1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nga có thể duy trì năng lực sản xuất vũ khí đáng gờm trong bao lâu?

Thanh Thành

(Dân trí) - Năng lực sản xuất xe tăng, tên lửa và đạn pháo của Nga đã khiến phương Tây ngạc nhiên và gây thêm áp lực cho Ukraine nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu Moscow có thể tiếp tục như vậy trong bao lâu.

Nga có thể duy trì năng lực sản xuất vũ khí đáng gờm trong bao lâu? - 1

Tổng thống Putin hồi tháng trước đã đến thăm nhà máy sản xuất xe tăng Uralvagonzavod, nơi ông thừa nhận tình trạng thiếu lao động lành nghề (Ảnh: Getty).

Đối với một số quan chức và nhà phân tích phương Tây, số liệu sản xuất quân sự của Nga luôn là khó dự đoán. Họ nhận định, việc tăng cường sản xuất của Moscow có thể không bền vững vì nó làm hao mòn nguồn lực của nền kinh tế rộng lớn hơn và bất kỳ sự sụt giảm sản lượng nào cũng có thể khiến Nga phải phụ thuộc nhiều hơn vào các đồng minh thân cận.

"Nga đã thành công ấn tượng trong việc tăng cường sản xuất ở nhiều lĩnh vực quốc phòng. Nhưng tôi rất nghi ngờ việc Nga có thể tiếp tục tốc độ đó", ông Oscar Jonsson, nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, cho biết "Mọi việc rồi sẽ bị trì trệ".

Khả năng sản xuất vũ khí của Nga ngày càng trở nên quan trọng khi cuộc xung đột Ukraine kéo dài sang năm thứ ba và trong bối cảnh không chắc chắn về viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine trong tương lai.

Chẳng hạn, việc Nga có nhiều đạn pháo hơn thực sự mang tính quyết định khiến Ukraine đã để mất quyền kiểm soát thành phố Avdiivka ở phía đông hồi tháng 2.

Trong khi đó, khả năng tái vũ trang của Nga sau chiến tranh có thể đe dọa các quốc gia khác ở biên giới nước này, những quốc gia này cho biết.

Sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt nhằm gây khó khăn cho ngành công nghiệp vũ khí của Nga. Trên chiến trường, Nga sớm mất trang thiết bị và cạn kiệt kho tên lửa và đạn pháo.

Đáp lại, Moscow đã nhanh chóng bơm nguồn lực vào ngành công nghiệp vũ khí của mình. Vào năm ngoái, 21% tổng chi tiêu liên bang được chi cho lĩnh vực mà Moscow phân loại là quốc phòng, tăng từ mức gần 14% vào năm 2020.  Ngân sách liên bang năm 2024 yêu cầu tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng thậm chí còn lớn hơn trong năm nay, ở mức hơn 29%.

Nga cũng trở nên thành thạo hơn trong việc tránh các lệnh trừng phạt, tìm nguồn cung ứng các linh kiện như vi mạch và thiết bị viễn thông của phương Tây mà nước này không thể mua trực tiếp qua các nước khác.

Hồi tháng 12/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết Nga đang sản xuất số lượng đạn dược gấp 17,5 lần, số lượng máy bay không người lái (UAV) gấp 17 lần và số lượng xe tăng gấp 5,6 lần so với trước chiến tranh.

Các quan chức phương Tây cho biết Moscow cũng đã tăng cường sản xuất tên lửa và các loại vũ khí khác.

Theo một quan chức cấp cao của NATO, Nga có thể sẽ duy trì nỗ lực chiến tranh thêm từ 2- 5 năm nữa với quy mô hiện tại. Ít nhất hai cơ quan tình báo quân sự châu Âu cũng tin rằng, Nga có thể sản xuất đủ vũ khí để chiến đấu trong vài năm nữa.

Những khoản đầu tư lớn vào quốc phòng ở Nga khiến quan chức phương Tây lo ngại, cho rằng NATO đã đánh giá thấp năng lực duy trì chiến dịch quân sự dài hạn của Moscow.

Thực tế gia tăng sản xuất quân sự của Nga được thể hiện rõ qua dữ liệu kinh tế.

Theo một phân tích về số liệu thống kê của Nga từ Ngân hàng trung ương Phần Lan, sản lượng từ một số ngành công nghiệp liên quan đến quân sự, bao gồm sản phẩm quang học và kim loại chế tạo, đã tăng gấp đôi kể từ khi chiến sự Ukraine bùng nổ.

Tuy nhiên, ngân hàng này kết luận rằng việc tăng sản lượng và mức chi tiêu quân sự tổng thể có thể không bền vững do sự hao hụt về đầu tư, nhân lực, vật lực trong nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế Nga.

Nga có thể duy trì năng lực sản xuất vũ khí đáng gờm trong bao lâu? - 2

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu được cho là xuất hiện tại một cơ sở cất giữ vũ khí (Ảnh: ZUMA).

Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi về sản lượng vũ khí của Nga. Chẳng hạn, số liệu sản lượng của Nga không phân biệt giữa xe bọc thép mới được sản xuất và các mẫu cũ từ kho dự trữ và tân trang lại.

Dựa trên việc xem xét những hình ảnh vệ tinh trước và sau khi bùng nổ chiến tranh, Michael Gjerstad, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết, hồi năm 2023, Nga đã đưa ít nhất 1.200 xe tăng cũ ra khỏi kho. "Điều đó có nghĩa là Nga đã sản xuất nhiều nhất 330 xe tăng mới vào năm ngoái, nhưng con số thực tế có thể thấp hơn", chuyên gia Gjerstad nói.

Ví dụ, có tới 200 xe tăng cùng lúc nằm bên ngoài nhà máy sản xuất xe tăng Omsktransmash ở Omsk, Siberia kể từ cuối năm 2022, theo ảnh vệ tinh do Planet Labs PBC cung cấp. Vấn đề là nhà máy này đã không sản xuất xe tăng mới trong vài năm trước khi chiến sự bùng nổ.

Theo Nicholas Drummond, một nhà tư vấn quốc phòng, những chiếc xe tăng này trông giống như T-62, vốn không được sản xuất từ những năm 1970 và T-54/55, được thiết kế lần đầu tiên sau Thế chiến II. Những chiếc xe tăng cũ này không có chất lượng tốt như những mẫu xe mới và cuối cùng nguồn hàng sẽ cạn kiệt. 

Moscow cũng đã tăng cường dự trữ đạn pháo cũ. Theo Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (RUSI), một cơ quan cố vấn của Anh, kho dự trữ đạn pháo của Nga hiện có khoảng 3 triệu viên, phần lớn trong số đó đã khá cũ.

Nga cũng chưa có bình luận gì về sản lượng và chất lượng vũ khí của nước này.

Các nhà sản xuất vũ khí của Nga phải đối mặt với thách thức về nguồn lao động lành nghề.

Trong chuyến thăm hồi tháng 2 tới nhà máy sản xuất xe tăng lớn nhất của Nga, Tổng thống Vladimir Putin đã nói với một công nhân rằng ông nhận thức được tình trạng thiếu nhân lực lành nghề trong lĩnh vực này.

Trước đó, vào tháng 6/2022, Phó Thủ tướng Yury Borisov cho biết ngành công nghiệp vũ khí đang thiếu khoảng 400.000 người. Phó Thủ tướng Borisov và các quan chức Nga đều xác nhận, lĩnh vực này cần khoảng 2 triệu công nhân, cho thấy mức thiếu hụt nhân sự khoảng 20%.

Theo New York Times