Hành trình trở lại Nhà Trắng đầy kịch tính của ông Trump

Thanh Thành

(Dân trí) - Với chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, ông Donald Trump, 78 tuổi, sẽ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tuyên thệ nhậm chức trong khi phải đối mặt với các rắc rối pháp lý.

Hành trình trở lại Nhà Trắng đầy kịch tính của ông Trump - 1

Ông Trump được giới truyền thông Mỹ tuyên bố đắc cử Tổng thống (Ảnh: NBC News).

Các hãng truyền thông lớn của Mỹ đã dự đoán ông Trump sẽ thắng trước đối thủ Kamala Harris trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay với trên 270 phiếu đại cử tri tối thiểu cần thiết. Thậm chí, tạp chí Newsweek đã dành những lời khen "có cánh" cho ông Trump và gọi chiến thắng của ông là "sự trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử chính trị Mỹ".

Thực tế cho thấy, hành trình trở lại Nhà Trắng của ông Trump đầy kịch tính và hoàn toàn thuyết phục: Từ tỷ phú thành tổng thống Mỹ rồi thất cử, trở thành tổng thống đầu tiên 2 lần bị luận tội, sau đó bị truy tố với nhiều cáo buộc, và quay lại đường đua tranh cử để rồi giành chiến thắng thuyết phục.

Có thể thấy, cho dù là một tỷ phú táo bạo thích gây tranh cãi, một đảng viên Cộng hòa yếu thế trở thành biểu tượng chính trị, hay một người đàn ông mà tên tuổi hiện vang vọng khắp vùng trung tâm nước Mỹ với tư cách vừa là người hùng vừa là kẻ phản diện, di sản của ông Trump trong nền chính trị Mỹ không gì khác ngoài sự đột phá.

Ở tuổi 78, ông Trump sẽ trở thành tổng thống lớn tuổi nhất trong lịch sử Mỹ khi tuyên thệ nhậm chức, thậm chí vượt cả kỷ lục của ông Joe Biden. Ông Trump cũng là tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ hiện đại sống sót sau khi bị ám sát.

Và giờ đây, ông lại một lần nữa đứng trước ngưỡng cửa lịch sử, phá vỡ kỷ lục mà chưa có tổng thống Mỹ nào từng đạt được trước đây.

Sự trở lại không giống ai

Ông Trump sinh ngày 14/6/1946 tại khu Queens của thành phố New York, là con thứ tư trong một gia đình 5 anh em. Mẹ ông là bà Mary Anne, người Scotland. Bố ông là Frederick Christ Trump, một doanh nhân bất động sản.

Ngày 8/1/2004, ông Trump lần đầu tiên ra mắt với tư cách ngôi sao trong chương trình truyền hình thực tế "Người Tập sự" (The Apprentice). Chương trình khắc họa chân dung một Donald Trump rất đời thường và đầy nhạy bén trước các cơ hội kinh doanh và ông nổi tiếng từ đó.

Ông Trump tuyên bố tranh cử tổng thống tại tháp Trump ở Manhattan ngày 16/6/2015. Ngày 3/5/2016, ông trở thành ứng viên duy nhất của đảng Cộng hòa trong đường đua vào Nhà Trắng. Ngày 8/11, ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016, đánh bại bà Hillary Clinton. Nhưng ông lại để thua ông Joe Biden trong cuộc đua năm 2020.

Lần này, sự trở lại nắm quyền của ông Trump cũng có nghĩa là lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ chứng kiến một tổng thống tuyên thệ nhậm chức khi đang bị truy tố.

Các vụ việc như vậy, trong hầu hết các trường hợp, thường sẽ đánh dấu chấm dứt sự nghiệp của bất kỳ chính trị gia nào. Nhưng đối với ông Trump, điều này dường như càng giúp củng cố vị thế của ông như một thế lực không thể lay chuyển trong đảng Cộng hòa và trong số những người ủng hộ ông.

Chiến thắng thuyết phục lần này chứng minh rằng không có cáo buộc pháp lý hay sự trừng phạt chính trị nào có thể kiềm chế được ảnh hưởng của ông Trump.

Muốn chấm dứt các cuộc xung đột

Câu chuyện chính trị của ông Trump cũng độc đáo ở một khía cạnh khác nữa - ông là một trong số ít tổng thống kể từ sau thời ông Dwight Eisenhower hoàn thành nhiệm kỳ của mình mà không phát động bất kỳ cuộc chiến tranh mới nào.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầy rẫy những "trận chiến" ở mặt trận trong nước, ông Trump thường tỏ ra ác cảm đối với các cuộc xung đột ở nước ngoài như một dấu hiệu cho triết lý "Nước Mỹ là trên hết" của mình, và nhấn mạnh việc người dân Mỹ đã mệt mỏi với các cuộc chiến tranh ở nước ngoài.

Một trong những sự kiện đáng nhớ nhất nhiệm kỳ của ông Trump là vụ đột kích vào tháng 10/2019 giúp tiêu diệt thủ lĩnh nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi, tên khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới tính đến thời điểm đó.

Ông đã để lại một số di sản đáng kể trong nhiệm kỳ đầu tiên như cải cách thuế, tái định hình hệ thống tư pháp liên bang, cải cách hệ thống tư pháp hình sự, thành lập Quân chủng Vũ trụ.

Trong cuộc bầu cử năm 2020, ông Trump đã thất bại trước ông Joe Biden. Thất bại nặng nề nhất, được cho là lý do chính khiến ông Trump không thể tái đắc cử, là do cách xử lý đại dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng y tế này đã kéo theo hệ lụy về kinh tế, vấn đề trước đây được cho là thế mạnh lớn nhất của ông Trump

Nhân vật chính trị mới mẻ

Ông Trump bước vào chính trường mà không có lịch sử giữ chức vụ gì trong chính quyền, điều mà nhiều người tin rằng sẽ khiến ông "không phù hợp". Tuy nhiên, đối với hàng triệu người Mỹ, lý lịch này lại là điều mới mẻ.

Việc ông thiếu kinh nghiệm chính trị lại trở thành một trong những tài sản lớn nhất của ông, đặc biệt là đối với những người thất vọng với các chính trị gia chuyên nghiệp và những gì họ coi là một cơ sở trì trệ, lạc hậu.

Vị thế "người ngoài cuộc" của Trump cũng mang lại cho ông khả năng giao tiếp đặc biệt theo cách gây được tiếng vang với những người Mỹ đã vỡ mộng về chính trị truyền thống. Hình ảnh người nổi tiếng và danh tiếng của ông với tư cách là một doanh nhân thành đạt đã thu hút được các cử tri coi ông là người sẽ áp dụng tính hiệu quả của khu vực tư nhân vào chính phủ, phá vỡ các chuẩn mực quan liêu.

Câu cửa miệng của ông là "làm sạch đầm lầy" đã trở thành lời kêu gọi tập hợp của một bộ phận lớn người Mỹ tin rằng Washington cần một người không bị ràng buộc bởi lòng trung thành với chính trị hoặc mối quan hệ với đảng phái để làm trong sạch hệ thống.

Đối với những người ủng hộ, ông Trump là thuốc giải cho chính trị như thường lệ, một nhân vật có thể làm thay đổi mọi thứ theo cách mà một chính trị gia chuyên nghiệp không bao giờ làm được.

Điều gì đang chờ đợi phía trước?

Ông đã tạo nên lịch sử khi là người đầu tiên sau hơn một thế kỷ tại Mỹ thắng ghế tổng thống ở 2 nhiệm kỳ không liên tiếp.

Việc ông tái đắc cử cũng đại diện cho một sự thay đổi mới trong nền chính trị Mỹ, một sự thay đổi khỏi các chuẩn mực truyền thống hướng tới một kỷ nguyên mà việc phá vỡ các quy tắc và mở rộng ranh giới có thể trở thành các tiêu chuẩn mới.

Đối với những người phản đối, chiến thắng của Trump là lời nhắc nhở về sự phân cực chính trị của Mỹ và là thách thức đối với tính toàn vẹn của các hệ thống pháp lý và chính trị của nước này.

Đối với những người ủng hộ, đó là chiến thắng của chính trị gia khác biệt của họ, một người đã bất chấp mọi khó khăn để giành lại vị trí của mình trong lịch sử.

Câu chuyện của ông Trump vẫn chưa kết thúc, và khi ông trở lại, cả thế giới nín thở dõi theo. Dù yêu hay ghét ông, hành trình của ông là một hành trình đáng ghi nhớ, một câu chuyện về nước Mỹ táo bạo, khó đoán và vĩ đại như chính con người ông.

Theo TBS News