1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giới ngoại giao Mỹ lo ngại vì "cuộc chiến" của Tổng thống Trump

(Dân trí) - Việc cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch bị Tổng thống Donald Trump chỉ trích và triệu về nước đột ngột đã cho thấy những gì mà các nhà ngoại giao đang đương chức và về hưu miêu tả là một "cuộc chiến" của ông Trump nhằm vào các nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Mỹ.

Giới ngoại giao Mỹ lo ngại vì cuộc chiến của Tổng thống Trump - 1

Tổng thống Trump đã chỉ trích cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Yovanovitch (Ảnh: Getty)

Bà Marie Yovanovitch  một nhà ngoại giao chuyên nghiệp từng đảm nhiệm cương vị đại sứ của Mỹ tại Armenia, Kyrgyzstan và Ukraine nhưng nhiệm kỳ của bà tại Kiev đã bị cắt ngắn khi đột ngột bị yêu cầu trở về Washington vào tháng 5 khi các đồng minh của ông Trump tung ra các cáo buộc vô căn cứ nhằm vào bà.

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Bill Burns, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp từng phục vụ trong các vị trí ngoại giao hàng đầu dưới thời các tổng thống cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, miêu tả sự đối xử của Nhà Trắng với bà Yovanovitch là một phần trong chiến dịch rộng hơn nhằm vào Bộ Ngoại giao Mỹ.

Bà Yovanovitch hiện đang vướng vào cuộc điều tra của Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ dẫn đầu nhằm vào việc liệu Tổng thống Trump có bị luận tội vì thúc ép người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra các cáo buộc tham nhũng chưa có cơ sở đối với đối thủ chính trị đảng Dân chủ Joe Biden và con trai Hunter Biden. Cả hai thành viên gia đình Biden đều khẳng định không làm gì sai trái.

Bà Yovanovitch đã đồng ý ra điều trần trước các ủy ban quốc hội vào ngày 11/10 tới.

Tổng thống Trump đã bác bỏ việc gây sức ép với ông Zelensky và bảo vệ đề nghị Tổng thống Ukraine điều tra cha con ông Biden. Ông Trump viết trên mạng xã hội ngày 6/10 rằng với tư cách là tổng thống ông có “NGHĨA VỤ xem các nguy cơ hoặc THAM NHŨNG”.

Các công tố viên Ukraine cho biết họ sẽ xem lại 15 vụ điều tra liên quan tới một công ty khí đốt nơi ông Hunter Biden từng phục vụ trong ban giám đốc điều hành, nhưng nói thêm rằng họ chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy hành động sai trái của ông Hunter.Được các đồng nghiệp miêu tả là một nhà ngoại giao hoàn hảo, bà Yovanovitch hồi tháng 3 đã trở thành mục tiêu của các cáo buộc - mà Bộ Ngoại giao bác bỏ - rằng bà đã trao cho một công tố viên Ukraine một danh những người không bị truy tố.

Các đồng minh của ông Trump đã kêu gọi sa thải bà, cáo buộc bà chỉ trích tổng thống với các nhà ngoại giao nước ngoài, điều mà các đồng nhiệm cả đương chức lẫn về hưu thấy không thuyết phục. Luật sư cá nhân của ông Trump, Rudy Giuliani, cáo buộc bà đã ngăn chặn các nỗ lực nhằm thuyết phục Ukraine điều tra bố con ông Biden.

Bản thân ông Trump, theo một tài liệu của Nhà Trắng, đã miêu tả bà là “tin xấu” đối với Tổng thống Zelensky trong cuộc điện đàm ngày 25/7, trong đó ông đề nghị điều tra cha con nhà ông Biden.

“Bà ấy sẽ trải qua một số việc”, ông Trump nói thêm.

Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao Mỹ giấu tên cho hay: “Chúng ta có những người chuyên nghiệp thực hiện công việc của họ, tuân thủ các chỉ đạo và phụng sự đất nước, và họ lại đang bị đối xử như những con tốt trong một cuộc đấu chính trị”.

Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cố gắng cải thiện đạo đức tại Bộ Ngoại giao Mỹ. Hồi năm goái, ông đã thăng chức cho gần gấp đôi số nhà ngoại giao trong bối cảnh ông tìm cách khôi phục quan hệ với đội ngũ vốn bị người tiền nhiệm Rex Tillerson xa lánh.

Giảm ngân sự, đề xuất cắt giảm ngân sách

Tuy nhiên, các quan chức và cựu quan chức cho rằng “cuộc chiến” của Tổng thống Trump nhằm vào các nhà ngoại giao chuyên nghiệp có thể được thể hiện qua việc cắt giảm 30% ngân sách của Bộ Ngoại giao, bổ nhiệm nhiều đại sứ chính trị nhất trong lịch sử hiện đại và giảm mạnh số lượng các quan chức ngoại giao được phê chuẩn vào các vị trí thư trợ lý bộ ngoại giao hoặc cao hơn.

Kết quả là, không có đất để trọng dụng các nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ tại Washington hoặc ở nước ngoài.

Trong khi đó, đề xuất cắt giảm ngân sách chưa được thực hiện do Quốc hội Mỹ từ chối thông qua.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bị tác động không nhỏ do các quyết định chính sách quan trọng mà Tổng thống Trump bất ngờ thông báo trên Twitter. Trong số các quyết định của ông Trump có việc ngừng viện trợ an ninh năm 2018 cho Pakistan và hủy đàm phán hồi tháng 9 với Taliban về việc rút các binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bị chấn động bởi các cuộc điều tra cấp cao của tổng thanh tra bộ và quốc hội nhằm vào các cáo buộc của các nhân vật chính trị về sự trả đũa hoặc ngược đãi của các nhà ngoại giao chuyên nghiệp.

“Tôi nhận thấy là Tổng thống không tôn trọng các nhà ngoại giao hoặc nền ngoại giao và điều này dẫn tới việc bổ nhiệm nhiều nhân vật chính trị trong Bộ Ngoại giao”, Richard Armitage, một chuyên gia chính sách ngoại giao kỳ cựu của đảng Cộng hòa từng là thứ trưởng ngoại giao dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận định.

Khi được hỏi tại rao nhiều vị trí cấp cao trong Bộ ngoại giao lại do các quyền trợ lý bộ trưởng nắm giữ, Armitage nói: “Vì họ không quan tâm về nhân sự cũng như chính sách. Họ chỉ quan tâm tới việc phục vụ Tổng thống Trump”.

An Bình

Theo Reuters