1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hé lộ lập trường của Tổng thống Putin về lệnh ngừng bắn với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin không đặt kỳ vọng vào việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn với Ukraine trước khi các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu.

Hé lộ lập trường của Tổng thống Putin về lệnh ngừng bắn với Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) gặp Thủ tướng Hungary Viktor Orban tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 5/7 (Ảnh: Getty).

Trong cuộc phỏng vấn với báo Die Weltwoche được công bố hôm 7/7, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tiết lộ nội dung cuộc trao đổi của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp gần đây giữa hai nhà lãnh đạo.

Thủ tướng Orban cho biết Tổng thống Putin đã nói với ông rằng, các cuộc đàm phán thực sự sẽ không khả thi nếu không có sự tham gia của cả hai bên, đồng thời ngầm đề cập đến hội nghị thượng đỉnh hòa bình về Ukraine hồi tháng 6 khi cho rằng bất cứ điều gì được thực hiện mà không có sự tham gia của cả hai bên đều không có ý nghĩa.

Theo nhà lãnh đạo Hungary, Tổng thống Putin cũng nói với ông rằng Nga đã phản hồi các đề xuất ban đầu của Ukraine vào mùa xuân năm 2022 và lập trường của nước này không thay đổi kể từ đó. Ông Putin nói thêm rằng Moscow sẵn sàng tiếp tục đàm phán về các điều khoản tương tự.

Thủ tướng Orban cũng hỏi ông Putin nghĩ gì về việc đạt được lệnh ngừng bắn với Ukraine trước khi tiến hành các cuộc đàm phán thực chất hơn.

"Tổng thống (Putin) cho biết ông ấy không đặt kỳ vọng cao về điều này. (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky cũng nói rằng ông ấy không đặt kỳ vọng cao vì Nga sẽ sử dụng (lệnh ngừng bắn) để chống lại Ukraine. Ông Putin cũng cho rằng Ukraine sẽ sử dụng lệnh ngừng bắn để chống lại Nga. Nhưng tôi đã nói: "Hãy suy nghĩ về điều đó và tôi hiểu lập luận của ông"", Thủ tướng Orban nói.

Thủ tướng Hungary cho biết ông tự coi mình là "nhà lãnh đạo phương Tây duy nhất có thể trao đổi đồng thời với cả Kiev và Moscow", vì những người khác "đã tạo ra một tình huống mà họ không thể liên lạc trực tiếp với hai nhân vật chủ chốt".

Theo Thủ tướng Orban, ông tiếp tục duy trì liên lạc với Nga vì đang tìm kiếm "con đường nhanh nhất và ngắn nhất để kết thúc chiến tranh".

Trong cuộc phỏng vấn này, Thủ tướng Orban cũng nói rằng ông đã giấu kế hoạch đến thăm Moscow với các đồng minh phương Tây trong thời gian lâu nhất có thể và hứa sẽ có nhiều "cuộc gặp bất ngờ".

Nhiều quan chức châu Âu bày tỏ sự giận dữ trước chuyến thăm Moscow của Thủ tướng Orban. Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu Charles Michel nói rằng Hungary "không có quyền thay mặt EU để trao đổi với Nga".

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng "quyết định thực hiện chuyến đi này do phía Hungary đưa ra mà không có sự đồng ý hay phối hợp từ phía Ukraine".

Hungary vẫn là quốc gia thân cận nhất với Nga trong khối EU và nhiều lần phản đối việc Ukraine gia nhập NATO cũng như EU. Hungary cũng phản đối các lệnh trừng phạt đối với Nga và làm suy yếu các nỗ lực viện trợ của phương Tây cho Ukraine.

Tại cuộc họp báo bên lề hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Kazakhstan ngày 4/7, Tổng thống Putin cho biết, Nga và Ukraine có thể đạt thỏa thuận ngừng bắn nếu Kiev thực hiện một số bước đi "không thể đảo ngược" và có thể chấp nhận được với Moscow.

"Đơn giản là chúng tôi không thể tuyên bố ngừng bắn vào lúc này với hy vọng phía đối phương sẽ thực hiện một số bước tích cực tương tự. Chúng tôi không thể cho phép đối phương lợi dụng lệnh ngừng bắn này để cải thiện vị trí, tái vũ trang, bổ sung quân đội và tiếp tục xung đột", ông Putin nói.

Tổng thống Putin nêu rõ, ngừng bắn ở Ukraine là không thể xảy ra trước khi các bên bắt đầu hòa đàm. Ông cho rằng, xung đột Ukraine khó chấm dứt thông qua hòa giải, nhưng Nga vẫn hoan nghênh việc hòa giải. Ông giải thích, một bên trung gian hòa giải khó có thẩm quyền ký vào văn bản thỏa thuận cuối cùng.

Tháng trước, ông Putin đưa ra các đề xuất hòa bình mới về giải quyết xung đột Ukraine.

Cụ thể, Nga đề nghị Ukraine công nhận bán đảo Crimea, Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk, Lugansk, vùng Kherson và Zaporizhia thuộc Nga. Chủ nhân Điện Kremlin cũng đề nghị Ukraine thiết lập quy chế phi hạt nhân, đồng ý phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, duy trì vị thế trung lập, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.

Giới chức Nga cũng cảnh báo, nếu Ukraine không nhanh chóng chấp thuận các đề xuất này, những đề xuất sau này sẽ càng bất lợi cho nước này.

Theo Pravda