thấy thách thức của Nhật Bản trong việc loại bỏ hoàn toàn hiểm họa từ bạo lực súng đạn dù đất nước Đông Á này có luật kiểm soát vũ khí rất chặt chẽ.
Trong những năm gần đây, đã có một số trường hợp người dân tự chế tạo vũ khí bất hợp pháp ở Nhật Bản. Tuy nhiên, tội phạm súng đạn vẫn rất hiếm ở quốc gia Đông Á: Năm ngoái có 10 vụ nổ súng, 8 vụ liên quan đến băng nhóm xã hội đen. Một người thiệt mạng và bốn người bị thương trong các vụ việc này.
"Việc chế tạo súng sử dụng máy in 3D hay việc tạo ra bom ngày nay có thể học từ mạng internet ở bất cứ đâu trên thế giới. Chỉ mất vài ngày sau khi có đủ các vật liệu cần thiết, vũ khí có thể được chế tạo ra", chuyên gia Mitsuru Fukuda của đại học Nihon cảnh báo.
Các hình ảnh video cho thấy nghi phạm dường như đã bắn vào ông Abe bằng một thiết bị có báng và hai đường ống được bọc trong băng dính điện màu đen. Cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông 41 tuổi tại hiện trường và nghi phạm thừa nhận đã bắn ông Abe, theo cảnh sát.
Chuyên gia vũ khí Tetsuya Tsuda cho biết: "Bất cứ ai có hiểu biết cơ bản về cách thức hoạt động của súng đều có thể chế tạo ra súng mà không cần nhiều kiến thức".
Truyền thông Nhật Bản hôm 9/7 nói rằng, nghi phạm khai nhận đã tìm kiếm trên mạng internet hướng dẫn chế tạo súng và đặt mua các bộ phận, cũng như thuốc súng từ các nền tảng trực tuyến.
Hung khí trong vụ ông Abe bị ám sát được mô tả là làm từ gỗ và kim loại. Cảnh sát không loại trừ khả năng viên đạn cũng là đồ tự chế, nhưng họ vẫn đang tiếp tục điều tra.
Sau khi khám nhà nghi phạm, cảnh sát tiếp tục phát hiện 5 khẩu súng khác, theo báo Mainichi.
"Những loại súng đơn giản, nhưng gây chết người, được sản xuất thủ công như thế này rất dễ chế tạo", chuyên gia vũ khí N. R. Jenzen-Jones cảnh báo.
Japan Times dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng, vụ ám sát ông Abe cho thấy sự khó khăn của việc kiểm soát bạo lực súng đạn khi việc tự chế vũ khí trở nên ngày càng dễ dàng hơn. Đây là thách thức lớn ngay cả ở một quốc gia có luật kiểm soát súng đạn chặt chẽ như Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác.
Nobuo Komiya, giáo sư tội phạm học tại Đại học Rissho, cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn bạo lực súng đạn là một thách thức lớn.
Ông nói: "Không có biện pháp đối phó nào ngoại trừ các cơ quan thực thi pháp luật phải theo dõi chặt chẽ xem có người nào sử dụng công nghệ vào mục đích sai trái hay không".