1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Hé lộ lý do Mỹ cấm bay bất thường khi Triều Tiên phóng tên lửa

Minh Phương

(Dân trí) - Giới chức quân sự Mỹ cho rằng, tên lửa siêu vượt âm mà Triều Tiên phóng thử sáng 11/1 có thể bắn tới Mỹ nên đã dừng hàng loạt chuyến bay, mặc dù cuối cùng tên lửa rơi cách Mỹ hàng nghìn km.

Hé lộ lý do Mỹ cấm bay bất thường khi Triều Tiên phóng tên lửa - 1

Mỹ dừng hàng loạt chuyến bay do lo ngại đầu đạn tên lửa Triều Tiên có thể bắn tới Mỹ (Ảnh: NYPost).

CNN dẫn nguồn thạo tin cho biết, chỉ vài phút sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa siêu vượt âm ở bờ biển phía đông của nước này hôm 11/1 (giờ địa phương), Bộ tư lệnh phòng không Bắc Mỹ (NORAD) và Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã nhanh chóng xác định xem liệu đầu đạn có vươn tới Mỹ hay không. Theo đánh giá ban đầu, họ cho rằng, tên lửa của Triều Tiên có thể gây mối đe dọa đến các khu vực xa xôi của Mỹ như quần đảo Aleutian ngoài khơi Alaska hay bờ biển California.

Do vậy, FAA quyết định dừng hàng loạt chuyến bay ở khu vực Bờ Tây trong vòng khoảng 15 phút. "Để đề phòng, FAA tạm ngừng các chuyến bay ở một số sân bay dọc Bờ Tây", thông báo của FAA vào thời điểm Triều Tiên phóng tên lửa hồi đầu tuần. Ngay lập tức, các nhân viên kiểm soát không lưu đã thông báo dừng nhiều chuyến bay, đồng thời thông báo cho một số máy bay chuyển hướng hạ cánh với lý do đảm bảo an toàn.

FAA cũng đề nghị cơ quan kiểm soát không lưu ở Los Angeles giải tỏa không phận ở phía bắc căn cứ Vandenberg của Lực lượng Không gian Vũ trụ Mỹ - một động thái được cho là chuẩn bị cho việc kích hoạt hệ thống đánh chặn tên lửa.

Tuy nhiên, chỉ vài phút sau đó, NORAD xác định được những đánh giá ban đầu chưa chính xác, khẳng định tên lửa của Triều Tiên không gây mối đe dọa trực tiếp đến lục địa của Mỹ. Cơ quan này về sau thông báo, đầu đạn tên lửa Triều Tiên đã rơi xuống vùng biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản, cách Mỹ hàng nghìn km.

Sự việc đã gây sự chú ý của một số nghị sĩ Mỹ khi họ đặt ra câu hỏi về cách phản ứng của NORAD và FAA. Về phía NORAD, cơ quan này cho biết, quyết định dừng bay là do FAA ban hành, trong khi họ không đưa ra bất cứ cảnh báo nào về mối đe dọa từ tên lửa Triều Tiên.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, Triều Tiên đã hai lần phóng thử tên lửa. Bình Nhưỡng tuyên bố, đây là các vụ phóng thử thành công tên lửa siêu vượt âm nhằm tăng năng lực phòng thủ của nước này.

Hiện còn nhiều hoài nghi về tuyên bố của Triều Tiên, song giới chức Hàn Quốc nhận định, vụ phóng mới nhất đã cho thấy sự cải thiện so với lần phóng trước. Hàn Quốc cho biết tên lửa Triều Tiên bay hơn 700 km ở độ cao tối đa 60 km và đạt vận tốc Mach 10, tức gấp 10 lần tốc độ âm thanh.

Các nhà phân tích cho rằng mối đe dọa chính của vũ khí siêu vượt âm không phải là tốc độ mà là khả năng cơ động. Nếu tên lửa đạn đạo bay cao vào không gian theo hình vòng cung để đến mục tiêu, thì tên lửa siêu vượt âm bay trên quỹ đạo thấp trong khí quyển nên có khả năng tiếp cận mục tiêu nhanh hơn. Điều quan trọng là tên lửa siêu vượt âm có khả năng cơ động cao giống tên lửa hành trình cận âm nhưng bay nhanh hơn nhiều nên khó theo dõi và phòng thủ hơn.

Theo www.rt.com