1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hải quân Mỹ quá tải vì căng mình hoạt động ở nhiều điểm nóng

(Dân trí) - Hải quân Mỹ đang dàn trải hoạt động để đối phó với nhiều điểm nóng trên thế giới như Vùng Vịnh, Địa Trung Hải, Biển Đen. Tại Biển Đông, các quốc gia trong khu vực và thế giới đang tăng cường phối hợp với Mỹ để thúc đẩy các hoạt động tự do hàng hải.

Hải quân Mỹ quá tải vì căng mình hoạt động ở nhiều điểm nóng - 1

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Abraham Lincoln trên đường tới Vùng Vịnh ngày 9/5 (Ảnh: AP)

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu tháng này đã điều các tàu chiến và thiết bị quân sự khác với Vùng Vịnh để “nắn gân” Iran. Ông có thể đã không lường được rằng quyết định này có thể tác động tiêu cực tới mối quan hệ nước lớn với Trung Quốc.

Chính quyền Trump cho hay, việc triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và tàu vận tải đổ bộ USS Arlington trong khu vực là nhằm bảo vệ quân đội Mỹ và các lợi ích thương mại khỏi các mối đe dọa tiềm tàng từ Iran. Tuy nhiên, chính quyền của ông không đề cập tới việc một động thái như vậy có thể có “tác dụng phụ” là làm suy yếu khả năng của Hải quân Mỹ nhằm hoạt động ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, nơi các lực lượng hải quân Trung Quốc đang thách thức sự thống trị của Mỹ.

Quyết định của ông Trump nhằm hủy thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm ngoái, tái áp đặt các biện pháp cấm vận trực tiếp chống lại chương trình tên lửa và hạt nhân của Iran, và đe dọa trừng phạt gián tiếp chống lại bất kỳ ai làm ăn với Tehran đã khiến mối quan hệ vốn căng thẳng với Iran thêm tồi tệ.

Nhưng sự gia tăng các hoạt động hải quân của Mỹ ở Vùng Vịnh, cùng với sự hiện diện liên tục của các tàu chiến Mỹ tại Địa Trung Hải và Biển Đen nhằm đề phòng Nga, có thể khiến Hải quân Mỹ bị quá tải.

Chính phủ Mỹ đã giới hạn các nguồn ngân sách mà họ có thể huy động để gia tăng số tàu từ 280 hiện tại lên 355 như chính quyền Trump đã lên kế hoạch. Hơn nữa, việc triển khai các tài sản và nguồn thực tại nhiều mặt trận khác nhau, và không chỉ tại một số điểm nóng ưu tiên như Biển Đông hay Đài Loan cũng bị xem là một rủi ro.

Các nước sát cánh với Mỹ ở Biển Đông

Theo SCMP, để bù đắp những thiếu hụt trong hoạt động của hải quân và gia tăng sức mạnh của hạm đội ở Ấn Độ-Thái Bình Dương trong khi vẫn xử lý khủng hoảng ở các khu vực khác trên toàn cầu, Mỹ cần sự giúp đỡ về vật chất của các đồng minh và các nước cùng chí hướng liên quan đến sự trỗi dậy quân sự nhanh chóng của Trung Quốc .

Nhật Bản và Ấn Độ dường như hưởng ứng lời kêu gọi của Washington. Trong các ngày từ 2-8/5, các tàu chiến của Nhật Bản và Ấn Độ đã cùng tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS William P Lawrence của Mỹ và một tàu tuần tra của Hải quân Philippines đã diễn tập trên Biển Đông. Nhật Bản cũng đang cố gắng mở rộng sự hiện trong khu vực.

Về phần mình, Ấn Độ đã khởi động Thỏa thuận an ninh và tương thích thông tin với Mỹ được ký hồi tháng 9 năm ngoái. Thỏa thuận cho phép 2 đối tác chia sẻ các thông tin mã hóa quan trọng và dữ liệu vệ tinh, đặc biệt là về sự hiện diện của các tàu mặt nước và tàu ngầm của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương.

Cùng lúc, có thông tin cho biết Hải quân Ấn Độ và Hải quân Hoàng gia Australia sẽ áp dụng một hệ thống thông tin mật phục vụ các tương tác của họ. Australia và Ấn Độ thuộc nhóm Đối thoại an ninh 4 bên (Quad), cùng với Mỹ và Nhật Bản, một nền tảng hợp tác nhằm gắn kết các nền dân chủ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, vốn lo ngại về sự trỗi dậy quân sự của Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng có vai trò của các cường quốc bên ngoài. Anh về cơ bản ủng hộ các nỗ lực của quân đội Mỹ ở ở Đông Á, nhưng các lùm xùm về Brexit và việc sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Gavin Williamson gần đây có thể làm chậm việc triển khai nhóm tàu sân bay Hoàng gia ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng như khả năng thiết lập một căn cứ quân sự lâu dài ở châu Á.

Trong khi đó, tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle đang rẽ sóng ở Ấn Độ Dương. Tàu này và các đơn vị hỗ trợ trên biển và trên không trong khu vực đang khẳng định tự do hàng hải. Tuần trước, họ đã tập trận với các tàu Ấn Độ trong giai đoạn 1 của cuộc tập trận hải quân chung thường niên Pháp-Ấn Độ Varuna.

Tàu sân bay Charles De Gaulle dự kiến sẽ có hành trình châu Á tại Singapore nhưng dự kiến không tới Biển Đông. Pháp cho biết việc triển khai của tàu tại Ấn Độ-Thái Bình Dương là nhằm đảo bảo tuân thủ luật pháp quốc tế “mà không can thiệp vào các tranh chấp khu vực”.

Tuy nhiên, Pháp đã khiến các lãnh đạo Trung Quốc “mếch lòng” khi đưa tàu khu trục Vendémiaire qua eo biển Đài Loan hồi tháng trước. Các tàu Pháp cũng tiến hành các sứ mệnh tự do hàng hải ở Biển Đông phối hợp với Hải quân Anh hồi năm ngoái.

Đáng chú ý, thậm chí một quốc gia có hải quân nhỏ như Tây Ban Nha cũng sẽ huấn luyện cùng Hải quân Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Tàu khu trục Tây Ban Nha Méndez Núñez đã tham gia cùng nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Abraham Lincoln trong sứ mệnh kéo dài 6 tháng, vốn cũng bao gồm hoạt động ở Biển Đông. Tuy nhiên, tàu chiến Tây Ban Nha sẽ không tham gia các hoạt động nắn gân Iran của nhóm tác chiến tàu sân bay ở vịnh Péc-xích.

Một vấn đề với Hải quân Mỹ là, dù sẵn sàng tăng cường hợp tác kỹ thuật và phối hợp hoạt động, lực lượng này vẫn nghi ngờ rằng các đồng minh và bạn bè của Mỹ, ngoại trừ Nhật Bản, có ý chí chính trị cần thiết để đề phòng Bắc Kinh ở Biển Đông - thậm chí ở eo Biển Đài Loan, nếu Trung Quốc muốn dùng vũ lực để kiểm soát hòn đảo.

An Bình