1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Giúp Mỹ diệt IS, Nga muốn chen chân vào Iraq

Nga đang muốn khai thác sự bất mãn của Iraq với Mỹ để đánh bật Mỹ khỏi Iraq.

Nga vừa đưa ra đề nghị sẵn sàng giúp Mỹ diệt IS ở Iraq ở giai đoạn cuối này, không lâu sau khi Nga tuyên bố chiến thắng, đánh đuổi hoàn toàn IS ở Syria.

“Liên quân quốc tế đánh IS nên chú trọng vào việc diệt IS ở các vùng phía tây Iraq nhằm ngăn IS quay trở lại Syria, cũng như tránh để IS khôi phục lực lượng ở đây chứ không phải chú trọng vào việc triển khai các căn cứ quân sự của liên quân ở Syria. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại và sát cánh cùng các đồng nghiệp Mỹ giải quyết vấn đề này” - Tass dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Valery Gerasimov tuyên bố ngày 6-12 - ngày Nga tuyên bố chiến thắng hoàn toàn IS ở Syria sau hơn hai năm can thiệp quân sự.

Máy bay ném bom tầm xa của Nga không kích mục tiêu IS ở đông bắc Syria. REUTERS đưa ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 25-11.
Máy bay ném bom tầm xa của Nga không kích mục tiêu IS ở đông bắc Syria. REUTERS đưa ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố ngày 25-11.

Thứ trưởng Gerasimov trước đó từng cáo buộc Mỹ và các đồng minh trong liên quân quốc tế đánh IS chỉ chú trọng mở rộng các căn cứ ở Syria chứ không ưu tiên chấm dứt xung đột ở Syria. Nga lâu nay vẫn nghi ngờ tính hiệu quả và ý định của lực lượng Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt trong cuộc chiến chống IS.

Không chỉ hỗ trợ các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chủ yếu là lực lượng tay súng người Kurd đánh IS ở Syria , liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu còn sát cánh cùng quân đội IS và lực lượng người Kurd đánh IS ở Iraq - nguồn cội của Iraq. Nga không tham gia cuộc chiến này ở Iraq nhưng đồng minh Iran của Nga có vai trò hàng đầu. Dù bất đồng với Mỹ nhưng Iran đã hỗ trợ lực lượng dân quân người Shiite đánh IS. Tháng trước, lực lượng này sau khi đánh đuổi IS khỏi một số thành trì cuối ở Iraq đã sang Syria hỗ trợ quân đội Syria đánh IS.

IS được thành lập sau khi Mỹ đưa quân vào Iraq lật đổ Tổng thống Saddam Hussein năm 2003, sau đó lan sang Syria. Nhiều thủ lĩnh và thành viên IS là tàn dư ủng hộ Tổng thống Hussein.

Theo Tass, Nga và Iran muốn dùng chiến thắng quân sự để đánh bật Mỹ khỏi Iraq, nơi Mỹ đã hiện diện quân sự 14 năm liên tiếp.

(Từ giữa sang phải): Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabbar al-Luaibi, Tổng Giám đốc tập đoàn dầu mỏ Gazprom Neft của Nga Alexander Dyukov, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak thị sát mỏ dầu Badra ở tỉnh Kut (Iraq) ngày 6-12. Nga đang khai thác sự bất mãn của Iraq với Mỹ. Ảnh: REUTERS
(Từ giữa sang phải): Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabbar al-Luaibi, Tổng Giám đốc tập đoàn dầu mỏ Gazprom Neft của Nga Alexander Dyukov, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak thị sát mỏ dầu Badra ở tỉnh Kut (Iraq) ngày 6-12. Nga đang khai thác sự bất mãn của Iraq với Mỹ. Ảnh: REUTERS

Ý định này gặp nhiều thuận lợi khi Iraq lúc này đang không hài lòng chuyện Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ đến TP Jerusalem, chính thức công nhận đây là thủ đô của Israel, dù đó là nơi Palestine xem là thủ đô tương lai của mình. Iraq lâu nay luôn ủng hộ một nước Palestine độc lập, từng có nhiều cuộc chiến với Israel để ủng hộ điều này. Dưới thời Tổng thống Hussein, Iraq ủng hộ hàng loạt nhóm chủ nghĩa dân tộc ở Palestine. Thậm chí sau khi ông Hussein bị lật đổ, cả hai giáo phái Sunni và Shiite ở Iraq cũng đều ủng hộ mạnh Palestine.

“Chúng tôi lo ngại về hậu quả nguy hiểm của quyết định này đến sự ổn định của khu vực và thế giới. Chính phủ Mỹ phải rút lại quyết định này nhằm chấm dứt nguy cơ leo thang nguy hiểm của yếu tố cực đoan và tạo điều kiện cho khủng bố hoành hành” - Reuters dẫn tuyên bố của chính phủ Iraq.

Theo Đăng Khoa

Pháp luật TP. HCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm