Hành trình "tìm con" đầy gian nan ở bên kia chiến tuyến Nga - Ukraine
(Dân trí) - Khi Ukraine giành lại quyền kiểm soát Izyum, các bậc cha mẹ ở đây trải qua một hành trình đầy gian nan để đưa các con trở về sau khi đã gửi chúng đến trại hè trên lãnh thổ Nga nhằm tránh chiến sự.
Khi chiến tranh nổ ra xung quanh thành phố Izyum ở tỉnh Kharkov của Ukraine, Đài phát thanh của Nga đang hoạt động tại đây là kênh thông tin đã giúp người dân ở đây biết được mọi thông tin về tình hình chiến sự.
Trong thời điểm đó, cô Olena Karyaga nghĩ rằng, cách an toàn nhất là gửi hai con trai Kirill 12 tuổi và Timur 15 tuổi đến trú ẩn tại một trại hè bên bờ Biển Đen trên lãnh thổ Nga. Nhiều gia đình trong vùng đã làm như vậy và hai đợt trại sinh cũng vừa trở về an toàn.
Cô Karyaga chưa bao giờ phải xa các con nhưng đó dường như là cách duy nhất để bảo vệ chúng khỏi xung đột. "Tôi chưa bao giờ để các con đi bất kỳ đâu mà không có tôi theo cùng. Nhưng cuối cùng gia đình cũng đồng ý gửi chúng đi", Karyaga kể lại.
Tại một sở giáo dục địa phương do chính quyền thân Nga điều hành, cô điền vào các mẫu đơn đồng ý cho cả hai con tham gia trại hè, giao phó chúng cho người bảo hộ phía Nga đảm bảo ăn ở và trông nom.
Các con của cô và hơn 300 trẻ em khác đã rời Izyum vào cuối tháng 8 với điểm đến là trại hè Medvezhonok, thị trấn Gelendzhik thuộc tỉnh Krasnodar Krai, phía bên kia biên giới.
"Và tôi không thể tưởng tượng được là chúng sẽ không thể quay lại", cô nói.
Vài ngày trước khi những đứa trẻ này dự kiến trở về từ trại hè vào tháng 9, các lực lượng Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát những vùng đất ở phía đông bắc Kharkov trong một cuộc tấn công bất ngờ.
Cô Karyaga và hàng trăm phụ huynh Ukraine bỗng nhiên rơi vào tình cảnh "ở hai bên chiến tuyến" với các con của mình. Hai con trai của cô lẽ ra được trở về vào ngày 19/9 nhưng giờ đây kẹt lại trên lãnh thổ Nga. Mạng điện thoại di động và internet đã ngừng hoạt động khiến cô không thể liên lạc với các con.
Anh Nikolai Yemelenskiy cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Yemelenskiy cho biết đã liên lạc với một thành viên của quân đội Ukraine để giải thích rằng con gái nuôi của mình đang bị mắc kẹt trong một trại hè ở Nga. Nhưng anh chỉ nhận được câu trả lời: "Làm sao anh có thể gửi con mình đến đất nước của đối phương?".
Yemelenskiy và các bậc phụ huynh khác phải tập trung tại trung tâm Izyum để sử dụng dịch vụ internet vệ tinh do lực lượng Ukraine mang đến. Họ đã liên lạc với những người tổ chức trại ở Nga nhưng phía Moscow cho biết vì giới tuyến đã thay đổi nên nếu muốn nhận lại con, cách duy nhất là họ phải đến Nga để đón về.
Hành trình đầy trắc trở
Tuy nhiên, một hành trình dài 3.200 km như vậy vượt quá khả năng của nhiều bậc cha mẹ.
Đối với cô Karyaga, người cả đời chưa từng đi xa khỏi Kharkov, đó như là một hành trình gần như không tưởng. Cô còn chưa bao giờ nghĩ đến chuyện sang nước khác nên cũng không có hộ chiếu. Và "Save Ukraine", một tổ chức làm việc ở các khu vực tiền tuyến, đã đề nghị giúp đỡ.
Dù Karyaga và nhiều phụ huynh khách được chính quyền Ukraine hỗ trợ cấp hộ chiếu nhanh chóng, chuyến đi đón con vẫn bị trì hoãn nhiều lần.
Những thủ tục vốn cần nhiều bước xác minh trước chiến sự lại càng thêm khó khăn vì tình trạng mất điện liên tục. Lệnh đóng cửa biên giới Nga - Ukraine và tình trạng "đóng băng" mọi chuyến bay thương mại giữa hai nước khiến hành trình càng thêm gian nan.
Việc nam giới ở Ukraine trong độ tuổi từ 18 đến 60 bị cấm rời khỏi đất nước, khiến các bà mẹ sẽ phải thực hiện hành trình một mình.
Vì vậy, một nhóm gồm 6 bà mẹ, trong đó có cô Karyaga, đã tự lái xe trên quãng đường hơn 3.200 km, sang Ba Lan rồi băng qua biên giới Belarus để vào lãnh thổ Nga. Sau 3 ngày, họ cuối cùng cũng đến được trại hè nơi những đứa trẻ đang ở sau 2 tháng vẫy tay tạm biệt.
Một đoạn video do cô Karyaga đăng tải cho thấy, buổi đoàn tụ diễn ra trong những cái ôm và nước mắt. Hầu hết những đứa trẻ khác trước đó đã được cha mẹ đưa về và chỉ còn một số ít vẫn ở đó.
Rời khỏi Nga, họ phải nói dối với biên phòng Ukraine rằng mình là dân tị nạn tại Ba Lan đang trên đường hồi hương để tránh gặp phải sự cố nào ngoài ý muốn.
Quay trở lại Ukraine, đoạn cuối của cuộc hành trình đưa họ đi qua một khung cảnh đầy "vết sẹo" của chiến tranh, từ những cây cầu bị nổ tung cho đến những bãi mìn.
Tương lai vô định
Cuối cùng, họ đã về nhà ở Izyum. Nhưng họ cũng đã trở lại với một thực tế phũ phàng hơn nữa. Theo Phó Thị trưởng Volodymyr Matsokin, hơn 80% diện tích thành phố bị hư hại hoặc phá hủy.
Trên một con phố, một người phụ nữ lớn tuổi và cháu trai đang thu thập những thùng đạn rỗng của Nga để chặt làm củi. Những con mèo giống bị bỏ rơi lang thang trên đường phố và những con chim sà vào và bay ra khỏi các tòa nhà chung cư cao tầng thông qua các lỗ hổng bị tên lửa cho nổ tung.
Năm học đã bắt đầu nhưng trẻ em ở Izyum không thể học bài vì đường truyền internet không ổn định.
Những gia đình gửi con đến Nga còn phải chịu thêm kỳ thị từ cộng đồng. Hrunin, một người dân thành phố Izyum, nói anh sẽ không bao giờ cho cô con gái 8 tuổi sang Nga, gọi đó là "tấm vé một chiều".
Phó thị trưởng Matsokin cũng cho rằng, không có lý do gì để các bậc cha mẹ gửi con cái của họ đến Nga, cáo buộc họ sơ suất.
Theo ông, những trại hè mà Nga tổ chức cho người dân địa phương thực chất là một phần trong chiến lược tuyên truyền. "Các quan chức Nga thường đến thăm những trại hè này để vẽ nên bức tranh giải cứu trẻ em khỏi chiến sự", ông Matsokin nói.
Nhưng với những đứa trẻ nhà Karyaga và Yemelenskiy, chính trị không phải là điều chúng quan tâm. Với chúng, trại hè bên vịnh Gelendzhik là nơi được quên đi chiến sự, được vui đùa cùng bạn bè đồng trang lứa, học những điệu nhảy mới và ra bờ biển mỗi ngày.
Một ngày sau khi trở lại Izyum, cô bé Valentina Getman, 15 tuổi, hồi tưởng về mùa hè của mình. Cô bé đã chơi rất nhiều trò, kết bạn mới, học các điệu nhảy và đi biển. "Ở đó vui lắm. Mọi người đều rất lạc quan", cô bé nói.
Hai cậu con trai nhà Karyaga kể rằng nhân viên trong trại hè không nói gì về chiến tranh. Cậu bé Timur nói trại hè còn cấp điện thoại để trại sinh liên lạc với gia đình và xem tin tức, nhưng hầu hết các em đều muốn quên đi những gì đang diễn ra. "Chúng con muốn tạm dừng và tạm quên tất cả những điều này", cậu bé nói.
Chỉ đến khi nghe tin quân đội chính phủ giành lại Izyum, bọn trẻ mới bắt đầu lo nghĩ đến chuyện không được về nhà. Sau đó, bọn trẻ được chuyển đến một trại khác và nói rằng họ sẽ ở đó cho đến khi cha mẹ đến đón.
Trở lại Izyum, những mảnh vỡ tên lửa trúng vào một số tòa nhà vẫn ngổn ngang ngay trước mắt. Cô bé Valentina nói rằng vẫn thích ở lại trại hè nếu cha mẹ nuôi cũng có thể ở lại đó.
Dù nhớ cha mẹ nhưng cậu bé Timur cũng thừa nhận không muốn về nhà vì "con sợ chiến tranh".
Vì vậy, suy nghĩ về quyết định lần này, cô Karyaga nói rằng, bản thân không hối hận và vẫn sẽ có lựa chọn tương tự nếu điều đó có nghĩa là sẽ giúp bảo vệ các con.