Cơ hội và thách thức trong mối quan hệ Iran và phương Tây
Điều khiến các nhà đầu tư quan ngại nhất chính là nguy cơ Iran bị trừng phạt trở lại nếu nước này vi phạm hiệp ước hạt nhân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: sputniknews.com)
Bên cạnh những tin xấu từ sàn chứng khoán Trung Quốc, giá dầu lao dốc, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, hàng loạt vụ đánh bom khủng bố ở Indonesia và Burkina Faso... thế giới đầu năm 2016 cũng đón nhận một dấu hiệu tích cực là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran sau khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tuyên bố Tehran đã tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân đạt được cuối tháng 7/2015 giữa Iran và nhóm P5+1 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này.
Con đường đang rộng mở ở phía trước để chào đón sự trở lại của Iran với thị trường thế giới với những cơ hội kinh tế đầy tiềm năng, song chắc chắn cũng không ít rủi ro và thách thức trong tiến trình hội nhập với thế giới.
Việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân là một phần trong thỏa thuận lịch sử mà Iran và các cường quốc đã đạt được hồi tháng 7/2015. Đây được coi là “phần thưởng” cho việc Iran đã thu hẹp chương trình hạt nhân theo lộ trình mà Tổng thống Mỹ Barack Obama vạch ra nhằm ngăn Iran theo đuổi tham vọng sở hữu bom hạt nhân, song cũng là cơ hội lớn cho các nước phương Tây đang “trông ngóng” thâm nhập vào quốc gia này.
Những lợi ích thu được từ thỏa thuận trên khá rõ. Trước hết, Iran sẽ được phép xuất khẩu dầu thô ra thị trường thế giới - lĩnh vực mang lại nguồn thu ngoại tệ chủ chốt cho Tehran, đồng thời được phép tiếp cận khoản tiền 100 tỷ USD bị phong tỏa trong thời gian bị áp đặt lệnh cấm vận. Số tiền này vô cùng ý nghĩa đối với quốc gia bị cô lập hàng chục năm như Iran trong quá trình cập nhật các công nghệ hiện đại, tân tiến trên thế giới sao cho phù hợp với tiềm năng kinh tế của mình.
Các lĩnh vực ngân hàng, chuyển tiền, bảo hiểm, thương mại, vận tải và mua bán công nghệ sẽ có cơ hội phát triển nở rộ khi được tiếp cận với luồng vốn đầu tư nước ngoài. Thoát khỏi những "xiềng xích" của lệnh trừng phạt cho phép Iran đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp của các nền kinh tế phát triển như Đức, Thụy Sĩ, Anh, Tây Ban Nha, Pháp và các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc đã có những chuyển động tích cực mang tính "dọn đường" cho công cuộc khai thác cơ hội từ thị trường từng bị phong tỏa này.
Ngay sau khi thông tin về việc dỡ bỏ trừng phạt được công bố, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến công du tới Iran. Trong khi đó, nếu không có gì thay đổi, Tổng thống Iran Hassan Rowhani sẽ thăm Italy và Pháp vào tuần tới. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông tới châu Âu từ khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Quan hệ giữa Iran và Mỹ cũng có sự cải thiện rõ rệt dù mới chỉ dừng lại ở những bước đi đầu tiên. Iran đã trả tự do cho 10 thủy thủ Mỹ và hai tàu tuần tra hải quân Mỹ bị đi lạc vào vùng biển của mình trước thời điểm Washington dỡ bỏ lệnh cấm vấn. Sự việc được giải quyết nhanh chóng chưa đầy 24 giờ đã cho thấy thiện chí của hai nước không muốn tiến trình thực thi thỏa thuận hạt nhân đi chệch hướng.
Tổng thống Mỹ Obama càng không muốn thỏa thuận hạt nhân Iran bị cản trở bởi đây được coi là di sản ngoại giao quan trọng của ông trong hai nhiệm kỳ làm tổng thống, đặc biệt trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy một năm là nhiệm kỳ của ông kết thúc.
Tuy nhiên, từ góc nhìn khác, giới phân tích nhận định con đường hội nhập phía trước của Iran không hoàn toàn dễ dàng. Xét về khía cạnh các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp vẫn tỏ ra rất thận trọng khi tham gia thị trường Iran bởi hệ thống ngân hàng nước này đang chìm trong nợ nần, hệ thống pháp luật lạc hậu, bên cạnh đó là tình trạng tham nhũng, quan liêu, thị trường lao động thiếu linh hoạt.
Do bị cấm vận và cô lập trong nhiều năm, Iran cũng rơi vào tình trạng bị thụt lùi về công nghệ tiên tiến. Điều khiến các nhà đầu tư quan ngại nhất chính là nguy cơ Iran bị trừng phạt trở lại nếu nước này vi phạm hiệp ước hạt nhân. Một khi kịch bản đó xảy ra, mọi nỗ lực và công sức của các bên sẽ trở nên vô ích.
Hơn thế nữa, sự nghi kỵ và dè chừng lẫn nhau giữa Iran và Mỹ không thể dễ dàng xóa bỏ. Bằng chứng rõ nhất là việc chưa đầy 24 giờ sau khi lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran được dỡ bỏ, Mỹ ngay lập tức áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo của quốc gia này.
Theo lý giải của chính quyền Tổng thống Obama, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là một mối lo ngại lớn đối với an ninh khu vực toàn cầu và động thái cứng rắn này là nhằm cản trở tham vọng hạt nhân của Iran. Một mặt “chìa canh ôliu” với Iran, song mặt khác Washington vẫn muốn răn đe Tehran không nên mạo hiểm.
Quan hệ giữa Iran và phương Tây bước đầu đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, những diễn biến trong thời gian qua cho thấy mối quan hệ này sẽ còn phải đối mặt với nhiều thách thức và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, kể cả từ mâu thuẫn trong nội bộ Iran và Mỹ. Vì thế, các bên cần phải nỗ lực hơn nữa và có những bước đi cụ thể để hiện thực hóa thỏa thuận lịch sử đã đạt được./.
Theo Thanh Hương (TTXVN/Vietnam +)
http://www.vietnamplus.vn/co-hoi-va-thach-thuc-trong-moi-quan-he-iran-va-phuong-tay/368056.vnp