Báo cáo: Hoạt động bành trướng của Trung Quốc đe dọa hệ sinh thái Biển Đông
(Dân trí) - Các hoạt động bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua đã đe dọa nghiêm trọng tới hệ sinh thái ở vùng biển này, một báo cáo mới công bố.
Theo báo cáo của Quỹ nghiên cứu Observer (ORF), sự bành trướng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua hoạt động xây dựng trên các đảo chiếm đóng trái phép, cùng hoạt động khoan dầu khí và đánh bắt tận diệt của Trung Quốc đã đẩy hệ sinh thái ở vùng biển này đến bờ vực sụp đổ. Ngoài ra, việc phá hủy các rặng san hô và sinh vật biển đã gây ra mối đe dọa về an ninh năng lượng và lương thực đối với các nước ven biển.
"Hệ sinh thái ở Biển Đông vốn đang phải chịu sức ép của một trong những tuyến hàng hải quốc tế bận rộn nhất thế giới, lại phải chịu thêm các hoạt động đánh bắt tận diệt, khai thác sò, nạo vét để xây dựng các đảo nhân tạo và kỹ thuật thủy lực cắt phá của Trung Quốc", báo cáo của ORF cho biết.
Ngoài ra, nhiệt độ trên biển tăng và mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu cũng đe dọa gây ra thiệt hại lâu dài.
Đối với Trung Quốc, hải sản đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho người dân nước này. Ước tính đến năm 2030, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 38% lượng hải sản toàn cầu. Việc đánh bắt quá mức và đánh bắt bất hợp pháp, thiếu quy định khiến nguồn cá ở các khu vực ven biển của Trung Quốc cạn kiệt nhanh chóng.
Trung Quốc đã mất một nửa diện tích vùng đất ngập nước ven bờ, 57% diện tích rừng ngập mặn và 80% rặng san hô trong vùng đặc quyền kinh tế. Trong khi đó, đây là môi trường quan trọng để phát triển nguồn hải sản.
Ngoài ra, ngư dân Trung Quốc tiếp tục đánh bắt xa bờ hơn, tiến sâu hơn vào các vùng biển và sử dụng các kỹ thuật đánh bắt bằng thuốc và hóa chất, gây thiệt hại nghiêm trọng hơn đối với đời sống sinh vật biển.
Trung Quốc có đội tàu cá đánh bắt xa bờ lớn nhất thế giới, ước tính khoảng 17.000 tàu, trong đó hơn 12.000 tàu hoạt động tại các vùng biển không thuộc chủ quyền Trung Quốc.
Các phương pháp đánh bắt bằng thuốc nổ và chất hóa học không chỉ giết chết nhiều sinh vật biển, mà còn phá hủy các rặng san hô nuôi dưỡng các loài sinh vật. Trong khi đó, việc sử dụng chất hóa học còn làm gia tăng quá trình tẩy trắng các rặng san hô và đôi khi giết chết chúng. Các phương pháp đánh bắt này cũng được thực hiện ở độ sâu lớn hơn, do vậy tác động tới cả khu vực đáy biển.
Báo cáo cho rằng việc Trung Quốc tuyên bố yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" và ngang nhiên bồi đắp các đảo ở Biển Đông, xây dựng phi pháp các cảng, cơ sở quân sự và đường băng, đặc biệt tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã dẫn đến việc hủy diệt các rặng san hô.
Các hoạt động khoan dầu của Trung Quốc đã thải ra một lượng lớn hỗn hợp gồm bùn, chất thải, rác ra đại dương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái. Các cuộc khảo sát địa chấn sơ bộ, lắp đặt các giàn khoan, thăm dò và khai thác hydrocacbon, vận chuyển dầu khí cũng gây thiệt hại cho đáy biển.