1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ giáng thêm đòn trừng phạt vào "túi tiền" của quân đội Myanmar

Thành Đạt

(Dân trí) - Bộ Tài chính Mỹ đã áp lệnh trừng phạt đối với 2 doanh nghiệp được xem là nguồn lực kinh tế chính cho quân đội Myanmar.

Mỹ giáng thêm đòn trừng phạt vào túi tiền của quân đội Myanmar - 1

Người biểu tình phản đối đảo chính tại Mandalay, Myanmar (Ảnh: Reuters).

Trong thông báo ngày 21/4, Bộ Tài chính Mỹ cho biết đã liệt Công ty Gỗ Myanmar (MTE) và Công ty Ngọc trai Myanmar (MPE) vào danh sách trừng phạt. Bộ Tài chính Mỹ nói rằng ngành công nghiệp ngọc trai và gỗ là nguồn lực kinh tế của quân đội Myanmar.

"Hành động hôm nay thể hiện cam kết của Mỹ trong việc nhắm mục tiêu tới kênh tài trợ cụ thể này và thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những người chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính và bạo lực đang diễn ra", Andrea Gacki, giám đốc Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ, cho biết.

Lệnh trừng phạt sẽ đóng băng mọi tài sản tại Mỹ của 2 công ty Myanmar và cấm người Mỹ giao dịch với các công ty này. Bộ Tài chính Mỹ cho biết MTE và MPE chịu trách nhiệm xuất khẩu gỗ và ngọc trai từ Myanmar.

Cơ quan Điều tra Môi trường, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế từng ghi nhận các vụ lạm dụng trong ngành công nghiệp gỗ ở Myanmar và các nơi khác, tháng này cho biết chính quyền quân sự Myanmar thu lợi nhuận từ việc xuất khẩu gỗ tếch thông qua MTE.

Gỗ tếch của MTE đôi khi được xuất khẩu sang Mỹ và Châu Âu, được sử dụng cho đồ nội thất sang trọng và boong của các du thuyền cao cấp.

"Các biện pháp trừng phạt đối với MTE ở Myanmar là một đòn giáng mạnh vào chính quyền quân sự, vốn thu lợi trực tiếp từ những khu rừng có giá trị và đang ngày càng thu hẹp của đất nước", Faith Doherty, người đứng đầu chiến dịch bảo vệ rừng của Cơ quan Điều tra Môi trường, cho biết.

Theo bà Doherty, lệnh trừng phạt đồng nghĩa với việc gỗ hoặc sản phẩm gỗ từ Myanmar không thể xuất khẩu sang Mỹ và cắt đứt nguồn thu của các quan chức tham nhũng.

Các nhóm vận động nhân quyền và công lý cho Myanmar cho biết công ty trang sức Nhật Bản Tasaki nên chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh với MPE, cáo buộc công ty ngọc trai của Myanmar ủng hộ chính quyền quân sự bằng cách duy trì hoạt động kinh doanh với doanh nghiệp nhà nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu tới các kênh được xem là nguồn thu tài chính cho quân đội.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân Myanmar trong nỗ lực bác bỏ cuộc đảo chính này và chúng tôi kêu gọi chính quyền quân sự chấm dứt bạo lực, trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ không công bằng và khôi phục con đường dẫn tới dân chủ của Myanmar", Ngoại trưởng Blinken cho biết trong một tuyên bố riêng.

Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ cuộc đảo chính hồi tháng 2 khi quân đội bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân sự khác. Cuộc đảo chính dẫn tới làn sóng biểu tình khắp Myanmar.

Nhóm hoạt động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết 738 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Myanmar kể từ sau cuộc đảo chính và 3.300 người đang bị giam giữ. 20 người bị kết án tử hình và đang lẩn trốn.

Dòng sự kiện: Đảo chính tại Myanmar