Hé lộ nhóm chỉ điểm cho Mỹ không kích tướng Iran
(Dân trí) - Một mạng lưới gián điệp trong sân bay Baghdad và Damascus bị nghi ngờ đứng sau hoạt động rò rỉ thông tin nhằm chỉ điểm cho quân đội Mỹ không kích sát hại tướng Iran Qassem Soleimani.
Lộ trình chuyến đi định mệnh bị rò rỉ
Reuters dẫn lời một nhân viên của hãng hàng không Cham Wings Airlines cho biết, tướng Qassem Soleimani đến sân bay Damascus trên một chiếc xe hơi kín đáo với cửa kính đen. Đi cùng với ông là 4 binh sĩ Vệ binh Cách mạng Iran. Xe của họ dừng ngay trước thang lên máy bay Airbus A320 chuẩn bị bay tới Baghdad. Tên của ông Soleimani hay các binh sĩ đều không có trong danh sách hành khách chuyến bay. Ông Soleimani tránh dùng máy bay riêng do lo ngại vấn đề an ninh, nguồn tin an ninh Iraq cho hay. Đó cũng là chuyến bay cuối cùng của ông Soleimani.
Không lâu trước khi đáp xuống sân bay quốc tế Baghdad lúc 12h30 đêm 3/1, máy bay chở ông Soleimani “biến mất” bí ẩn trên hệ thống theo dõi các chuyến bay thương mại. Trước khi máy bay đáp xuống, 2 chiếc ô tô đã chờ sẵn để đón ông Soleimani. Trong đoàn đón tướng Soleimani là Abu Mahdi al-Muhandis, lãnh đạo lực lượng dẫn quân dòng Shiite của Iraq.
Ông Soleimani lên xe cùng với ông Muhandis, trong khi các vệ sĩ tháp tùng đi một xe riêng. Tuy nhiên, không ai trong 2 chiếc xe biết rằng chi tiết chuyến thăm của tướng Soleimani đã bị rò rỉ từ vài ngày trước. Toàn bộ hành trình của họ bị theo dõi bởi máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ và truyền thông tin về cho Lầu Năm Góc và Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Khi hai chiếc xe chuyển bánh xa dần hàng rào chăng dây thép gai của sân bay, máy bay không người lái của Mỹ đã phóng 2 tên lửa, trong đó tên lửa đầu tiên trúng chiếc xe chở tướng Soleimani lúc 12h55, khiến chiếc xe bị phá nát và bốc cháy. Tên lửa thứ 3 được phóng đi chỉ khoảng vài giây sau, nhằm vào chiếc ô tô thứ hai chở các vệ sĩ hộ tống. Vụ tấn công khiến tướng Soleimani và Muhandis thiệt mạng. Không có binh sĩ Mỹ hay quân nhân Iraq nào khác bị thương hay thiệt mạng.
Mạng lưới gián điệp sân bay
Ngay sau vụ tấn công, giới chức an ninh Iraq đã phong tỏa sân bay, yêu cầu hàng chục nhân viên an ninh sân bay rời đi, trong đó có cảnh sát, nhân viên kiểm tra hộ chiếu và nhân viên tình báo.
Các nhà điều tra cũng kiểm tra tất cả các cuộc gọi đến và tin nhắn của nhân viên sân bay với mục đích có thể tìm ra người đã “bắn tin” cho Mỹ thực hiện vụ không kích. Các đặc vụ an ninh quốc gia Iraq cũng tiến hành thẩm vấn hàng giờ các nhân viên an ninh sân bay và hãng hàng không Cham Wings Airlines. Một nhân viên an ninh cho biết, anh bị thẩm vấn suốt 24 giờ trước khi được ra về. “Họ hỏi tôi cả triệu câu hỏi”, người này nói.
Các nhà điều tra tập trung tìm hiểu những thành phần bên trong sân bay Damascus và Baghdad cấu kết với quân đội Mỹ để chỉ điểm không kích tướng Soleimani, Reuters dẫn lời hai nhân viên sân bay Baghdad, hai sĩ quan cảnh sát và hai nhân viên của hãng Cham Wings Airlines (Syria) cho biết. Cuộc điều tra do Cố vấn an ninh quốc gia Falih al-Fayadh dẫn đầu.
Các điều tra viên của Cơ quan an ninh quốc gia Iraq cho rằng có những dấu hiệu chắc chắn cho thấy một mạng lưới gián điệp trong sân bay Baghdad có liên quan đến việc rò rỉ các thông tin an ninh nhạy cảm về chuyến đi của ông Soleimani.
Nghi phạm gồm 2 nhân viên an ninh của sân bay Baghdad, 2 nhân viên Cham Wings Airlines trong đó “một người làm gián điệp ở sân bay Damascus, người kia hoạt động trên máy bay”. Các nhà điều tra tin rằng, 4 nghi phạm này là một phần trong nhóm gián điệp làm nhiệm vụ cung cấp thông tin cho quân đội Mỹ. Hiện cả 4 nghi phạm chưa bị bắt giữ.
Hai nhân viên của Cham Wings đang bị cơ quan tình báo Syria điều tra. Giám đốc cơ quan tình báo Syria hiện chưa bình luận về vụ việc. Tại Baghdad, các đặc vụ Cơ quan an ninh quốc gia Iraq cũng điều tra 2 nhân viên an ninh của sân bay.
“Điều tra ban đầu cho thấy rò rỉ thông tin đầu tiên về chuyến đi của ông Soleimani xuất phát từ sân bay Damascus. Nhiệm vụ của nhân viên an ninh sân bay Baghdad (1 trong 4 nghi phạm) là xác nhận mục tiêu đã tới và chi tiết đoàn tháp tùng”, Reuters dẫn lời quan chức Iraq giấu tên cho hay.
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận liệu có “tay trong” ở Iraq và Syria liên quan đến vụ không kích tướng Soleimani.
Một giám đốc của Cham Wings Airlines tại Damascus cho biết, nhân viên của họ bị cấm bình luận về vụ không kích cũng như cuộc điều tra.
Tướng Qassem Soleimani, 62 tuổi, tư lệnh lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, là một trong những người quyền lực nhất Trung Đông. Cái chết của ông Soleimani đã thổi bùng căng thẳng giữa Mỹ và Iran vốn âm ỉ lâu nay. Để trả thù cho tướng Soleimani, hôm 8/1, Iran đã nã hàng chục tên lửa nhằm vào 2 căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú ở Iraq.
Minh Phương
Theo Guardian, Reuters