1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

GS Carl Thayer: Tâm địa của Bắc Kinh

Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại lô 143 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là khiêu khích và bất hợp pháp.

Hành động gây bất bình rộng rãi đó đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của một quốc gia khác mà không xin phép.

Vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế

Càng bất ngờ hơn bởi trước đó, quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội có những tiến triển nhất định sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Hà Nội vào tháng 10-2013. Thậm chí, lúc bấy giờ, hai bên còn thống nhất sẽ tiếp tục đàm phán về vấn đề biển đảo. Hơn nữa, Việt Nam không có bất cứ hành vi khiêu khích nào để Trung Quốc có cớ thực hiện hành động ngang ngược chưa từng có tiền lệ này.

Sự khiêu khích của Trung Quốc lộ rõ ở việc đưa tới 80 tàu, trong đó có 7 tàu hải quân, hộ vệ cho giàn khoan. Trong khi Việt Nam phản ứng rất chừng mực bằng tàu cảnh sát biển thì Trung Quốc chủ động tấn công bằng vòi rồng và đâm húc, khiến nhiều thuyền viên của Việt Nam bị thương.

Hành động đó rõ ràng vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hoa Xuân Oánh - lại biện minh bằng tuyên bố vô lý rằng giàn khoan đang hoạt động trong “vùng lãnh hải thuộc chủ quyền Trung Quốc”! Khẳng định này hoàn toàn thiếu căn cứ pháp lý bởi Trung Quốc không sở hữu vùng lãnh thổ nào cách lô 143 đến 12 hải lý để làm cơ sở.

Vào năm 1996, Trung Quốc vẽ một đường cơ sở quanh quần đảo Hoàng Sa, trong đó có bãi đá ngầm Tri Tôn. Giới học giả cho rằng Trung Quốc dựa vào bãi đá này để mở rộng thềm lục địa cũng như EEZ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khác lập luận đường cơ sở năm 1996 không tuân thủ điều 8 Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nên không thể dùng để xác định chủ quyền trên lô 143. Điều đáng nói là ngay cả khi “đường cơ sở” phi lý đó được chấp nhận thì EEZ của Trung Quốc cũng chồng lấn với EEZ đã được xác lập của Việt Nam.

Không vì mục đích thương mại

Giới phân tích vạch ra 3 khả năng về mục tiêu của bước đi có tính chất xâm lược này từ phía Trung Quốc.

Thứ nhất, Trung Quốc muốn đáp trả Luật Biển được Việt Nam ban hành giữa năm 2012. Ngay sau khi bộ luật này được phê duyệt, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu nhiều lô trên biển Đông chồng lấn với các lô thuộc EEZ hợp pháp của Việt Nam.

Theo giả thuyết trên, căng thẳng hiện nay chính là hệ quả từ động thái phi lý của CNOOC. CNOOC cũng đơn phương coi lô 143 thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Còn Bắc Kinh cho rằng khai thác thương mại trong lô 143 sẽ vô hiệu hóa các tuyên bố về quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.

Hơn nữa, nếu chỉ là dự án thương mại bình thường thì cần gì phải điều tới 80 tàu hộ tống? Rõ ràng, đây là kế hoạch có chủ ý nhằm ngăn chặn Việt Nam bảo vệ EEZ hợp pháp, nhất là khi tiềm năng dầu khí trong khu vực này tương đối thấp. Chính các nguồn tin ngoại giao ở Bắc Kinh cũng tiết lộ các quan chức CNOOC được lệnh đặt giàn khoan tại lô 143, bất chấp lo ngại về mặt thương mại.

Thứ hai, Trung Quốc nhằm vào hoạt động khai thác của Công ty ExxonMobil (Mỹ) trong các lô gần đó. Giả thuyết này có phần thiếu chắc chắn bởi ExxonMobil đã hoạt động trong lô 119 từ năm 2011 và Bắc Kinh không leo thang phản đối gần đây. Hơn nữa, cũng chưa đủ cơ sở để đánh giá giàn khoan của Trung Quốc ảnh hưởng tới hoạt động của ExxonMobil.

Thứ ba, Trung Quốc đáp trả chuyến công du châu Á gần đây của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Xuyên suốt chuyến đi, Tổng thống Mỹ không ngừng công khai phản đối các biện pháp hăm dọa và cưỡng ép nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Giả thuyết này được tán đồng nhiều song không trả lời được tại sao Việt Nam lại là đích nhắm của Trung Quốc. Hành động của Trung Quốc được cho là mạo hiểm và có thể sẽ gây phản ứng ngược khi diễn ra ngay trước Hội nghị Cấp cao ASEAN.

(*) Bài của GS Carl Thayer trên Tạp chí Diplomat, được tác giả chia sẻ cho Báo Người Lao Động; tít chính và các tít nhỏ do tòa soạn đặt.

GS Carl Thayer (chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc)
 
Thu Hằng
Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm