1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Kẻ thù vô hình" của quân đội Hàn Quốc

Quốc Đạt

(Dân trí) - Với tỷ lệ sinh thấp bậc nhất thế giới, Hàn Quốc có thể không đủ dân số để duy trì sức mạnh của lực lượng vũ trang trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng.

Kẻ thù vô hình của quân đội Hàn Quốc - 1

Quân đội Hàn Quốc diễu hành trong lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Lực lượng Vũ trang Hàn Quốc tại Seongnam vào tháng 9/2023 (Ảnh: Reuters).

Hàn Quốc hiện duy trì quân đội thường trực khoảng nửa triệu quân do tâm lý cảnh giác với Triều Tiên. Nhưng với tỷ lệ sinh bình quân là 0,78 trẻ trên mỗi phụ nữ, Seoul không có lựa chọn nào khác ngoài việc tinh giản lực lượng, theo các chuyên gia.

"Với tỷ lệ sinh hiện nay, tương lai đã được định trước. Việc cắt giảm lực lượng là điều không thể tránh khỏi", ông Choi Byung Ook, Giáo sư về an ninh quốc gia tại Đại học Sangmyung, cho biết.

Ông Choi chỉ ra rằng để duy trì mức quân số hiện tại, quân đội Hàn Quốc cần tuyển mộ hoặc gọi nhập ngũ 200.000 binh sĩ/năm.

Nhưng vào năm 2022, nước này chỉ có chưa đến 250.000 trẻ ra đời. Nếu tỷ lệ nam nữ là 50-50 thì khi những đứa trẻ đó đến tuổi nhập ngũ trong 20 năm nữa, Hàn Quốc sẽ chỉ có khoảng 125.000 nam giới so với con số 200.000 cần thiết.

Phụ nữ không phải nhập ngũ ở Hàn Quốc và nữ giới tình nguyện nhập ngũ chỉ chiếm 3,6% lực lượng hiện nay, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc.

Trong khi đó, số lượng trẻ sơ sinh hàng năm được dự báo còn giảm hơn nữa, lần lượt xuống còn 220.000 vào năm 2025 và 160.000 vào năm 2072, theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc.

Kẻ thù vô hình của quân đội Hàn Quốc - 2

Binh sĩ Triều Tiên duyệt binh ở Bình Nhưỡng vào năm 2017 (Ảnh: AFP/Getty).

Lấy công nghệ bù số lượng

Giới chuyên gia cho rằng, Hàn Quốc phải dựa vào khoa học để phòng thủ trước Triều Tiên và biến cuộc khủng hoảng nhân lực thành cuộc chuyển đổi công nghệ.

Chun In Bum, cựu Trung tướng quân đội Hàn Quốc, cho biết: "Các cơ quan quốc phòng Hàn Quốc từ sớm đã có chủ trương chuyển từ quân đội lấy nhân lực làm trung tâm sang quân đội định hướng công nghệ".

Năm 2005, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từng công bố kế hoạch phát triển quân đội lấy khoa học - công nghệ làm trung tâm vào năm 2020, nhưng tiến triển tới nay còn hạn chế.

"Dù cố gắng chuyển đổi, quân đội không có động lực thực hiện vì với lính nghĩa vụ Hàn Quốc… nguồn nhân lực vẫn rất dồi dào", ông Choi nói.

Nhưng chiến sự của Nga ở Ukraine đã chứng minh rằng trên chiến trường hiện đại, yếu tố quân số là chưa đủ. Việc Ukraine sử dụng UAV và vũ khí công nghệ cao do các đối tác phương Tây cung cấp đã gây ra thiệt hại nặng nề cho quân đội Moscow có số lượng đông đảo hơn.

Hàn Quốc đã và đang tập trung tích hợp công nghệ mới vào các đơn vị chiến đấu của mình.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc năm ngoái cho biết họ sẽ thực hiện chuyển đổi theo từng giai đoạn sang hệ thống chiến đấu phối hợp có người lái và không người lái (MUM-T) tận dụng AI. Cơ quan này cũng giới thiệu lữ đoàn TIGER - được gọi là "đơn vị tương lai" - sử dụng cả con người và thiết bị không người lái để thực hiện nhiệm vụ.

Hàn Quốc cũng đang phát triển các thiết bị quân sự không người lái, bao gồm máy bay không người lái tầm trung (MUAV) và phương tiện không người lái dưới nước (UUV).

Kẻ thù vô hình của quân đội Hàn Quốc - 3

Người dân Hàn Quốc quan sát vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của Triều Tiên (Ảnh: AFP).

Binh sĩ vẫn không thể thiếu

Dù vậy, chuyên gia cho rằng yếu tố con người vẫn là trung tâm của quân đội. Và theo ông Chun, Hàn Quốc cần tận dụng hệ thống gọi nhập ngũ và bộ phận quân dự bị của nước này.

"Chúng ta cần cải tiến hệ thống động viên quân của mình, nơi chúng ta có thể tiếp cận lực lượng dự bị đông đảo", ông Chun nói.

Sau khi nam giới Hàn Quốc hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong 18-21 tháng, họ sẽ trở thành quân nhân dự bị. Trong 8 năm tiếp theo, họ sẽ được triệu tập về đơn vị một lần mỗi năm để ôn lại kiến thức quân sự. Sau đó, họ phải tham gia huấn luyện phòng thủ dân sự hàng năm cho đến khi 40 tuổi.

Hệ thống này hiện giúp Hàn Quốc có 3,1 triệu quân dự bị.

Hàn Quốc đang thí điểm cơ chế gọi huấn luyện một số quân nhân dự bị trong 180 ngày/năm để củng cố kỹ năng.

Một lựa chọn khác là tăng số sĩ quan chuyên nghiệp. Những người này là tình nguyện viên, sẽ phục vụ thời gian dài hơn để thành thạo các loại vũ khí tiên tiến "nhằm tránh bị sơ hở trong năng lực chiến đấu bất chấp giảm lực lượng thường trực", theo sách trắng năm 2022.

Kẻ thù vô hình của quân đội Hàn Quốc - 4

Quân đội Hàn Quốc có thể chuyển sang tăng cường tuyển mộ phụ nữ trong bối cảnh thiếu nam giới, nhưng đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi (Ảnh: Reuters).

Nhưng kế hoạch này gặp phải vấn đề là việc người dân không hào hứng.

Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, số người nộp đơn xin vào các vị trí hạ sĩ quan đã giảm trong những năm qua, từ khoảng 30.000 người vào năm 2018 xuống còn 19.000 người vào năm 2022.

"Quân đội đang gặp khó khăn rất lớn trong việc tuyển dụng những hạ sĩ quan chuyên nghiệp xuất sắc, những người trong 10-20 năm nữa sẽ cấu thành đội ngũ sĩ quan xuất sắc", ông Choi nói.

Quân đội Hàn Quốc cũng có thể chuyển sang tăng cường tuyển mộ phụ nữ.

Ông Choi cho rằng việc yêu cầu phụ nữ nhập ngũ bắt buộc có thể giải quyết vấn đề của Hàn Quốc, nhưng có quá nhiều trở ngại.

"Có nhiều yếu tố phức tạp khác nhau như chi phí xã hội và việc phụ nữ sinh con nên tôi cho là cách này lợi bất cập hại", ông nói.

Nhưng ông Chun vẫn cho rằng việc thu hút tình nguyện viên nữ giới là khả thi nếu mức thu nhập đủ hấp dẫn.

"Với mức lương 2.000 USD/tháng thì đó sẽ là công việc rất ổn. Vì cùng công việc ấy ở ngoài đời, một phụ nữ có thể chỉ được trả 1.500 USD", vị chuyên gia nói.

Theo CNN