1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Hải quân Trung - Ấn đua nhau mua sắm tàu sân bay và tàu hộ tống

(Dân trí) - Việc cả Trung Quốc và Ấn Độ nhộn nhịp mua sắm tàu sân bay và tàu hộ tống diễn ra trong bối cảnh cuộc cạnh tranh trên biển giữa các nước lớn ở Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng gay gắt.

Hải quân Trung - Ấn đua nhau mua sắm tàu sân bay và tàu hộ tống - 1

Tàu sân bay tự chế đầu tiên của Ấn Độ INS Vikrant chạy thử lần đầu trên biển hôm 4/8 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ấn Độ).

So sánh tàu sân bay

Việc Hải quân Ấn Độ (IN) mua tàu sân bay được chế tạo trong nước đầu tiên, có tên INS Vikrant (hay IAC-1), sau đó là INS Vishal (hoặc IAC-2) được giới bình luận quân sự quan tâm. Một hạm đội ba tàu sân bay bao gồm INS Vikramaditya (tàu sân bay duy nhất đang hoạt động), INS Vikrant và INS Vishal được xem là hoàn hảo cho phép Hải quân Ấn Độ hoạt động hiệu quả tại vùng biển phía tây và phía đông của nước này.

Tuy nhiên, vào cho tới đầu tháng 8/2021, cấu hình cuối cùng của tàu sân bay thứ 3 vẫn chưa được công bố. Việc lập kế hoạch ban đầu cho IAC-2 được tiến hành vào những năm 2010, sau đó một số sửa đổi về thiết kế. Kích thước của IAC-2 được cho là choán nước tối đa 65.000 tấn; phương pháp phóng máy bay mong muốn là sử dụng máy phóng điện từ (thông qua việc mua hệ thống EMALS của Mỹ); và lực đẩy ban đầu là năng lượng hạt nhân nhưng sau đó được thay bằng động cơ đẩy thông thường. Nhiều nhà thiết kế tàu nước ngoài được mời tham vấn về IAC-2, và thậm chí đã có một số thông tin trên phương tiện truyền thông cho rằng Ấn Độ đang tìm cách sử dụng thiết kế của tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh làm cơ sở cho tàu sân bay IAC-2.

Tuy nhiên, chưa có nhiều thông tin khẳng định cấu hình chính thức của INS Vishal như thế nào, vì vậy Hải quân Ấn Độ dường như vẫn chưa quyết liệu họ có muốn mua tàu sân bay thứ ba trong tương lai gần hay không. Trong khi đó, việc mua sắm khí tài cho hải quân như tàu ngầm và tàu ngầm hạt nhân lại được xem là cấp bách hơn cả.

Do đó, một hàng không mẫu hạm thứ ba của Ấn Độ dự kiến sẽ không xuất hiện sớm như mong đợi. Nhưng giả sử Hải quân Ấn Độ đưa ra quyết định nhanh chóng vào năm 2021, bắt tay chế tạo IAC-2 thì cũng phải mất 13-14 năm nữa tàu mới được đưa vào hoạt động.

Hải quân Trung - Ấn đua nhau mua sắm tàu sân bay và tàu hộ tống - 2

Tàu Sơn Đông - tàu sân bay nội địa tự đóng đầu tiên của Trung Quốc - trong một cuộc chạy thử tháng 12/2020 (Ảnh: CCTV).

Ngược lại, việc theo đuổi tàu sân bay thứ ba, và là tàu sân bay bản địa thứ hai của Trung Quốc, lại khá mau lẹ. Đó là tàu sân bay được trang bị động cơ thông thường CATOBAR (dùng cơ cấu máy phóng và cáp hãm đà) có tên 003. Tàu 003 hoàn thành tiến độ nhanh.  

Tàu 003 từng được đồn đại trong giới quan sát ngay từ những năm đầu thập niên 2010. Nó ra đời tại nhà máy đóng tàu Jiangnan Changxing ở Thượng Hải. Tàu 003 có lượng choán nước đầy khoảng 80.000 tấn.

Những hình ảnh ban đầu về mô-đun thân tàu 003 từng lộ diện từ giữa năm 2018. Từ đó, các nhiếp ảnh gia dân sự và hình ảnh vệ tinh theo dõi chặt quá trình hoạt động của con tàu và xác nhận các mốc quan trọng trong quá trình xây dựng: Các mô-đun thân tàu được chuyển từ khu vực chế tạo sang bãi cạn vào tháng 5/2020 để hoàn tất các bước tiếp theo.

So sánh tàu hộ tống

Mọi tàu sân bay đều cần các tàu hộ tống tác chiến mặt nước, thường là các tàu khu trục và khinh hạm. Khả năng hộ tống của hải quân phụ thuộc vào tổng số lượng và khả năng thích hợp của các tàu khu trục và tàu khu trục nhỏ đó trong trật tự chiến đấu tổng thể của hải quân. Các chiến binh mặt nước có khả năng cung cấp sự linh hoạt để tăng cường lực lượng hộ tống của tàu sân bay, hoặc để tạo ra các nhóm tàu nổi bổ sung nhằm thực hiện các nhiệm vụ mới trong cả thời bình lẫn thời chiến.

Tác chiến phòng không (AAW) và tác chiến chống ngầm (ASW) là những nhiệm vụ quan trọng nhất của tàu hộ tống, mặc dù các tàu hộ tống cũng thường duy trì khả năng chống hạm nổi (ASuW) đáng tin cậy. AAW được cho là nhiệm vụ quan trọng nhất của tàu hộ tống, và trong hầu hết các lực lượng hải quân, các tàu có khả năng thực hiện các nhiệm vụ AAW cao hơn thường được nhận dạng nhờ sự hiện diện của hệ thống radar mảng pha hiện đại cũng như hệ thống phóng thẳng đứng có khả năng phóng tên lửa đất đối không (SAM) với phạm vi phòng không khu vực tối ưu (ít nhất 40 km).

Hiện nay, Hải quân Ấn Độ đã biên chế 8 tàu khu trục, bao gồm 3 tàu khu trục lớp Kolkata (7.500 tấn đầy tải), 3 tàu khu trục lớp Delhi (6.200 tấn) và 2 tàu khu trục lớp Rajput (5.000 tấn). Bốn tàu khu trục lớp Visakhapatnam (đang cải tiến giống lớp Kolkata) dự định sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2025, riêng chiếc đầu tiên trong số này sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm nay. Trong số các tàu khu trục này, chỉ có lớp Kolkata và lớp Visakhapatnam được trang bị hệ thống SAM hiện đại và hệ thống phòng không phóng thẳng đứng.

Hải quân Ấn Độ cũng có 13 khinh hạm đang hoạt động, bao gồm 3 tàu lớp Shivalik (6.800 tấn), 6 tàu lớp Talwar (4.000 tấn), 3 tàu lớp Brahmaputra (3.800 tấn) và một tàu lớp Godavari (3.800 tấn). Không có tàu khu trục nhỏ đang phục vụ nào của Hải quân Ấn Độ hiện nay được trang bị hệ thống radar mảng pha hiện đại hoặc khả năng phóng tên lửa đất đối không có tầm bắn ít nhất 40 km (tầm trung).

Tuy nhiên, Hải quân Ấn Độ đang mua sắm 7 khinh hạm lớp Nilgiri (cải tiến đáng kể của lớp Shivalik). Chiếc đầu tiên của lớp mới này có thể đi vào hoạt động vào năm 2022, với mục tiêu cả 7 chiếc sẽ được đưa vào biên chế vào năm 2025.

Thêm 4 khinh hạm lớp Talwar cải tiến cũng sẽ được mua từ Nga, sẽ thay thế lớp Shtil-1. Điều đáng chú ý là các khinh hạm lớp Shivalik và lớp Nilgiri có trọng tải đầy tải là 6.800 tấn và chỉ nhẹ hơn vài trăm tấn so với các lớp tàu khu trục khác trên thế giới cũng như các tàu khu trục lớp Kolkata và Visakhapatnam của Hải quân Ấn Độ.

Tổng thể, số lượng tàu hộ tống của Hải quân Ấn Độ hiện tại gồm 21 tàu, 8 tàu khu trục và 13 tàu khu trục nhỏ. Dự kiến đến cuối 2025, nếu tiến độ sản xuất theo đúng kế hoạch và nếu không có tàu cũ nào nghỉ hưu thì hạm đội gồm 21 tàu hộ tống này sẽ tăng lên 36 tàu, gồm 12 tàu khu trục lớn và 24 tàu khu trục nhỏ.

Đối với Hải quân Trung Quốc, tính đến tháng 8/2021, họ đã biên chế 36 tàu khu trục, bao gồm 19 chiếc 052D (7.000 tấn), 6 chiếc 052C (7.000 tấn), 2 chiếc 051C (7.000 tấn), 2 chiếc 052B (6.800 tấn) ), 1 chiếc 051B (7.000 tấn), 4 chiếc lớp Sovremenny (8.000 tấn) và 2 chiếc 052 (5.000 tấn). Thêm sáu chiếc 052D nữa đang chế tạo và dự phòng, tất cả đều có khả năng được đưa vào hoạt động vào đầu năm 2023. 

Tuy nhiên, ngoài các tàu khu trục, Hải quân Trung Quốc còn trang bị một loại tàu chiến mặt nước lớn thuộc lớp 055. Lớp tàu này choán nước đầy 13.000 tấn, lớn hơn đáng kể so với hầu hết tất cả các lớp tàu khu trục trên thế giới hiện nay, và do kích thước, vũ khí trang bị và cảm biến, nó đã được một số nhà bình luận nước ngoài mô tả là tàu tuần dương mặc dù Trung Quốc gọi nó là một tàu khu trục lớn. Bất kể tên gọi là gì, khỏi phải nói 055 sẽ là thành phần quan trọng của bất kỳ lực lượng hộ tống tàu sân bay nào, và điều này đã được xác nhận qua các cuộc tập trận gần đây trên tàu sân bay của Trung Quốc với sự tham gia của một đội hộ tống do tàu 055 dẫn đầu.

Về khinh hạm, Hải quân Trung Quốc có 30 khinh hạm đang hoạt động, tất cả đều là 054A (đầy tải 4.000 tấn). Những chiếc 054A bổ sung hiện đang được chế tạo và có khả năng bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2022. 

Tóm lại, về tàu hộ tống, hiện tại Hải quân Trung Quốc có đội tàu gồm 69 tàu, 3 tàu khu trục lớn, 36 tàu khu trục và 30 khinh hạm. Đội tàu hộ tống dự kiến sẽ tăng lên ít nhất 80 tàu vào cuối năm 2023, khi đó dự kiến bao gồm 8 tàu khu trục lớn, 42 tàu khu trục và hơn 30 tàu khu trục nhỏ.