1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga - Ukraine giành từng tấc đất ở nơi nóng nhất mặt trận miền Nam

Đức Hoàng

(Dân trí) - Dù chiến sự đang ác liệt ở mặt trận miền Đông, tại miền Nam, Nga và Ukraine cũng đang giành giật nhau xung quanh các khu vực chiến lược ở sông Dnieper.

Nga - Ukraine giành từng tấc đất ở nơi nóng nhất mặt trận miền Nam - 1

Binh sĩ Ukraine tác chiến ở sông Dnieper, Kherson (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ukraine).

Trong những tháng qua, Nga đã tăng cường các chiến dịch tấn công trên nhiều mặt trận tại Ukraine, đặc biệt ở Donbass tại miền Đông.

Tuy nhiên, tại miền Nam, tình hình cũng căng thẳng khi 2 nước nổ ra hàng loạt các trận giao tranh quy mô không quá lớn dọc theo sông Dnieper (hay còn gọi là Dnipro) ở tỉnh Kherson.

Lực lượng Nga và Ukraine đang chiến đấu để giành quyền kiểm soát các đảo Kozatskyi và Kruhlyk, nằm tại cửa sông ở nơi đổ ra Biển Đen. Chiến dịch này có ý nghĩa chiến lược quan trọng, bởi việc kiểm soát các đảo nói trên sẽ giúp Nga kiểm soát lối vào sông Dnieper, con sông có vị trí địa chiến lược với Ukraine.

Nga - Ukraine giành từng tấc đất ở nơi nóng nhất mặt trận miền Nam - 2

Sông Dnieper chạy dọc lãnh thổ Ukraine (Ảnh: Le Monde).

Sông Dnieper kéo dài hơn 2.200km từ đồi Valdai của Nga đến Biển Đen, chia đôi lãnh thổ Ukraine. Nhiều thành phố lớn của Ukraine, bao gồm Kiev, tọa lạc dọc theo con sông này. Sông Dnieper đã đóng vai trò then chốt trong cuộc xung đột.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, lực lượng Nga đã giành thành phố Kherson, một thành phố chiến lược tại cửa sông, vào tháng 3/2022.

Đến tháng 11/2022, Ukraine tái kiểm soát Kherson, buộc lực lượng Nga rút lui và phá hủy nhiều cây cầu bắc qua sông. Mặc dù sau đó Ukraine đã cố gắng thiết lập một đầu cầu vượt sông, họ đã chịu tổn thất nặng nề và cuối cùng phải từ bỏ nỗ lực này. Hiện tại, ở tỉnh Kherson, Nga kiểm soát bờ đông sông, trong khi Ukraine kiểm soát bờ tây.

Lữ đoàn Thủy quân lục chiến số 61 của Nga đã thực hiện các chiến dịch đổ bộ để giành các đảo Kozatskyi và Kruhlyk trong những tháng qua.

Nếu giành được quyền kiểm soát các đảo này, Nga có thể triển khai pháo binh để kiểm soát lối vào sông Dnipro và hỗ trợ các chiến dịch bắc cầu, cho phép lực lượng Nga vượt sông và tìm cách giành lại thành phố Kherson.

Tuy nhiên, các đảo này nằm trong tầm pháo binh của Ukraine, và Lữ đoàn Phòng thủ Lãnh thổ 126 của Ukraine đang chống trả các cuộc tấn công của Nga. Hiện tại, chưa bên nào hoàn toàn kiểm soát được các đảo này.

Một trong những yếu tố quyết định thành bại trong trận chiến tại đây là trang thiết bị. Cả Nga và Ukraine đều cần các loại thuyền nhỏ để tấn công và kiểm soát các đảo.

Lực lượng Nga đã tập hợp một nhóm gồm 300 thuyền, chủ yếu là thuyền cao su thân cứng (RHIB), để chở binh lính ra đảo và thực hiện các cuộc tấn công nhanh.

Những phương tiện này có thể di chuyển nhanh trong vùng nước nông và khó bị phát hiện, đặc biệt là vào ban đêm. Đội thuyền của Nga được trang bị các hệ thống vũ khí, bao gồm súng máy và súng phóng lựu, biến chúng thành các nền tảng chiến đấu cơ động.

Trong khi đó, Ukraine cũng sở hữu một số lượng lớn phương tiện tương tự, được tăng cường thông qua các gói viện trợ nước ngoài. Tháng trước, Australia tuyên bố tài trợ 14 thuyền RHIB cho Ukraine. Đầu năm nay, Hà Lan đã cung cấp 14 thuyền RHIB, 8 thuyền tuần tra quân sự trên sông, và các xuồng tấn công CB90.

Các gói viện trợ từ Mỹ bao gồm hơn 100 xuồng tuần tra ven biển và trên sông. Thụy Điển, Phần Lan, Estonia, và Đan Mạch cũng đã cung cấp các xuồng được trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại tương tự như của Nga.

Cả hai bên đều tăng cường năng lực tác chiến bằng các công nghệ tiên tiến như UAV và các hệ thống tác chiến điện tử. UAV được sử dụng để trinh sát, nhắm mục tiêu, và tập kích chính xác vào lực lượng đối phương khi họ cố gắng tấn công và giành các đảo.

Tương tự, cả hai bên đều sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử để gây nhiễu thông tin liên lạc, cô lập hiệu quả các đơn vị xung kích. Các hệ thống này cũng thường được dùng để đối phó với UAV của đối phương. Quân đội Nga là bên tiên phong trong cả hai lĩnh vực này nhưng Ukraine cũng đang tìm cách bắt kịp.

Ngoài ra, Ukraine đã phát triển một hạm đội các xuồng không người lái (USV), như SeaBaby và Magura 5, được trang bị nhiều hệ thống vũ khí.

Ban đầu, chúng được sử dụng trong các nhiệm vụ kiểu cảm tử. Tuy nhiên, các USV này giờ đây mang theo vũ khí riêng và có thể tấn công cả tàu và máy bay. Dù chủ yếu phù hợp với môi trường biển, chúng cũng có tiềm năng được triển khai để tuần tra các tuyến đường thủy và làm gián đoạn các đơn vị tấn công của Nga.

Việc kiểm soát sông Dnieper sẽ tác động sâu sắc tới cục diện của chiến sự Ukraine.

Nếu Nga giành được các đảo tại cửa sông và duy trì quyền kiểm soát bờ đông, họ sẽ kiểm soát lối vào con sông và có được một điểm tập kết quan trọng cho các cuộc tấn công trong tương lai vào bờ tây. Vì vậy, các nỗ lực của Nga để giành các đảo này đang vấp phải sự phòng thủ quyết liệt từ Ukraine.

Theo Forbes
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine