1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Hai "cú sốc" đẩy kinh tế Myanmar tới bờ vực sụp đổ

Đức Hoàng

(Dân trí) - Liên Hợp Quốc cảnh báo gần một nửa dân số Myanmar sẽ bị đẩy vào cảnh đói nghèo do nước này vướng phải cuộc khủng hoảng kép Covid-19 và bất ổn nội bộ hậu đảo chính quân sự.

Hai cú sốc đẩy kinh tế Myanmar tới bờ vực sụp đổ - 1

Hàng nghìn người biểu tình phản đối đảo chính quân sự ở Myanmar (Ảnh: Reuters).

Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố báo cáo ngày 29/4 chỉ ra rằng nền kinh tế Myanmar đang gặp phải 2 "cú sốc" lớn là chính biến hỗn loạn hậu đảo chính và đại dịch Covid-19.

Chi phí thực phẩm tăng mạnh, người dân mất phần lớn thu nhập và lương, các hệ thống dịch vụ cơ bản như ngân hàng, chăm sóc sức khỏe bị tê liệt. Những yếu tố này có thể đẩy hàng triệu người dân Myanmar vốn đang trong tình trạng dễ bị tổn thương rơi vào cảnh nghèo đói, với thu nhập trung bình chỉ vào khoảng 1,1 USD/ngày, báo cáo viết.

Liên Hợp Quốc cảnh báo phụ nữ và trẻ em sẽ là những nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất trong bối cảnh kinh tế Myanmar đang bị đẩy dần tới bờ vực sụp đổ.

Theo UNDP, nếu tình hình an ninh và kinh tế không sớm bình ổn trở lại, khoảng 25 triệu người - chiếm 48% dân số Myanmar sẽ rơi vào cảnh đói nghèo trong năm 2022.

Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên trong 16 năm qua, Myanmar chứng kiến tỷ lệ nghèo đói cao ở mức như vậy.

Quan chức UNDP Achim Steiner cho rằng, rõ ràng là Myanmar "đang đối mặt với một thảm kịch đang diễn ra" với chuỗi cung ứng bị phá vỡ, sự gián đoạn trong hoạt động di chuyển con người, hàng hóa và dịch vụ, hệ thống ngân hàng về cơ bản bị đình chỉ, kiều hối không đến được tay người dân. Ông Steiner cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị đang làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Trước cuộc đảo chính quân sự, tỷ lệ nghèo đói ở Myanmar đã giảm từ mức 48,2% năm 2005 xuống 24,8% vào năm 2017.

Tuy nhiên, cú sốc đầu tiên từ đại dịch Covid-19 với các biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại đã khiến nền kinh tế trở nên khó khăn hơn. Cuối năm ngoái, ước tính 83% hộ gia đình ở Myanmar đã bị giảm một nửa thu nhập do đại dịch.

Tình hình thêm tồi tệ vào ngày 1/2 khi quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân cử để giành quyền điều hành đất nước. Từ đó tới nay, Myanmar rơi vào tình trạng bất ổn khi hàng trăm nghìn người biểu tình xuống đường phản đối quân đội và tiến hành đình công. Nền kinh tế Myanmar tiếp tục gánh thêm "cú sốc" thứ 2.

Theo UNDP, đại dịch Covid-19 đã khiến tỷ lệ đói nghèo ở Myanmar tăng từ 24,8 lên 36,1%. Nếu tình hình chính biến tiếp tục phức tạp, con số này có thể tiếp tục tăng lên 48,2% trong năm tới.

Thêm vào đó, 2 cuộc khủng hoảng không diễn ra độc lập mà thực chất đang "lồng" vào nhau. Việc chính phủ dân cử bị lật đổ và tình hình chính biến hỗn loạn đã khiến nỗ lực chống Covid-19 ở Myanmar bị gián đoạn nghiêm trọng. Nhìn chung, hệ thống xét nghiệm Covid-19 ở Myanmar đã gần như sụp đổ hoàn toàn kể từ sự kiện ngày 1/2.

Ngoài ra, căng thẳng chính trị hiện tại được cho sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới những nỗ lực hồi phục hậu đại dịch. Liên Hợp Quốc cảnh báo một cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể xảy ra ở Myanmar trong thời gian tới.