1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên tìm cách đánh cắp công nghệ vắc xin Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Tình báo Hàn Quốc cáo buộc tin tặc Triều Tiên tìm cách xâm nhập vào hệ thống mạng của hãng dược Pfizer để đánh cắp công nghệ vắc xin Covid-19.

Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên tìm cách đánh cắp công nghệ vắc xin Covid-19 - 1

Nhân viên y tế cầm mẫu vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech tại Wales. (Ảnh: Getty)

"Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) báo cáo với chúng tôi rằng Triều Tiên đã cố gắng thu thập công nghệ liên quan đến vắc xin và cách điều trị Covid-19, bằng cách tấn công mạng để xâm nhập hệ thống của Pfizer", nghị sĩ Hàn Quốc Ha Tae-keung nói với báo chí hôm 16/2 sau phiên điều trần kín của quốc hội.

Theo nghị sĩ Ha, một thành viên của cơ quan tình báo quốc hội Hàn Quốc, Pfizer là một trong những hãng dược bị tấn công mạng trong một nỗ lực nhằm đánh cắp thông tin về vắc xin Covid-19.

Tuy nhiên, ông Ha không nêu rõ cáo buộc tấn công mạng này diễn ra vào thời điểm nào và có thành công hay không.

Năm ngoái, các tin tặc Triều Tiên cũng bị nghi ngờ đột nhập vào hệ thống của ít nhất 9 tổ chức y tế, gồm các công ty dược phẩm Johnson & Johnson, Novavax và AstraZeneca. Vắc xin ngừa Covid-19 do Pfizer và công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech cùng phát triển đã được giới chức Mỹ và một số nước cấp phép sử dụng từ cuối năm 2020.

Cơ quan tình báo Hàn Quốc cũng cho biết đã ngăn chặn những nỗ lực của Triều Tiên nhằm tấn công mạng các công ty đang phát triển vắc xin Covid-19 của Hàn Quốc. Các chuyên gia y tế cho rằng tin tặc Triều Tiên quan tâm đến việc bán các dữ liệu lấy được, thay vì sử dụng các dữ liệu đó để phát triển vắc xin nội địa.

Triều Tiên dự kiến nhận gần 2 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca-Oxford vào nửa đầu năm nay, thông qua chương trình phân phối vắc xin toàn cầu COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Triều Tiên cho đến nay vẫn chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào. Tuy nhiên, tình báo Hàn Quốc cho rằng không thể loại trừ khả năng có ca nhiễm ở Triều Tiên, vì nước này có hoạt động trao đổi thương mại với Trung Quốc trước khi đóng cửa biên giới hồi đầu năm ngoái.

Theo Reuters, các hoạt động "gián điệp" mạng nhằm vào các cơ quan y tế, các nhà khoa học vắc xin và các hãng dược phẩm tăng vọt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Các nhóm tin tặc đều tìm cách để giành được thông tin cũng như kết quả nghiên cứu mới nhất về đại dịch.

Vắc xin của Pfizer hiệu quả 94%

Nghiên cứu của Clalit Health Services, nhà cung cấp dịch vụ y tế lớn nhất Israel, ngày 14/2 cho biết vắc xin Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả 94%. Các nhà nghiên cứu tiến hành thử nghiệm với 600.000 người đã tiêm hai liều vắc xin Pfizer/BioNTech và 600.000 người chưa được tiêm vắc xin này.

"Tỷ lệ lây nhiễm có triệu chứng giảm 94% và tỷ lệ có triệu chứng nghiêm trọng giảm 92%, so với 600.000 người chưa được tiêm vắc xin. Hiệu quả của vắc xin được duy trì ở tất cả các nhóm tuổi, bao gồm những người từ 70 tuổi trở lên", nghiên cứu của Clalit nêu rõ.

Bộ Y tế Nhật Bản ngày 14/2 đã phê duyệt vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech để sử dụng cho người 16 tuổi trở lên, với 2 mũi tiêm cách nhau 3 tuần. Trước đó, Anh, Mỹ đã phê duyệt vắc xin này và bắt đầu sử dụng từ tháng 12 năm ngoái.

Giới chức Pfizer tin rằng hãng này có thể cung cấp 2 tỷ liều vắc xin Covid-19 vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, các biến thể mới của Covid-19 với khả năng lây lan nhanh hơn và kháng vắc xin đã làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của các vắc xin hiện tại.