1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàn Quốc lại “nín thở” trong ngày thi đại học

(Dân trí) - Cả Hàn Quốc hôm nay 7/11 “nín thở” khi 650.000 học sinh bước vào kỳ thi vào đại học sẽ quyết định cả cuộc đời sau này của họ.



650.000 học sinh tham gia kỳ thi đại học tại Hàn Quốc vào ngày hôm nay.
650.000 học sinh tham gia kỳ thi đại học tại Hàn Quốc vào ngày hôm nay.

 

Cả nước ở trong “chế độ im lặng”

 

Việc chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học đã bắt đầu từ bậc tiểu học, vì vậy áp lực không ngừng nghỉ đặt lên vai người đi thi lý giải vì sao lại có nhiều học sinh bị stress và tự tử ở Hàn Quốc.

 

Thành công trong kỳ thi này, tức đảm bảo một suất ở một trong những trường đại học danh tiếng của Hàn Quốc, được xem là chìa khóa vạn năng cho mọi thứ, từ nghề nghiệp cho đến cuộc sống hôn nhân.

 

Với một lượng lớn người phải đi lại khắp 1257 điểm thi, ngày thi đại học là ngày cả Hàn Quốc ở trong chế độ “im lặng”. Bộ Giao thông cấm tất cả máy bay cất và hạ cánh trong khoảng 40 phút, thời điểm học sinh làm bài thi nghe ngoại ngữ. Quân đội cũng điều chỉnh lại lịch diễn tập không quân và tập bắn đạn thật, trong khi xe cộ bị cấm trong bán kính 200m từ trường thi.

 

Các văn phòng công cộng cùng các ngành kinh doanh chính và các thị trường chứng khoán hôm nay đều mở cửa muộn hơn 1 giờ so với thông thường, để đường sá được thông thoáng, đảm bảo cho học sinh đến trường thi đúng giờ.

 

Bất kỳ ai bị tắc đường đều có thể gọi số khẩn cấp 112 và yêu cầu xe cảnh sát giúp đưa họ tới trường thi.

 

Tại trường trung học nữ sinh Pungmoon ở Seoul, những học sinh lớp dưới dựng các tấm biểu ngữ chúc may mắn và xếp hàng hô khẩu hiệu khích lệ tinh thần cho các “đàn anh, đàn chị” khi họ bước vào phòng thi.

 
Một phụ huynh học sinh cầu khấn bên ngoài cổng trường thi ở Hàn Quốc.
Một phụ huynh học sinh cầu khấn bên ngoài cổng trường thi ở Hàn Quốc.
 

Còn với những ông bố bà mẹ có con đi thi, họ cũng vô cùng hồi hộp. Kết quả thi của con cái một phần thể hiện điểm cho sự tận tụy của họ.

 

Nhiều bà mẹ cầu khấn bên ngoài cổng trường Pungmoon, trong đó có người miệng vừa lầm rầm, tay vừa lần tràng hạt. Một số khác đi thẳng đến đền chùa để tìm kiếm sự giúp đỡ của thần linh.

 

Học thêm bằng 1,5% GDP của cả nước

 

Cách “ứng xử” với ngày thi đại học tại Hàn Quốc một lần nữa lại làm dấy lên cuộc tranh luận về “căn bệnh” ám ảnh với học hành ở đất nước siêu cạnh tranh Hàn Quốc, về những mặt tích cực, tiêu cực của hệ thống thi đại học.

 

Nhiều người nhất trí thi cử là công bằng bởi mọi người đều thi cùng một đề thi trắc nghiệm, với điểm chấm khách quan. Bí mật đề thi là tuyệt đối. Hàng trăm người soạn đề thi bị cách ly ở một địa điểm bí mật, không được liên hệ với gia đình và chỉ được phép trở về khi kỳ thi kết thúc.

 

Giới phê bình cho rằng mặc dù kỳ thi công bằng cho tất cả mọi người, nhưng việc chuẩn bị thi lại nghiêng về người giàu, trong khi người nghèo hơn và những gia đình trung lưu gặp nhiều rủi ro hơn.

 

Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, các bậc cha mẹ ở nước này đã chi 19 nghìn tỷ won (17,5 tỷ USD) vào năm ngoái để con em mình học thêm. Con số này tương đương với khoảng 1,5%GDP của Hàn Quốc.

 

Mỗi học sinh ngủ trung bình chỉ 5 tiếng một đêm trước kỳ thi. Cơ thể mệt mỏi cộng với tâm lý hồi hộp, dẫn đến số vụ tự tử trong thời gian thi cử tăng vọt.

 

Các nhà cải cách giáo dục cũng lên tiếng lo ngại về giá trị thật của kỳ thi cùng kiểu học sinh mà kỳ thi này sản sinh ra, như thiếu tính sáng tạo, thiếu óc phán xét.

 

Một bài xã luận trên tờ New York Times ngày hôm nay gọi kỳ thi ở Hàn Quốc là “tàn nhẫn” và nhấn mạnh hệ thống thi cử có thể bị “đáp trả” sau khi học sinh đã vào trường đại học. Bởi khi đó học sinh gần như chắc chắn được đảm bảo sẽ tốt nghiệp, mặc dù chỉ cần học rất ít.

 

“Nghịch lý là những kỳ thi nực cười này lại không mang lại những lớp học khắc nghiệt trên giảng đường đại học”, bài xã luận cho hay. “Qua được kỳ thi vào đại học chỉ là bước đầu tiên. Điều cần phải được bàn là chất lượng giáo dục khi học sinh đã được nhận vào trường.”

 

Vũ Quý

Theo AFP