Điều tra viên Liên Hợp Quốc kêu gọi trừng phạt ngành năng lượng Myanmar
(Dân trí) - Một đặc phái viên của Liên Hợp Quốc kêu gọi tổ chức này áp lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng của Myanmar sau tuyên bố lên án bạo lực nhằm vào người biểu tình ở quốc gia Đông Nam Á này.
Thomas Andrews, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về vấn đề Myanmar, ngày 11/3 kêu gọi Liên Hợp Quốc áp lệnh trừng phạt Công ty Dầu và Khí đốt Quốc gia Myanmar cũng như với giới lãnh đạo quân đội nước này.
"Cần áp lệnh trừng phạt đối với lãnh đạo cấp cao của quân đội Myanmar cũng như nguồn thu chính của họ trong đó bao gồm các doanh nghiệp do quân đội kiểm soát và điều hành", ông Andrews phát biểu ngày 11/3.
Công ty Dầu và Khí đốt Quốc gia Myanmar mang lại nguồn thu hàng tỷ USD mỗi năm cho Myanmar nhờ các dự án năng lượng, trong đó nguồn thu riêng trong lĩnh vực khí đốt ước tính đạt khoảng 1 tỷ USD trong năm 2021.
Giới quan sát cho rằng, chính biến hiện nay ở Myanmar có thể khiến nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của Myanmar giảm, khiến các dự án hạ tầng bị chậm trễ hoặc bị ngừng. Myanmar xuất khẩu khoảng 50% nguồn cung khí đốt cho Thái Lan, 20% cho Trung Quốc. Myanmar đầu tư hơn 2,5 tỷ USD vào hai mạng lưới đường ống dầu và khí đốt trong giai đoạn những năm 2000 và 2010, và mới công bố dự án đường sắt mới hồi tháng 1 năm nay.
Kêu gọi trừng phạt được đưa ra chỉ một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí tuyên bố chung lên án tình hình bạo lực nhằm vào người biểu tình ôn hòa ở Myanmar. Hội đồng Bảo an kêu gọi quân đội Myanmar lập tức trả tự do cho những người bị giam giữ tùy tiện, ủng hộ chuyển giao quyền lực dân chủ ở Myanmar, tránh bạo lực, tôn trọng luật pháp và các quyền tự do cơ bản.
Đến nay, hơn 70 người đã thiệt mạng và khoảng 1.800 người bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar. Mỹ đã áp hàng loạt lệnh trừng phạt nhằm vào giới lãnh đạo quân đội Myanmar và các doanh nghiệp có liên quan. Liên minh châu Âu (EU) cũng phát tín hiệu chuẩn bị trừng phạt quốc gia Đông Nam Á này.