Giàn khoan Trung Quốc: 3 nhân tố then chốt
(Dân trí) - Học giả thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Lowy, Úc, cho rằng có 3 nhân tố chính cần phải được lưu tâm trước động thái Trung Quốc cho triển khai giàn khoan nước sâu trị giá 1 tỷ USD vào trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngày 1/5, Cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc (MSA) đã công bố giàn khoan Hải Dương-981, thuộc sở hữu của Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) sẽ tiến hành khoan ở trong vùng biển thuộc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. MSA còn ngang nhiên công bố một vùng cấm tàu thuyền rộng 3 hải lý quanh giàn khoan khổng lồ này trong thời gian giàn khoan hoạt động dự kiến từ 2/5 tới ngày 15/8.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của Việt Nam, Trung Quốc đã phái hạm đội gồm khoảng 80 tàu, trong đó có không ít tàu chiến, hộ tống giàn khoan này. Các tàu của Trung Quốc còn hung hăng phun vòi rồng, đâm hư hại tàu của lực lượng kiểm ngư của Việt Nam khi các tàu đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của Việt Nam.
Trước những diễn biến trên, học giả Dirk van der Kley đã có bài viết đăng tải trên tờ Lowy Interpreter của Viện Lowy, cho rằng có ít nhất 3 vấn đề cần phải được tập trung xem xét.
Theo tác giả, đầu tiên là khả năng căng thẳng hiện nay có thể kéo dài nhiều tháng (hoặc lâu hơn nữa). Tác giả đồng tình với quan điểm trên blog của Banyan trên tờ The Economist, khi cho rằng vụ việc lần này nghiêm trọng hơn tất cả những vụ căng thẳng gần đây, vốn chỉ liên quan đến tàu cá và tàu khảo sát dầu. Trong khi đó, đây là lần đầu tiên Trung Quốc cho khoan tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Không giống như các tàu cá hoặc tàu khảo sát, giàn khoan, mặc dù là “cỗ máy” di động, nhưng có xu hướng lưu lại một địa điểm trong thời gian dài. Trên thực tế, tuyên bố của MSA cho biết hoạt động khoan có thể tiếp tục ở cùng một địa điểm cho tới tận ngày 15/8 tới. Theo tác giả, nếu CNOOC thực sự cố định giàn khoan ở một vị trí, thì tuyên bố của MSA đã “lập lờ” về khả năng giàn khoan có thể được di dời đi chỗ khác trước ngày đó. Khi đấy, nếu giàn khoan được di chuyển sang chỗ khác, Trung Quốc có thể lý giải theo cách “giữ thể diện là” giàn khoan đã hoàn thành hoạt động khoan. Song tác giả cho rằng, dĩ nhiên “không có gì đảm bảo Trung Quốc sẽ di dời giàn khoan vào thời điểm đó”.
Theo tác giả, trong thời gian trên, sẽ có tình thế “nhị phân”: hoặc là CNOOC thiết lập được một vị trí cố định cho giàn khoan một tỷ đô của mình trong vùng biển của Việt Nam hoặc là không thể.
Tác giả cho rằng, tình hình sẽ giảm nhiệt nếu giàn khoan được di chuyển đi vào tháng 8. Nhưng không có cách nào đảm bảo được điều này và nếu Trung Quốc vẫn không chịu đưa giàn khoan đi, nhiều khả năng sẽ có một cuộc “mèo đuổi chuột” trong vùng biển quanh giàn khoan.
Thứ hai, theo tác giả, mặc dù thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam trùng hợp một cách kỳ lạ với chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Obama, nhưng hai hoạt động này không nhất thiết liên quan đến nhau. Tác giả chỉ ra, chuyến công du của ông Obama không bao gồm chặng dừng chân ở Hà Nội và thực tế các nước mà Obama tới công du không hứng chịu phản ứng mạnh như vậy. Theo tác giả, cuộc tập trận chung dự kiến giữa Nga-Trung trên Hoa Đông mới có khả năng là phản ứng đối với chuyến công du Nhật của Obama. Tuy nhiên, trước và quanh thời điểm Obama tới Nhật, quan hệ Trung-Nhật có vẻ như có những dấu hiệu đáng khích lệ, với Nhật cử một quan chức cấp cao tới Trung Quốc và một số cam kết tích cực giữa hai nước đã được đưa ra.
Cuối cùng, tác giả nhận định xưa nay CNOO có “bề dày” kết hợp khai thác tài nguyên ở Biển Đông với tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này. Những công ty nhà nước lớn như CNOOC là những tay chơi quyền lực ở Bắc Kinh và CNOOC có thể là một trong những nhân tố thúc đẩy chính đằng sau quyết định đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam hoặc chí ít, tập đoàn này cũng ủng hộ tích cực kế sách dùng giàn khoan làm công cụ trong những cuộc tranh giành chủ quyền của Trung Quốc.
Hơn nữa, CNOOC cũng có “bề dày” can dự vào các vấn đề chủ quyền ở Biển Đông. Năm 2012, công ty này đã kêu gọi mời thầu 9 lô dầu khí đối với các công ty nước ngoài ở khu vực, và hầu hết các lô này nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cũng chính CNOOC là cơ quan đưa ra dự báo khả quan về trữ lượng dầu khí trong Biển Đông. Như vậy có thể dễ dàng nhận thấy đây là một nỗ lực của CNOOC nhằm giành sự ủng hộ về chính sách và tài chính của chính phủ trung ương Trung Quốc cho các hoạt động của họ, như xây dựng giàn khoan nước sâu như Hải Dương-981.
Dirk van der Kley cũng nhận định, giàn khoan Hải Dương-981, được đưa vào hoạt động năm 2012, cho CNOOC khả năng khoan ở độ sâu 3000m, khả năng mở rộng lớn trên Biển Đông mà cụ thể là CNOOC có thể tự khoan, không cần phụ thuộc vào công ty nước ngoài nào. Chủ tịch CNOOC, ông Wang Yilin, từng được dẫn lời cho biết: “Những giàn khoan nước sâu lớn là lãnh thổ quốc gia di động của chúng tôi và là vũ khí chiến lược để khuyến khích phát triển ngành dầu khí ngoài khơi Trung Quốc”.
Vũ Quý