1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hàn Quốc đóng băng trao đổi quốc phòng, xét lại viện trợ cho Myanmar

Minh Phương

(Dân trí) - Hàn Quốc sẽ đình chỉ các trao đổi an ninh, quốc phòng, cấm xuất khẩu vũ khí và xét lại viện trợ cho Myanmar nhằm phản đối tình trạng bạo lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa ở quốc gia Đông Nam Á này.

Hàn Quốc đóng băng trao đổi quốc phòng, xét lại viện trợ cho Myanmar - 1

Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar kéo dài hơn 1 tháng qua và chưa có dấu hiệu lắng xuống (Ảnh: Getty).

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm nay 12/3 thông báo, Hàn Quốc sẽ đóng băng các trao đổi quốc phòng, an ninh với Myanmar. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng cấm xuất khẩu vũ khí, đồng thời giới hạn xuất khẩu một số mặt hàng chiến lược khác cho Myanmar.

Chính phủ Hàn Quốc cũng xem xét lại các khoản viện trợ phát triển dành cho Myanmar, nhưng sẽ tiếp tục triển khai các dự án liên quan trực tiếp đến sinh kế của người dân Myanmar cũng như các viện trợ nhân đạo. Hàn Quốc sẽ cho phép công dân Myanmar ở lại Hàn Quốc cho đến khi tình hình ở quê nhà cải thiện.

"Bất chấp những kêu gọi của cộng đồng quốc tế, trong đó có Hàn Quốc, ngày càng có nhiều người ở Myanmar trở thành nạn nhân của các hành động bạo lực của quân đội và cảnh sát ở đây", thông cáo của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết khi thông báo các lệnh trừng phạt chính quyền quân sự Myanmar.

Theo dữ liệu của Sáng kiến Minh bạch Viện trợ Quốc tế, các xuất khẩu quốc phòng gần đây nhất của Hàn Quốc cho Myanmar là vào năm 2019. Hàn Quốc hiện vẫn dành hàng triệu USD cho các dự án phát triển tại quốc gia Đông Nam Á này.

Quyết định đóng băng các trao đổi an ninh quốc phòng với Myanmar được Hàn Quốc đưa ra trong bối cảnh số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar tiếp tục tăng lên. Theo đặc phái viên Liên Hợp Quốc Thomas Andrews, hơn 70 người đã thiệt mạng và khoảng 2.000 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình nổ ra từ đầu tháng trước ở Myanmar. Quân đội Myanmar bị cáo buộc dùng chiến thuật tham chiến để đối phó người biểu tình.

Cộng đồng quốc tế tiếp tục gây sức ép buộc quân đội Myanmar khôi phục nền dân chủ, trả tự do cho các quan chức của chính quyền dân sự. Trong tuyên bố chung được đánh giá là mạnh mẽ nhất về tình hình Myanmar kể từ sau đảo chính, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án tình trạng bạo lực nhằm vào người biểu tình, kêu gọi quân đội Myanmar kiềm chế tối đa, tránh bạo lực, tôn trọng luật pháp và các quyền tự do cơ bản.

Nối gót Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng chuẩn bị công bố các lệnh trừng phạt quân đội Myanmar ngay cả khi chính quyền quân sự Myanmar cam kết chỉ nắm quyền một thời gian cho đến khi tổ chức một cuộc bầu cử mới và trao lại quyền lực cho đảng giành chiến thắng.

Trong một diễn biến liên quan khác, Bộ Ngoại giao Anh hôm nay đã ra khuyến cáo công dân rời Myanmar nếu có thể do "căng thẳng chính trị và bất ổn" tại đây. "Chúng tôi khuyến cáo công dân Anh rời Myanmar bằng các phương tiện thương mại, trừ khi phải ở lại vì lý do cần thiết", thông cáo của Bộ Ngoại giao Anh nêu rõ.

Chính phủ Anh cũng khuyến cáo công dân nếu không thể rời Myanmar nên ở trong nhà, tránh xa các đám đông. Trước đó, Singapore cũng khuyến cáo công dân của họ rời Myanmar càng sớm càng tốt và hủy toàn bộ các chuyến du lịch tới Myanmar vào thời gian này.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar