1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hé lộ những điều Tổng thống Mỹ Joe Biden cần đạt được trong chuyến công du NATO

Nguyễn Bình

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Biden sẽ bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần tới Châu Âu với nhiều mục tiêu cần hoàn thành.

Hé lộ những điều Tổng thống Mỹ Joe Biden cần đạt được trong chuyến công du NATO - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

Theo CNN, chuyến công du của Tổng thống Mỹ Biden được tiến hành trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang rất quyết liệt và âm mưu nổi loạn bất thành ở Nga của Wagner vào tháng trước, đã đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với sự ổn định toàn cầu.

Tổng thống Mỹ sẽ là nhân vật chủ chốt trong một loạt các vấn đề quan trọng của liên minh tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, vậy ông Biden cần hoàn thành những mục tiêu gì trong chuyến công du này?

Một cuộc chiến ở biên giới của NATO

Lộ trình trở thành thành viên NATO của Ukraine đang ngày càng cấp bách và có thể sẽ là một trong những điểm nóng lớn nhất đối với liên minh khi xung đột kéo dài, đặc biệt là sau cuộc nổi loạn bất thành của thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin ở Nga.

NATO lần đầu tiên hoan nghênh nguyện vọng trở thành thành viên của Ukraine trong cuộc họp năm 2008 tại Bucharest, Romania, nhưng có rất ít tiến triển và thời gian vẫn chưa chắc chắn.

Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius tới đây sẽ mang đến một cơ hội quan trọng để thực hiện các bước cụ thể.

Chris Skaluba, Giám đốc Sáng kiến An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Scowcroft của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định: "Ukraine và nhiều đồng minh NATO đang kêu gọi một lộ trình rõ ràng hơn, các bước đi hay một tuyên bố nào đó tại Vilnius sẽ cho Ukraine thấy họ cần làm gì để gia nhập liên minh. Và tôi nghĩ điều đó rất quan trọng để liên minh trở nên đáng tin cậy. Với những rủi ro của cuộc chiến,,… với những gì người Ukraine đã phải chịu đựng, nếu chúng tôi rời khỏi Vilnius mà không có định hướng chắc chắn hơn về những gì sẽ cần để đưa Ukraine vào liên minh, tôi lo lắng về độ tin cậy của liên minh".

Nhưng ông Biden sẽ là người đóng vai trò quan trọng trong việc xác định những tiêu chí hoặc mốc thời gian cụ thể, có thể đo lường, nếu có, được đưa ra cho Ukraine để trở thành thành viên NATO trong hội nghị thượng đỉnh này.

Tổng thống Biden và các thành viên trong chính quyền của ông vẫn cam kết với lập trường hiện tại của liên minh. Tuy nhiên, các quốc gia NATO ở Đông Âu giáp với Ukraine hoặc Nga đã thúc đẩy mạnh mẽ hơn cam kết gia hạn tư cách thành viên cho Ukraine, bao gồm cả việc đưa ra một thời gian biểu cụ thể hơn, điều này đã tạo ra căng thẳng trong liên minh, dẫn đến sự rạn nứt.

Một lá thư đầu tháng 6 kêu gọi vạch ra một con đường rõ ràng hơn tại hội nghị thượng đỉnh đã được ký bởi các chủ tịch Ủy ban Đối ngoại từ 22 quốc gia, bao gồm cả Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Micheal McCaul.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với các phóng viên rằng Vilnius "sẽ là một thời điểm quan trọng trên con đường trở thành thành viên", tạo cơ hội cho các thành viên "thảo luận về những cải cách vẫn cần thiết để Ukraine đạt được các tiêu chuẩn của NATO".

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn độc quyền rằng, việc đưa ra cho Ukraine lời mời gia nhập NATO sẽ là động lực quan trọng đối với các binh sĩ Ukraine.

"Tín hiệu này thực sự rất quan trọng và phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống Biden," ông Zelensky nói.

Sự chia rẽ đã thúc đẩy các cuộc thảo luận khẩn cấp trước hội nghị thượng đỉnh và kết quả của các cuộc trao đổi có thể sẽ quyết định liệu ông Zelensky có tham dự hay không.

"Nếu chúng tôi không được thừa nhận và đưa ra một tín hiệu ở Vilnius, tôi tin rằng Ukraine sẽ không có mặt tại hội nghị thượng đỉnh này", Tổng thống Zelensky nói với Wall Street Journal vào tháng 6.

Hé lộ những điều Tổng thống Mỹ Joe Biden cần đạt được trong chuyến công du NATO - 2

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc họp báo ở Kiev ngày 23/2 (Ảnh: AFP)

Thụy Điển gia nhập NATO

Các nhà quan sát cũng sẽ theo dõi chặt chẽ cách các nhà lãnh đạo tương tác với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan khi ông tiếp tục ngăn cản nỗ lực gia nhập liên minh của Thụy Điển.

Được thúc đẩy bởi cuộc xung đột Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển chính thức đệ đơn xin gia nhập liên minh an ninh từ tháng 5/2022, và Phần Lan đã được kết nạp vào tháng 4 năm nay.

Tuy nhiên, sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ đối với những nỗ lực của Thụy Điển vẫn tiếp tục, điều này có thể gây ra sự bối rối lớn và là nguồn gốc trong sự yếu kém của liên minh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sau cuộc họp của các quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển và Phần Lan hôm thứ Năm rằng việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO là "trong tầm tay".

Ông Stoltenberg bày tỏ sự lạc quan về một "quyết định tích cực" và cho biết ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển tại Vilnius vào thứ Hai tới.

Trong một động thái thể hiện sự ủng hộ đáng chú ý từ Mỹ, ông Biden đã chào đón người đồng cấp Thụy Điển, Thủ tướng Ulf Kristersson, tới Nhà Trắng hôm thứ Tư.

"Điểm mấu chốt rất đơn giản: Thụy Điển sẽ làm cho liên minh của chúng ta mạnh mẽ hơn và có cùng chuỗi giá trị mà chúng ta có trong NATO. Và tôi thực sự đang tìm kiếm - rất nóng lòng mong chờ tư cách thành viên của Thụy Điển," ông Biden nói với Thủ tướng Kristersson trong một cuộc họp tại Phòng Bầu dục.

Trong khi lãnh đạo Thụy Điển đang đóng vai trò dẫn đầu trong những cuộc đàm phán, các nhà lãnh đạo cũng sẽ tìm kiếm từ ông Biden về những gì Hoa Kỳ có thể cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ để "bôi trơn" các bánh xe.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn Quốc hội Mỹ thông qua việc mua máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất. Trong khi các quan chức Mỹ miễn cưỡng công khai ràng buộc vấn đề Thụy Điển và F-16, đằng sau hậu trường rõ ràng có một thỏa thuận cần được thực hiện.

Câu hỏi về tư cách thành viên của Thụy Điển dự kiến sẽ không được giải quyết hoàn toàn trong hội nghị thượng đỉnh - nó sẽ cần một thủ tục của quốc hội để phê duyệt chính thức - và các nhà lãnh đạo sẽ tìm kiếm từ Tổng thống Erdoğan bất kỳ tín hiệu nào cho thấy ông sẵn sàng thay đổi quan điểm và triệt tiêu bất kỳ câu hỏi nào về sự đoàn kết của liên minh.

Max Bergmann, Giám đốc Chương trình Châu Âu, Nga và Á - Âu cũng như Trung tâm Stuart tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: "Sẽ là một thất bại thực sự đối với liên minh nếu không thể đưa Thụy Điển vượt qua ranh giới ở đây, và đó là một thất bại vì nó đang bị kìm giữ bởi một thành viên, Thổ Nhĩ Kỳ".

Ông Bergmann nói tiếp, "nếu Thụy Điển không phải là thành viên tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius… tôi nghĩ điều đó thực sự sẽ dẫn đến một cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ về việc liệu Ankara có thực sự thuộc liên minh hay không".

Hé lộ những điều Tổng thống Mỹ Joe Biden cần đạt được trong chuyến công du NATO - 3

Ukraine muốn được phương Tây viện trợ tiêm kích F-16 (Ảnh: Reuters).

Viện trợ cho Ukraine

Khi các nhà lãnh đạo dự hội nghị, các chuyên gia đang theo dõi xem liệu liên minh có thể cung cấp bổ sung bất kỳ hỗ trợ an ninh dài hạn nào cho Ukraine hay không, bao gồm cả khả năng cung cấp thêm máy bay chiến đấu F-16 và các khoản đầu tư dài hạn khác, như một tín hiệu quan trọng cho Nga về việc NATO ủng hộ Ukraine về dài hạn.

Trong một bước đi quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5, Tổng thống Biden đã thông báo với các nhà lãnh đạo G7 rằng, Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ nỗ lực chung với các đồng minh và đối tác để đào tạo phi công Ukraine trên các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, bao gồm cả F-16, một quá trình có thể mất vài tháng để hoàn thành.

Chuyên gia Bergmann cho biết: "Hiện tại, Ukraine đang được hỗ trợ theo cách rất ngắn hạn, nghĩa là chúng tôi đang gom tiền và giải ngân số tiền đó càng nhanh càng tốt để đáp ứng nhu cầu chiến đấu của Ukraine cho cuộc phản công hiện tại".

Tuy nhiên, ông nói thêm: "Điều cực kỳ quan trọng là đưa ra cam kết tài chính dài hạn ở đây để thực sự gửi thông điệp tới người Nga rằng họ sẽ không chiến thắng trong một cuộc chiến lâu dài và cam kết của chúng tôi với Ukraine sẽ kéo dài", lưu ý rằng, tầm quan trọng của một cam kết như vậy sẽ gắn với yếu tố không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024.

Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng sẽ là một chủ đề chính để thảo luận giữa các nhà lãnh đạo.

Tổng thống Biden cũng chuẩn bị đưa ra điều mà Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan mô tả là một "bài phát biểu quan trọng" ở Vilnius "tầm nhìn của ông ấy về một nước Mỹ mạnh mẽ, tự tin được hỗ trợ bởi các đồng minh và đối tác mạnh mẽ, tin cậy, đương đầu với những thách thức quan trọng của thời đại chúng ta, từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine cho tới cuộc khủng hoảng khí hậu".

Luân Đôn vẫy gọi

Trước khi hội nghị thượng đỉnh Vilnius bắt đầu, Tổng thống Biden sẽ đến thăm Vương quốc Anh lần đầu tiên, nơi ông sẽ gặp Vua Charles III trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên, kể từ khi nhà vua lên ngôi.

Ông Sullivan cho biết,  Tổng thống Biden và nhà vua sẽ "tham gia vào một diễn đàn tập trung vào việc huy động tài chính cho các vấn đề khí hậu".

Tổng thống Mỹ cũng sẽ gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak, người mà ông đã tiếp đón tại Nhà Trắng vào tháng trước và là người mà ông đã tham vấn chặt chẽ về Ukraine cũng như các vấn đề chính sách đối ngoại khác.

Một cuộc tụ họp Bắc Âu

Tổng thống Biden cũng sẽ thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ đối với các nước Bắc Âu, sau hội nghị thượng đỉnh Vilnius, khi ông tới Helsinki, Phần Lan, để tham dự hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo của Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Iceland và Đan Mạch, đánh dấu hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba và là lần đầu tiên trong lịch sử của chính quyền dưới thời Tổng thống Biden.

Tư cách thành viên NATO của Thụy Điển vẫn còn chưa ngã ngũ, thì tinh thần chung của cuộc họp này có thể phụ thuộc rất nhiều vào những tiến bộ đã đạt được ở Vilnius, nếu có.

Nhưng có những lĩnh vực đã chín muồi khác để thảo luận, một quan chức Bắc Âu nói với CNN, bao gồm hợp tác an ninh, đặc biệt là ở Bắc Cực, nơi có sự hiện diện của cả Trung Quốc và Nga.

Họ cũng dự kiến sẽ thảo luận về các lĩnh vực hợp tác về công nghệ, bao gồm 5G và công nghệ trí tuệ nhân tạo. Thỏa thuận về khí hậu và năng lượng sạch cũng sẽ là những chủ đề chính trong chuyến thăm Helsinki.

Theo CNN
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine