1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hàn Quốc đã "xoay trục" thế nào dưới thời Tổng thống Yoon?

Thanh Thành

(Dân trí) - Nếu các thay đổi trong chính sách đối ngoại-an ninh của Hàn Quốc vẫn được duy trì sau thời Tổng thống Yoon Suk Yeol, chúng có thể trở thành dấu ấn lịch sử của đất nước, các chuyên gia nhận định.

Hàn Quốc đã xoay trục thế nào dưới thời Tổng thống Yoon? - 1

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Joe Biden và Nhật Bản Fumio Kishida tại Trại David vào ngày 18/8/2023 (Ảnh: Wikipedia).

Gần 2 năm sau nhiệm kỳ của Tổng thống Yoon Suk Yeol, Hàn Quốc đã tiến hành chiến lược xoay trục địa chính trị có thể mang tính lịch sử.

Chính quyền Tổng thống Yoon đã kiên quyết bác bỏ việc ưu tiên hợp tác với Triều Tiên, vốn là nền tảng của chính phủ tiến bộ dưới thời người tiền nhiệm Moon Jae-in, đồng thời bắt tay vào cách tiếp cận ngày càng đối đầu với Bình Nhưỡng.

Trong một động thái đảo ngược quan trọng tương tự, chính phủ Hàn Quốc đã theo đuổi thành công việc nối lại quan hệ với nước láng giềng Nhật Bản. Seoul đã tránh tập trung vào các vấn đề lịch sử thời chiến để ủng hộ bình thường hóa quan hệ và tăng cường quan hệ đối tác ba bên về chính sách khu vực và toàn cầu với Nhật Bản và Mỹ.

Tổng thống Yoon cũng có cách tiếp cận ít thân thiện hơn với Trung Quốc, thậm chí còn nghiêng về việc tham gia các bước để kiềm chế sự trỗi dậy của nước này.

Những chiến lược bước ngoặt này của Hàn Quốc diễn ra trên nền tảng của một liên minh an ninh thắt chặt hơn với Mỹ, được thể hiện bằng các bước đi của Washington với mục tiêu mang lại "chiếc ô an ninh" lớn hơn, nhất là năng lực răn đe mở rộng và việc Hàn Quốc đáp ứng phù hợp các lợi ích chiến lược của Mỹ.

Mặc dù chiến lược xoay trục trong chính sách đối ngoại và an ninh của Hàn Quốc rõ ràng là sản phẩm của sự thay đổi trong giới lãnh đạo chính trị vào năm 2022, nhưng ở một mức độ nào đó, nó phản ánh sự thay đổi trong dư luận.

Các cuộc thăm dò gần đây do Viện Đông Á (EAI) tiến hành cho thấy, sự ủng hộ dành cho liên minh Hàn-Mỹ vẫn rất sâu sắc, với gần 3/4 người dân Hàn Quốc có quan điểm ủng hộ Washington.

Đồng thời, các cuộc thăm dò này cũng cho thấy quan điểm ngày càng bất lợi với Trung Quốc. Việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản cũng nhận được sự ủng hộ ngày càng tăng, mặc dù điều này chủ yếu được coi là một phần của việc xây dựng mối quan hệ với Mỹ.

Với Triều Tiên, Tổng thống Yoon đã có quyết tâm ràng buộc rõ ràng rằng: việc cải thiện quan hệ phải đi kèm với việc Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình phát triển hạt nhân và có các bước đi rõ ràng hướng tới phi hạt nhân hóa, để đổi lại ông sẽ đưa ra một "sáng kiến táo bạo" về hỗ trợ kinh tế.

Vào tháng 11/2022, Tổng thống Yoon cùng với người đồng cấp Mỹ Joe Biden và Nhật Bản Kishida Fumio đưa ra tuyên bố về quan hệ đối tác ba bên ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó cam kết "điều chỉnh các nỗ lực chung nhằm theo đuổi một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở". Đây là lần đầu tiên Seoul áp dụng khuôn khổ đó.

Vào tháng 12/2022, chính quyền Tổng thống Yoon đã công bố chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương nhằm tái cơ cấu vai trò của Hàn Quốc như một "quốc gia then chốt toàn cầu" bằng cách tiếp cận khu vực và toàn cầu trong vấn đề an ninh.

Tài liệu chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương đánh dấu sự chuyển hướng rõ ràng khỏi trọng tâm an ninh trước đây của Seoul đối với Bình Nhưỡng và việc phản đối sử dụng lực lượng đóng tại Hàn Quốc cho các mục tiêu an ninh khu vực. Seoul cũng kêu gọi hợp tác về an ninh hàng hải trong khu vực, đặc biệt đề cập đến vấn đề Biển Đông và eo biển Đài Loan.

Nhưng Hàn Quốc đã cố gắng tránh cách tiếp cận đối đầu với Trung Quốc và xác định nước này là đối tác quan trọng, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ba bên giữa Seoul, Tokyo và Bắc Kinh. Seoul cũng nỗ lực tìm cách nối lại hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo ba bên đã bị gián đoạn kể từ năm 2019.

Theo các cuộc thăm dò của EAI, người dân cùng với cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đang cảnh giác với việc nối gót Mỹ tham gia vào cuộc chiến kinh tế với Trung Quốc với cái giá phải trả chính là sự tăng trưởng kinh tế của Seoul.

Tổng thống Yoon đã không ngừng tìm cách cải thiện quan hệ với Nhật Bản cho mục tiêu lớn hơn là củng cố quan hệ an ninh với Mỹ. Hồi tháng 3/2023, nhà lãnh đạo Hàn Quốc này đã đến thăm Tokyo, nơi ông đưa ra giải pháp đơn phương cho vấn đề lao động cưỡng bức thời chiến, hậu quả của việc không đạt được thỏa thuận ngoại giao với Nhật Bản.

Quyết định đó đã dẫn đến chuyến thăm đáp lại của Thủ tướng Kishida tới Hàn Quốc và Tổng thống Yoon cũng được mời tham gia làm khách tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima vào tháng 5/2023. Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức. Việc Nhật Bản từ chối đóng góp vào quỹ bồi thường cho những người từng là lao động cưỡng bức có nguy cơ làm suy yếu những tiến bộ đã đạt được. Quyết định này cũng mở ra cánh cửa cho chuyến thăm cấp nhà nước được hoan nghênh của Tổng thống Yoon tới Mỹ vào tháng 4/2023 và sau đó là bài phát biểu trước Quốc hội và một bữa tối cấp nhà nước hiếm hoi tại Nhà Trắng.

Hai nhà lãnh đạo Hàn-Mỹ cũng đưa ra "Tuyên bố Washington", trong đó chủ yếu nỗ lực khiến Washington tái khẳng định cam kết đối với Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân đồng thời tăng cường các bảo đảm răn đe mở rộng đối với Seoul.

Để đối phó với việc Triều Tiên liên tục thử tên lửa, quân đội Hàn Quốc và Mỹ cũng đã tăng cường huấn luyện và lập kế hoạch dự phòng để ứng phó với khả năng sử dụng hạt nhân và tăng cường chiến lược chống tên lửa, bao gồm cả các cuộc tập trận phòng thủ tên lửa ba bên với Nhật Bản.

Tất cả những diễn biến này đã lên đến đỉnh điểm khi Mỹ-Nhật-Hàn tổ chức cuộc họp thượng đỉnh Trại David vào ngày 18/8/2023 với sự tham dự của Tổng thống Biden, Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida.

Đây chính là hội nghị thượng đỉnh ba bên độc lập đầu tiên giữa ba nhà lãnh đạo. Tuyên bố chung mang tên "Tinh thần của Trại David", tuyên bố sự tồn tại của các lập trường chung về cạnh tranh địa chính trị, một sự ám chỉ mơ hồ đến Trung Quốc, vấn đề biến đổi khí hậu, chiến sự Ukraine và "các hành động khiêu khích hạt nhân" của Triều Tiên.

Trong khi cuộc họp ở Trại David không đạt được mục tiêu như những gì mà Trung Quốc coi là "một hệ thống an ninh tập thể mới", ba nhà lãnh đạo nhất trí tạo ra một cơ chế tham vấn ba bên nhằm ứng phó với "các thách thức, hành động khiêu khích và các mối đe dọa trong khu vực ảnh hưởng đến an ninh và lợi ích chung của chúng ta". 

Tuyên bố liệt kê nhiều mối đe dọa đó, từ an ninh hàng hải đến an ninh mạng nhưng cũng hướng tới hợp tác trong các vấn đề an ninh kinh tế ba bên như năng lực phục hồi chuỗi cung ứng, an ninh công nghệ và phát triển công nghệ tiên tiến. Các quan chức của ba nước cũng đã gặp gỡ thường xuyên hơn để thực hiện các cam kết này.

Không rõ những thay đổi này trong chính sách đối ngoại và an ninh của Hàn Quốc sẽ kéo dài bao lâu và có thay đổi khi Tổng thống Yoon rời nhiệm sở hay không. Theo các chuyên gia, nếu những chuyển động đó tồn tại càng lâu thì chúng càng có nhiều cơ hội trở thành dấu ấn lịch sử thực sự của Hàn Quốc.

Theo Asia Times