1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Guinea-Bissau: Có tin đảo chính, không rõ số phận của Thủ tướng

(Dân trí) - Hiện người ta không rõ Thủ tướng Guinea-Bissau Carlos Gomes Junior đang ở đâu sau khi có tin quân đội nước này có vẻ như đã tiến hành một cuộc đảo chính.

 

Guinea-Bissau: Có tin đảo chính, không rõ số phận của Thủ tướng

Thủ tướng Guinea-Bissau Carlos Gomes Junior

 

Thông tin trước đó cho biết ông Gomes đã bị quân đội bắt giữ song các nhà ngoại giao cho biết với hãng tin BBC rằng ông vẫn an toàn và đang ở đâu đó tại thủ đô Bissau.

 

Các binh sỹ được thấy tập trung ở bên ngoài rất nhiều sứ quán, có vẻ như là để tìm ông Gomes, người đang chạy đua cho vị trí tổng thống.

 

Trong khi đó, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc kịch liệt lên án cuộc nổi dậy vào hôm thứ năm. Một tuyên bố của cơ quan này lên án “sự can thiệp của quân đội vào chính trị” và kêu gọi những binh sỹ nổi dậy đảm bảo an toàn cho ông Gomes, Tổng thống lâm thời Raimundo Pereira và tất cả các quan chức cấp cao đang bị bắt giữ.

 

Tại Bissau, một thông cáo do “Bộ chỉ huy quân sự”, tên gọi do nhóm binh sỹ nổi dậy tự xưng, cho biết lực lượng của họ đã bắt giữ người đứng đầu quân đội Antonio Indjai.

 

Sớm ngày thứ sáu,một tùy viên báo chí quân sự, Francelino Cunha, cho biết với hãng thông tấn AP rằng Thủ tướng Gomes đã bị bắt tại nhà mình, nơi xảy ra vụ đọ súng dữ dội và các hoạt động quân sự vào tối ngày thứ năm.

 

Tuyên bố của Liên hợp quốc cho hay các thành viên Hội đồng bảo an “kêu gọi tất cả các bên kiềm chế hết sức, tránh bạo lực và bình tĩnh”.

 

“Họ rất lấy làm tiếc vì những sự kiện này xảy ra chỉ ngay trước khi bắt đầu chiến dịch tranh cử vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống”.

 

Những diễn biến có vẻ như là đảo chính cũng đã bị Ecowas, cơ quan đại diện của Tây Phi, lên án. Ecowas cho biết quân đội một lần nữa lại chứng tỏ “muốn nắm quyền ở Guinea-Bissau”.

 

Ecowas gần đây cũng đã phải can thiệp vào Mali, nơi tháng trước đã diễn ra đảo chính. Họ yêu cầu lãnh đạo đảo chính chuyển giao quyền lực sau khi áp đặt lệnh trừng phạt đối với Mali.

 

“Thủ tướng vẫn khỏe”

 

Mặc dù tình hình ngày thứ sáu có vẻ lắng dịu, song các binh sỹ có thể thấy tập trung ở rất nhiều sứ quán, chứng tỏ họ đang tìm kiếm người rất có khả năng trở thành tổng thống sau cuộc bầu cử vòng hai vào tháng này.

 

Nguồn tin chưa được xác nhận cho biết ông Pereira, tổng thống lâm thời, cũng đang bị bắt giữ. Một trong các vệ sỹ của ông cho biết ông bị một nhóm binh sỹ bắt vào ngày thứ năm.

 

Người phát ngôn quân đội Daba Na Walna sau đó cho biết: “Thủ tướng, tổng thống lâm thời vẫn rất khỏe. Tôi không thể nói gì thêm”.

 

Guinea-Bissau, quốc gia nghèo từng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, đã bị tàn phá bởi hàng loạt các cuộc đảo chính kể từ khi giành được độc lập vào năm 1974 và gần đây đã trở thành “thánh địa” cho các băng nhóm buôn lậu ma túy từ Mỹ La-tinh vào châu Âu.

 

Hiện vẫn chưa rõ ai đứng sau các hoạt động quân sự hiện nay, song “Bộ chỉ huy quân sự” dường như không bao gồm các tướng lĩnh quân sự cấp cao.

 

Trong tuyên bố trên đài phát thanh sáng ngày thứ sáu, các thành viên “Bộ chỉ huy quân sự” cho biết họ không có tham vọng quyền lực và hành động để ngừng điều họ gọi là “can thiệp của nước ngoài”. Họ cáo buộc chính phủ lâm thời đã ký “một thỏa thuận bí mật” cho phép quân đội Angola vào để loại bỏ quân độ Guinea-Bissau.

 

Vào đầu tuần này, Angola cho biết họ sẽ rút khoảng 200 binh sỹ của mình đã ở Guinea-Bissau từ năm ngoái để giúp huấn luyện và cải cách quân đội.

 

Cuộc bầu cử khẩn cấp tháng trước đã được tiến hành sau khi Tổng thống Malam Bacai Sanha qua đời, do bệnh nặng.

 

Ứng cử viên tổng thống thứ hai trong vòng bầu cử đầu hồi tháng 3, cựu Tổng thống Kumba Yala, cho biết ông sẽ tẩy chay cuộc bầu cử vòng hai dự kiến vào 29/4. Ông cáo buộc đã có gian lận bầu cử.

 

Vũ Quý

Theo BBC