1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hành trình đào tẩu của tên khủng bố

Một tên khủng bố có súng đang bị truy nã toàn châu Âu vẫn ung dung lên tàu cao tốc Pháp đến Italy mà không gặp trở ngại nào.

Anis Amri người Tunisia 24 tuổi, đối tượng bị Đức truy nã trong vụ tấn công bằng xe tải tại chợ Giáng sinh ở Berlin (Đức) đêm 19-12, đã bị hai cảnh sát Italy bắn chết ba ngày sau đó ở ngoại ô Milan.

Báo La Stampa (Italy) dẫn nguồn từ cơ quan điều tra cho biết trong ba ngày đào tẩu, Anis Amri đã đi chặng đường dài 1.500 km bằng tàu hỏa qua Berlin (Đức), Chambéry (Pháp), Turin và nhà ga Sesto San Giovanni (Italy).

Hành trình đào tẩu này đã đặt ra nhiều nghi vấn.

Đức nghi vấn vì sao Anis Amri rời hiện trường mà không bị ai phát hiện? Hắn có đồng bọn ở Đức giúp đỡ sang Italy hay không?

Pháp chưa rõ vì sao Anis Amri có thể vượt biên từ Đức vào Pháp an toàn rồi tiếp tục sang Italy? Hắn quá cảnh ở Pháp nhằm mục đích gì?

Italy nghi ngờ Anis Amri dừng lại Turin ba tiếng để gặp đồng bọn. Sau đó, hắn đến ngoại ô Milan làm gì? Có hẹn với mạng lưới khủng bố ở Milan hay muốn tìm giấy tờ giả trốn khỏi châu Âu?

Cảnh sát tăng cường bảo vệ tại Berlin trong mùa Giáng sinh. Ảnh: REUTERS
Cảnh sát tăng cường bảo vệ tại Berlin trong mùa Giáng sinh. Ảnh: REUTERS

Từ quá trình đào tẩu của Anis Amri, ba nước Đức, Pháp và Italy đã đặt vấn đề về công tác chống khủng bố.

• Pháp: Các điều tra viên đã tìm thấy trong ba lô của đối tượng bị truy nã Anis Amri vé tàu cao tốc đi từ Chambéry (tỉnh Savoie ở Pháp) đến Turin (Italy).

Vấn đề đáng quan tâm là Anis Amri là tên khủng bố có súng đang bị truy nã toàn châu Âu lại có thể ung dung lên tàu cao tốc Pháp đến Italy mà không gặp trở ngại gì.

Trong khi đó, ngay sau vụ tấn công bằng xe tải ở Đức, Bộ Nội vụ Pháp đã chỉ đạo củng cố kiểm soát ở biên giới Pháp-Đức. Ấy vậy mà tên Anis Amri qua trót lọt!

• Đức: Cơ quan điều tra đang tiếp tục truy lùng nhằm xác định xem trong quá trình chuẩn bị và thực hiện vụ tấn công rồi đào tẩu, Anis Amri có được mạng lưới hay cá nhân nào tiếp tay hay không.

Anis Amri nhập cảnh vào Đức hồi tháng 7-2015, là đối tượng bị điều tra về hành vi âm mưu phạm tội nghiêm trọng đe dọa quốc gia và bị cảnh sát Berlin giám sát từ tháng 3 đến tháng 9-2016.

Đơn xin nhập cư của hắn bị bác hồi tháng 6-2016 và hắn là đối tượng phải bị trục xuất khỏi Đức. Vậy cảnh sát đã giám sát đầy đủ đối với đối tượng này hay chưa?

Chưa hết, báo Assabah (Morocco) đưa tin hai lần vào ngày 19-9 và 11-10, cơ quan an ninh Morocco đã gửi thông báo cho Đức về nguy cơ tấn công khủng bố ở Berlin sẽ diễn ra vào cuối năm 2016.

Thông báo nêu rõ âm mưu khủng bố được Anis Amri và hai đồng bọn người Nga và người Morocco lập kế hoạch từ Dortmund.

Italy: Báo chí Italy nhận xét không phải tình cờ Anis Amri xuống ga Sesto San Giovanni ở Milan để rồi bị hai cảnh sát bắn chết. Đây là trục giao thông quan trọng, ga cuối và có bến xe lớn đi Tây Ban Nha, Morocco, Albania hay xuôi về miền Nam Italy.

Báo Corriere della Sera đánh giá Milan là ngã tư quốc tế với ba tuyến đường dẫn đến Bắc Âu, đi về hướng Afghanistan và trực chỉ Bắc Phi. Milan là điểm tập trung nhiều phần tử thánh chiến và nơi thích hợp để IS tuyển quân.

Bộ trưởng Nội vụ Italy Marco Minniti hết lời khen ngợi hai cảnh sát Christian Movio và Luca Scata đã tiêu diệt Anis Amri. Tuy nhiên, báo La Repubblica (Italy) đã chỉ trích việc cảnh sát công bố danh tính hai cảnh sát vì họ có thể bị trả thù. Chưa kể cư dân mạng truy tìm và phát hiện qua mạng xã hội hai cảnh sát này thuộc thành phần ủng hộ phát xít và sùng bái Mussolini. Cảnh sát trưởng Milan cho biết chân dung của hai cảnh sát trên mạng xã hội đã được gỡ xuống và đã bố trí cảnh sát bảo vệ họ và gia đình.

___________________________________

9.200 là số phần tử Hồi giáo cực đoan ở Đức theo báo cáo vào tháng 6-2016 của cơ quan tình báo Đức. Trong số này có 549 phần tử nguy hiểm như đối tượng bị truy nã Anis Amri. Năm 2011, chỉ có 3.800 người được đưa vào danh sách Hồi giáo cực đoan ở Đức.

Theo Ph. Quỳnh

Pháp luật TPHCM