Giới đầu tư Trung Quốc và cơn đau đầu từ Bắc Phi
(Dân trí) - Châu Phi lâu nay đã trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư Trung Quốc. Nhưng các nhà đầu tư này đang đứng trước dấu hỏi lớn về rủi ro, khi tình hình bất ổn ở Bắc Phi đã ảnh hưởng nặng nề đến các lợi ích kinh doanh họ.
Nhóm người lao động Trung Quốc đầu tiên hồi hương từ Libya
Theo giới phân tích khu vực, châu Phi có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược lâu dài của Trung Quốc. Châu Phi - khu vực địa chiến lược quan trọng mang tính toàn cầu, với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, chính sách mở cửa năng động, tích cực thu hút đầu tư nước ngoài - đã trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Suốt một thập kỷ qua, tập đoàn quốc nội Trung Quốc đã mở rộng, khai phá được những cơ hội trên thị trường quốc tế, nhất là ở những nơi giàu tài nguyên tự nhiên để đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế tăng trưởng chóng mặt. Bắc Kinh cũng đang triển khai xây dựng đường sá, cầu cống, nhà máy điện, khoan giếng dầu, đặt cáp viễn thông… mà rất nhiều dự án ở các quốc gia như Libya, Sudan.
Trung Quốc hậu thuẫn mạnh mẽ các công ty của họ đang làm ăn ở châu Phi, đặc biệt thông qua các diễn đàn như Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi và Quỹ Phát triển Trung Quốc-châu Phi. Trung Quốc có chính sách đối với châu Phi kể từ năm 1964.
Năm ngoái, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Châu Phi với tổng đầu tư trực tiếp hơn 9 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng vọt tới 70% vào năm 2015. Riêng với Libya, trao đổi thương mại giữa hai chính quyền Tripoli và Bắc Kinh đã đạt đến 6,6 tỷ USD vào năm 2010 và lượng dầu mỏ nhập từ Libya chiếm 3% dầu nhập khẩu của Trung Quốc.
Nhưng trong tuần qua, làn sóng chống chính phủ tiếp tục thổi từ Địa Trung Hải đến biển Caspia khi hàng chục nghìn người tham gia các cuộc biểu tình bạo lực. Tình trạng bất ổn và bạo loạn gần đây ở Tunisia, Ai Cập, Libya và một số quốc gia khác trong khu vực Trung Đông và Bắc Phi đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, trật tự xã hội, an ninh và chất lượng cuộc sống ở các quốc gia này. Tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông và Bắc Phi, hai khu vực sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, cũng làm giới đầu cơ tích trữ trên thế giới lo sợ và khiến giá dầu và giá vàng tăng cao.
Số liệu thống kê chính thức của Ai Cập cho thấy tình trạng bạo loạn vừa qua đã gây thiệt hại 1,7 tỷ USD cho các ngành du lịch, xây dựng và chế tạo của nước này. Trong khi đó, thiệt hại kinh tế trực tiếp của Tunisia là 2,14 tỷ USD. Khoảng 40% nhà máy ở nước này đã phải ngừng hoặc cắt giảm hoạt động. Thậm chí một số nhà máy đã bị cướp bóc và đốt phá. Các cuộc nổi dậy và bạo loạn đã ảnh hưởng tới ngành công nghiệp dầu mỏ - ngành xương sống của nền kinh tế Libya, quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ đứng thứ 15 thế giới với sản lượng khoảng 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày. Một loạt tập đoàn dầu mỏ nước ngoài đã phải tuyên bố tạm ngừng sản xuất dầu ở Libya do tình trạng bất ổn leo thang.
Các công ty của Trung Quốc dĩ nhiên không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này. Tính riêng tại Libya, các công trường bị đánh cắp, xe cộ bị đốt cháy, những địa điểm khai thác dầu bị tấn công. Theo Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, khoảng 30 địa điểm và doanh nghiệp của Trung Quốc tại Libya đã bị cướp phá; Trung Quốc đang chịu thiệt hại kinh tế trực tiếp rất lớn ở Libya, nhưng chưa thể đưa ra ước tính giá trị cụ thể.
Tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc (CNPC), nhà sản xuất dầu lớn nhất nước này, cho biết nhiều cơ sở của họ tại Libya bị tấn công. CNPC đang phải gấp rút sơ tán công nhân. Ban giám đốc không tiết lộ chi tiết thiệt hại nhưng đây là lần đầu tiên các tập đoàn Trung Quốc đầu tư tại châu Phi phải hứng chịu rủi ro kiểu này.
Tập đoàn Xây dựng đường sắt Trung Quốc (CRCC) sau khi nhiều tài sản bị cướp bóc đã ngừng mọi dự án ở Libya. CRCC đầu tư tới 5,2 tỷ USD vào quốc gia Bắc Phi này với những dự án quan trọng như tuyến đường sắt Tunisia-Ai Cập. Giám đốc CRCC, Yu Xingxi thừa nhận nếu bất ổn chính trị dai dẳng, tập đoàn sẽ chịu rủi ro kinh tế lớn. Hiện có khoảng 36.000 công dân Trung Quốc đang làm việc tại 50 dự án lớn, chủ yếu trong các lĩnh vực dầu mỏ, đường sắt và viễn thông, ở Libya.
Theo một chuyên gia kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Bắc Kinh, từ trước đến giờ, các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ quan tâm đến những bất trắc về mặt thương mại, như khả năng trả nợ của các đối tác, mà không chú ý đến các bất trắc về chính trị. Châu Phi có một lịch sử lâu đời và sẽ tiếp tục là một thị trường đầy hứa hẹn. Điều đó cũng có nghĩa là, các doanh nghiệp cần phải đầu tư vào đó, đồng thời phải có cái nhìn chặt chẽ hơn vào mặt tối của chiến lược đầu tư không giới hạn tại châu Phi.