1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Hé lộ 10 nguồn cung tài chính của IS

Những tố cáo của Syria và Iraq về đường dây buôn lậu dầu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã khiến Mỹ và các nước đồng minh siết chặt hơn các biện pháp nhằm ngăn chặn nguồn tiền cung cấp cho IS.

Báo cáo của Thứ trưởng phụ trách về tình báo tài chính và khủng bố thuộc Bộ Tài chính Mỹ David Cohen công bố hôm 1-12 cho thấy, hơn một năm tiến hành không kích IS nhưng Mỹ và liên quân chống IS vẫn không thể chặn nguồn tin của tổ chức này. Tất cả là do các cơ quan tình báo đã sai lầm trong đánh giá tiềm lực của nhóm, dẫn đến những giải pháp không hiệu quả.

Hé lộ 10 nguồn cung tài chính của IS - 1

IS có được hàng triệu USD nhờ việc bán 2.300 xe Humvee thu giữ được khi đánh chiến thành phố Mosul của Iraq hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, tổ chức khủng bố này vẫn thu nhận được mỗi ngày hàng triệu USD từ 10 nguồn tài chính khác nhau để phục vụ cho các hoạt động khủng bố và tuyển quân.

Ông David Cohen khẳng định, IS là tổ chức khủng bố giàu có nhất thế giới mà Mỹ từng phải đối mặt. Túi tiền rủng rỉnh đã giúp chúng lên kế hoạch và thực hiện thành công các cuộc tấn công khủng bố ở khắp nơi, mà gần đây nhất là loạt vụ tấn công ở thủ đô Paris của Pháp. Chưa hết, có tiền, IS cũng có thêm động lực và “sức mạnh” để mở rộng hoạt động chiếm đóng tại các tỉnh, thành ở Iraq, Syria và cả thành phố Sirte của Libya – nơi được gọi là “cửa ngõ” vào châu Âu.

Một điểm đáng chú ý là không giống như các tổ chức khủng bố khác, IS không phụ thuộc vào nguồn tiền tài trợ. Chúng tự mình làm giàu cho tổ chức bằng các hoạt động kinh doanh như một tập đoàn lớn, đa quốc gia. Nghiên cứu của Tổ chức Rand khẳng định, lợi nhuận mỗi tháng mà IS thu từ hồi năm 2008 là 1 triệu USD nhưng đến nay đã tăng ở mức 3 triệu USD/ngày. Cái gì nằm trong tay IS cũng sinh ra tiền.

Dầu mỏ được coi là nguồn “vàng đen” quan trọng nhất đối với IS. Nhờ chiếm lĩnh nhiều mỏ dầu tại Iraq và Syria nên mỗi ngày IS khai thác và tiêu thụ được ít nhất 50.000-60.000 thùng dầu thô. Chỉ cần bán với giá 25USD/thùng dầu thô thì mỗi ngày IS cũng có trong tay từ 1,25 triệu USD đến 1,5 triệu USD. Ước tính, trong 10 tháng qua, IS đã bán được số lượng dầu thô trị giá 800 triệu USD trên thị trường đen thế giới.

Thường thì IS vận chuyển dầu thô bằng xe tải từ Iraq, Syria tới vùng biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. 50% số dầu đó sau khi được mua bán ở thị trường đen, đã được “phù phép hợp lý” đưa ra tiêu thụ trên thị trường quốc tế. Cựu cố vấn an ninh quốc gia Iraq, nghị sĩ Mowaffak al Rubaie cho biết, IS chỉ khai thác dầu thô và mang sang lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ để tinh lọc và đóng thùng. Hoặc cũng có lúc các loại dầu thô này được đưa tới Jihan (Thổ Nhĩ Kỳ) rồi được đưa vào ống dẫn dầu từ Jihan tới tiêu thụ ở các nước Địa Trung Hải.

Bên cạnh đó, bằng việc mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát, IS cũng độc chiếm luôn các khoản đóng thuế của người dân khu vực đó và độc quyền kinh doanh các dịch vụ thiết yếu đối với cuộc sống như điện, nước, viễn thông, ngân hàng…

Hãng Reuters cho biết, bằng hoạt động này, mỗi năm, IS cũng thu được ít nhất 360 triệu USD. Đó là chưa kể đến 875 triệu USD mà chúng có được sau khi đột nhập vào kho bạc tại một số địa phương ở Iraq. Báo cáo của Liên hợp quốc (LHQ) công bố hồi tháng 10 còn khẳng định, IS có thêm khoản tiền 50 triệu USD mỗi năm. Số tiền này thường là tiền mà các quốc gia trả để chuộc lại con tin là người nước mình bị bắt cóc.

Chẳng hạn như vụ thả tự do cho phóng viên ảnh Peter Curtis hồi năm ngoái. Mặc dù Chính phủ Mỹ và gia đình Curtis từ chối trả tiền chuộc, nhưng anh này lại được Qatar chi 4 triệu USD để được thả tự do cùng với 13 nhà tu hành khác bị bắt cóc. Số tiền này được Qatar đưa cho nhóm Jabhat Al-Nursa rồi từ đó được chuyển cho IS.

Cũng liên quan đến hoạt động “kinh doanh người” mà IS đang thực hiện, LHQ cho hay, IS đã kiếm lời từ việc bán phụ nữ và các bé gái người thiểu số Yazidi và Shia-Tukoman ở Iraq, Syria cho các tổ chức buôn người. Chúng còn buôn bán cả nội tạng (bằng chứng là các thi thể bị thiếu thận hoặc các bộ phận khác và những vết rạch phẫu thuật trong những ngôi mộ tập thể). Khoản thu nhập mà chúng thu về hằng năm từ hình thức kinh doanh này là ít nhất 320 triệu USD.

Ngoài ra, Cơ quan kiểm soát tài chính có trụ sở tại Paris (Pháp) còn phát hiện ra rằng, trên thị trường đen cổ vật hiện nay, IS đang chiếm lĩnh hoàn toàn. Các sản phẩm mà chúng đưa ra được lấy từ các bảo tàng ở Syria, Iraq hoặc từ các nhà sưu tập tư nhân. Tổng cộng có 4.500 các cổ vật có giá trị văn hóa cao đang nằm trong tay của IS.

Trước đây, khi chưa nhận biết hết giá trị của những sản phẩm này, nhiều chiến binh IS đã đập phá rồi chụp ảnh đưa lên mạng xã hội. Nhưng trong gần 2 năm qua, các thủ lĩnh IS đã liên hệ với các nhóm buôn cổ vật và tuồn ra ngoài thị trường đen qua đường Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan. Nhiều cổ vật mà IS thu giữ sau đó đã được đưa tới châu Âu và bán với giá rất cao. Bộ Tài chính Mỹ khẳng định, doanh thu mỗi năm của IS trong việc bán cổ vật không bao giờ dưới 200 triệu USD.

Vũ khí, đạn dược, trang thiết bị quân sự của Mỹ cũng nằm trong danh mục các mặt hàng mà IS đang kinh doanh. Tổ chức này thu giữ được các thiết bị này khi tấn công và giành quyền kiểm soát các khu vực quân sự của Iraq và Syria. Chúng đồng thời còn kinh doanh bất động sản bằng việc bán nhà cửa, văn phòng làm việc của các cá nhân và tổ chức ở 2 quốc gia nói trên.

Riêng tại một số vùng có tiếng về sản xuất lúa mỳ và lúa mạch ở Iraq, Syria sau khi chiếm đóng, chúng thúc đẩy việc sản xuất và bán 50% sản lượng thu hoạch được ra thị trường đen với doanh thu là 250 triệu USD/năm. Các tài nguyên phải khai thác như phốt phát, lưu huỳnh, than… cũng được IS tận dụng để bán với tổng trị giá từ 50-300 triệu USD/năm.

Cuối cùng, túi tiền vốn đã nhiều của IS lại được đầy thêm bởi những món tiền không hề nhỏ mà các chiến binh nước ngoài mang lại khi họ gia nhập tổ chức này. Số tiền này thường được IS gọi là “phí ghi danh”.

Theo Châu Anh

Công an nhân dân