1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Hạ viện Mỹ mở điều tra luận tội Tổng thống Trump

(Dân trí) - Hạ viện Mỹ sẽ chính thức mở một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump để xác định xem liệu chủ nhân Nhà Trắng có tìm kiếm sự hỗ trợ của nước ngoài để hạ đối thủ chính trị hay không sau những lùm xùm thông tin về cuộc điện đàm giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Hạ viện Mỹ mở điều tra luận tội Tổng thống Trump - 1
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump bị điều tra luận tội

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 24/9 thông báo, Hạ viện sẽ chính thức mở một cuộc điều tra nhằm mở đường cho tiến trình luận tội đối với Tổng thống Donald Trump, Reuters đưa tin. Phát biểu sau một cuộc họp kín với các nghị sĩ Dân chủ, bà Pelosi nói rằng, các hành động của ông Trump dường như vi hiến và ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia. "Tổng thống phải giải trình. Không ai đứng trên pháp luật".

Quyết định trên được đưa ra sau khi xuất hiện các thông tin cho rằng, Tổng thống Trump đã gây sức ép với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong một cuộc điện đàm hôm 25/7. Ông Trump bị cho là đã đề nghị Ukraine mở một cuộc điều tra đối với cựu Phó Tổng thống và hiện cũng là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden và con trai của ông.

Bà Pelosi cho biết, 6 ủy ban của quốc hội đang điều tra ông Trump sẽ tiếp tục các cuộc điều tra này và coi đó là một phần của cuộc điều tra luận tội mà bà vừa thông báo.

Những hành động của Tổng thống Trump đã bộc lộ một sự thật phũ phàng về sự phản bội của tổng thống đối với lời tuyên thệ nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia và phản bội sự toàn vẹn của cuộc bầu cử của chúng ta", bà Pelosi nói.

Cuộc điều tra luận tội có thể dẫn đến việc ông Trump phải rời nhiệm sở. Tuy nhiên, kể cả khi Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát bỏ phiếu luận tội ông Trump, để phế truất ông Trump sau khi xét xử vẫn cần sự phê chuẩn của Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Hầu hết các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ đều ủng hộ cuộc điều tra luận tội đối với ông Trump, trong đó có thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, Bernie Sanders, Kamala Harris, Cory Booker và Amy Klobuchar.

Các nghị sĩ Dân chủ cũng đề nghị công bố nội dung thư tố giác cuộc điện đàm “gây lo ngại” giữa ông Trump với Tổng thống Ukraine cũng như những thông tin về việc cấp viện trợ cho Ukraine.

Đây là cuộc điều tra luận tội đầu tiên tại quốc hội Mỹ kể từ năm 1998 sau cuộc điều tra đối với Tổng thống Bill Clinton vì bị cáo buộc khai man, cản trở công lý và mối quan hệ ngoài luồng với nữ thực tập sinh Monica Lewinsky. Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu luận tội ông Clinton vào tháng 12/1998, nhưng được Thượng viện đã tuyên bố trắng án 2 tháng sau đó và tiếp tục nhiệm sở.

Sẽ công bố toàn văn nội dung cuộc điện đàm gây tranh cãi

Hạ viện Mỹ mở điều tra luận tội Tổng thống Trump - 2
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: New York Times)

Ông Trump đang trở thành tâm điểm chỉ trích sau khi báo Washington Post cuối tuần trước dẫn nguồn thạo tin nói rằng, một quan chức tình báo Mỹ đã quyết định gửi đơn tố giác lên cơ quan cộng đồng tình báo do cảm thấy lo ngại về nội dung cuộc điện đàm hồi tháng 7 giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine. Hiện chưa rõ nội dung cuộc điện đàm, song ông Trump bị cho là đã đề nghị Ukraine điều tra đối thủ Dân chủ Joe Biden và con trai trước thềm cuộc bầu cử tổng thống 2020 để đổi lấy viện trợ quân sự từ Mỹ.

Tổng thống Trump đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và khẳng định cuộc điện đàm đơn thuần là những lời chúc mừng.

Người đứng đầu Nhà Trắng hôm qua cho biết, toàn văn cuộc điện đàm này sẽ được công bố vào hôm nay 25/9. Ông Trump nhấn mạnh, nó sẽ cho thấy cuộc điện đàm này “hoàn toàn bình thường” và rằng ông không hề gây sức ép với Tổng thống Zelenskiy điều tra ông Biden.

“Khi xem nội dung cuộc gọi mà tôi tin rằng quý vị sẽ được thấy vào một thời điểm nào đó, quý vị sẽ hiểu. Cuộc gọi đó tốt đẹp. Nó không thể tốt đẹp hơn nữa”, ông Trump nói với các phóng viên bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York..Ông cũng xác nhận hoãn viện trợ quân sự gần 400 triệu USD cho Ukraine vì cho rằng các quốc gia châu Âu khác như Đức, Pháp cũng nên dành tiền hỗ trợ Ukraine.

Minh Phương

Theo Reuters, NPR

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm