1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Gruzia nói không muốn trở thành "Ukraine thứ 2"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quốc gia Liên Xô cũ Gruzia giải thích nguyên nhân họ quyết tâm thông qua dự luật "đặc vụ nước ngoài", nhấn mạnh nước này không muốn trở thành Ukraine thứ 2.

Gruzia nói không muốn trở thành Ukraine thứ 2 - 1

Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Gruzia Irakli Kobakhidze cho biết quốc gia này cần có "luật đặc vụ nước ngoài" để hạn chế ảnh hưởng từ bên ngoài và tránh lặp lại số phận của Ukraine, quốc gia trở thành nơi cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây trong 10 năm qua. 

Dự luật gây tranh cãi mang tên "Minh bạch về tầm ảnh hưởng của nước ngoài" yêu cầu các cá nhân và tổ chức, trong đó có các hãng truyền thông, nhận trên 20% tài trợ nước ngoài phải đăng ký là "tổ chức chịu ảnh hưởng từ nước ngoài".

Dự luật đã gây ra phong trào biểu tình kéo dài nhiều tuần ở thủ đô Tbilisi của Gruzia, với những người chỉ trích cáo buộc rằng nó có thể được sử dụng để trấn áp phe đối lập.

Ông Kobakhidze so sánh tình hình hiện tại ở Gruzia như "nước đục", nơi mà ảnh hưởng của nước ngoài "tuôn chảy" không bị ngăn cản và là nơi những bên muốn tác động đến nội bộ đất nước có thể dễ dàng "bắt cá" dưới hình thức lập ra các tổ chức đối lập.

Ông nói, nếu Gruzia không có luật pháp, có nguy cơ đất nước này có thể trở thành Ukraine thứ 2. Ông cũng nhắc tới Ukraine và vụ đảo chính Maidan năm 2014.

"Chúng tôi muốn sự minh bạch. Chúng tôi không muốn để lại nước đục ở Gruzia, bởi vì kịch bản Maidan Gruzia có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng", ông Kobakhidze tuyên bố, nhấn mạnh họ không thể chấp nhận kịch bản giống như Ukraine vào năm 2014.

"Một số người muốn có tình trạng nước đục ở Gruzia, chúng tôi không muốn vậy. Một số người muốn tổ chức Maidan, chúng tôi không muốn Maidan. Một số người muốn lập mặt trận chống Nga thứ 2, chúng tôi không mong muốn điều đó", ông nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng dự luật sẽ giúp đảm bảo rằng ảnh hưởng của nước ngoài được quản lý và kiểm soát, đồng thời "tính minh bạch của các tổ chức phi chính phủ là một trong những đòn bẩy chính cho phép chúng tôi thực hiện điều này".

Quốc hội Gruzia đã thông qua dự luật vào đầu tháng này nhưng bị Tổng thống Salome Zourabichvili có quan điểm thân phương Tây phủ quyết. Tuy nhiên, Quốc hội Gruzia cũng có quyền bác bỏ quyền phủ quyết của bà Zourabichvili và họ được dự đoán sẽ làm như vậy trong thời gian tới.

Cả Mỹ và châu Âu đều bày tỏ lo ngại về dự luật và cảnh báo Gruzia có thể đối mặt với hậu quả nếu quyết tâm thực hiện động thái này. 

Phía Mỹ cảnh báo dự luật này sẽ làm suy yếu quyền tự do ngôn luận và gây tổn hại mối quan hệ của Gruzia với phương Tây.

Trong khi đó, truyền thông phương Tây đưa tin rằng, một số nước EU dường như đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với Gruzia nhằm đáp trả lập trường của chính phủ nước này đối với dự luật "đặc vụ nước ngoài".

Các quan chức EU cũng cảnh báo, nếu được ban hành, luật "đặc vụ nước ngoài" sẽ chính là trở ngại lớn cho quá trình gia nhập liên minh này của Gruzia.

Bình luận về phản ứng của phương Tây, ông Kobakhidze cho rằng thật vô lý khi gọi một đạo luật hướng đến tính minh bạch là một điều xấu.

Theo RT