1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giáo sư Philippines: Trung Quốc đuổi theo mộng bành trướng bất chấp tất cả

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn báo Dân Trí, chuyên gia về Biển Đông nổi tiếng của Philippines Richard Heydarian nhận định với sự hiếu chiến của mình, Trung Quốc giờ đây muốn thiết kế lại kiến trúc về an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và theo đuổi giấc mộng bành trướng bất chấp tất cả.

Richard Heydarian trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Dân Trí.


Richard Heydarian trong cuộc trả lời phỏng vấn với phóng viên Dân Trí.

Biển Đông trong những ngày vừa qua thực sự đã dậy sóng khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Tại Diễn đàn kinh tế Thế giới về Đông Á đang diễn ra ở Manila, Philippines, sức nóng của Biển Đông cũng được cảm nhận rõ.

Bên lề của hội nghị này, phóng viên Dân Trí ngày 22/5 đã có cuộc phỏng vấn riêng với Giáo sư khoa học chính trị Richard Heydarian thuộc trường đại học Ateneo De Manila, Philippines, chuyên gia nổi tiếng về Biển Đông của Philippines. Ông đã có rất nhiều bài viết về Biển Đông trên các tờ báo nổi tiếng như Asia Times, The New York Times, BBC, South China Morning Post, Huffington Post... và là cố vấn cho nhiều tổ chức, nghị sỹ, chính trị gia của Philippines.

Giàn khoan HD-981 được CNOOC chính thức đưa vào hoạt động từ 9/5/2012 trong khi việc khởi công xây dựng giàn khoan nước sâu này đã được bắt đầu từ nhiều năm trước đó. Và chủ tịch CNOOC cũng từng nói đây là “lãnh thổ di động” cũng như “vũ khí chiến lược” của Trung Quốc. Theo ông thì động thái Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam có phải là điều bất ngờ?Và vì sao Trung Quốc lại làm vậy?

Tôi cho rằng nhiều người đã không ngờ Trung Quốc lại đưa ra hành động như vậy đối với Việt Nam bởi so với các nước láng giềng khác cũng có tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc như Philippines hay Nhật Bản, Việt Nam có cách giải quyết thận trọng hơn. Hơn nữa Việt Nam và Trung Quốc đã có hiệp định về phân định biên giới trên Vịnh Bắc Bộ. Thực tế, một số quan chức giấu tên của Trung Quốc đã thừa nhận đây không phải là quyết định kinh tế, thương mại của Trung Quốc mà thực chất hoàn toàn là quyết định mang tính chính trị.

Thời điểm Trung Quốc đưa ra quyết định này cũng rất đúng lúc, chỉ ngay sau khi Tổng thống Mỹ Obama có chuyến công du tới châu Á. Trong chuyến thăm của mình, đầu tiên Tổng thống Obama đã đưa ra đảm bảo về quân sự một cách chắc chắn đối với Nhật, trong đó có cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Hoa Đông (quần đảo Trung Quốc và Nhật đang tranh chấp-pv). Và sau đó Mỹ và Philippines đã ký thỏa thuận hợp tác mới, củng cố hợp tác về quân sự giữa hai nước.

Vì vậy bằng cách triển khai giàn khoan, Trung Quốc, một cách gián tiếp, đang thử xem Mỹ có thể đi xa đến đâu. Mỹ đã ký hiệp ước đồng minh với Nhật và Mỹ cũng mới ký một thỏa thuận mới với Philippines nên Trung Quốc đã đưa ra hành động trên với Việt Nam nhằm gửi tín hiệu tới Mỹ và các đồng minh.

Ngoài ra, hãy nhìn vào chính trị nội bộ của Trung Quốc. Hoạt động khủng bố ở Tân Cương, một loạt các vụ tấn công bằng dao, bom, là những điều khiến chính quyền Trung Quốc bị mất mặt. Chính quyền Trung Quốc đã tuyên bố rất mạnh về vấn đề an ninh, rằng tình hình an ninh hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát. Bằng cách triển khai giàn khoan 1 tỷ USD vào khoảng 120 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tôi cho rằng Trung Quốc kéo được sự chú ý đáng kể ra khỏi những vấn đề nội bộ Trung Quốc. Vì vậy, việc Trung Quốc triển khai giàn khoan không hề gây ngạc nhiên nếu nhìn từ góc độ chiến lược.

Nhưng động thái triển khai giàn khoan của Trung Quốc cũng gây bất ngờ khi nó đã hủy hoại những thỏa thuận mất nhiều nỗ lực, nhiều thập kỷ mới đạt được giữa Việt Nam và Trung Quốc. Làm vậy, thực tế Trung Quốc đã nói: Trung Quốc sẽ thực hiện tham vọng trên Biển Đông của mình bằng mọi giá.

Tôi cho rằng với sự hiếu chiến của mình, Trung Quốc giờ đây muốn thiết kế lại kiến trúc về an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như hình ảnh của chính mình. Trung Quốc đã nói: “Tôi không quan tâm, tôi sẽ vẫn bành trướng bất chấp tất cả”.

Trung Quốc đang hứng chịu "sức nóng" cô lập ở khu vực

Xin ông cho biết đánh giá của mình đối với những diễn biến gần đây trong ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông?

Nói về ASEAN, nhìn vào tuyên bố mới đây tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN (ở Myanmar trong tháng này), mặc dù họ không nêu cụ thể tên Trung Quốc trong lên án tình hình căng thẳng trên Biển Đông, nhưng so với những gì diễn ra 2 năm trước, khi Campuchia là chủ tịch ASEAN, thì đã có sự khác biệt vô cùng lớn.

Và nếu cũng nhìn vào tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó, cũng rất đáng chú ý. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cho rằng vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc với ASEAN, mà chỉ là vấn đề song phương. Theo tôi, Trung Quốc dường như nhận ra rằng họ đang bị cô lập trong khu vực.

Ngày càng nhiều các thành viên nòng cốt của ASEAN, như Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan (dĩ nhiên Thái Lan hiện đang gặp khủng hoảng chính trị) nhận thấy tranh chấp trên Biển Đông là vấn đề lợi ích của cả khu vực. Và khi ASEAN hướng tới Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 thì sự ổn định cơ bản của khu vực không thể thiếu. Bất kỳ đối đầu, xung đột nào trong khu vực cũng ảnh hưởng đến sự hội nhập kinh tế của khu vực.

Tôi cho rằng Trung Quốc ngay bây giờ đã cảm thấy được “sức nóng”. Các thành viên nòng cốt của ASEAN đang có những động thái quyết liệt hơn với Trung Quốc. Theo cách này, tôi cho rằng, Trung Quốc đã bị lùi một bước. Cảnh sát biển Việt Nam đã chụp được ảnh, quay được video cho thấy tàu Trung Quốc đâm vào tàu của họ. Tôi cũng cho rằng đây cũng là một sự mất mặt với Trung Quốc. Rồi Indonesia cũng lên tiếng phủ nhận “đường lưỡi bò của Trung Quốc”. Trên mặt trận ngoại giao, chúng ta đã nhìn thấy sự đoàn kết mạnh mẽ, hợp tác chặt chẽ hơn trong khối ASEAN.

Trước đây Trung Quốc nghĩ có thể thực hiện chiến lược “chia để trị”. Nhưng giờ đây đã bắt đầu có nhiều nước cùng ngồi với nhau, phối hợp quan điểm của họ để đối phó với Trung Quốc. Đây lại là một bước lùi nữa của Trung Quốc.

Những tháng tới là những tháng vô cùng quan trọng. Chúng ta sẽ chờ đợi xem Việt Nam và Philippines hợp tác như thế nào, phối hợp với các nước khác trong ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia như thế nào. Tất nhiên điều quan trọng là các nước ASEAN phải tập trung vào COC, quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý trên Biển Đông.

Kiện cơ sở pháp lý “đường 9 đoạn”, không kiện “ai sở hữu cái gì”

Giáo sư Philippines: Trung Quốc đuổi theo mộng bành trướng bất chấp tất cả


Philippines đã khởi kiện “đường lưỡi bò” Trung Quốc lên Tòa án trọng tài Liên hợp quốc tại The Hauge vào ngày 30/3 vừa qua. Theo ông Việt Nam nếu khởi kiện Trung Quốc nên khởi kiện theo hướng nào?

Tôi tin là Việt Nam hiện đang suy xét đến việc kiện Trung Quốc giống như Philippines. Nơi Trung Quốc đặt giàn khoan không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc lại lập luận rằng vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của đảo Trung Quốc trước đây đã chiếm của Việt Nam.

Nếu nhìn vào vụ kiện của Philippines, thì chiến lược cơ bản là Philippines khẳng định Trung Quốc không thể đưa ra lập luận như vậy được. Trung Quốc chỉ có thể tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế trong 200 hải lý tính từ bờ biển của nước này, chứ không phải từ hòn đảo giữa biển mà nước này đã chiếm. Vì vậy Việt Nam có thể kiện Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Tôi cho rằng cách Philippines kiện Trung Quốc rất khôn ngoan. Philippines không kiện “ai sở hữu cái gì” mà kiện Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. Việt Nam nên kiện Trung Quốc theo hướng này, kiện cơ sở Trung Quốc đưa ra “đường lưỡi bò” của mình có hợp pháp hay không. Tất nhiên Trung Quốc sẽ tìm cách phá hoại vụ kiện. Khi đối mặt với một mình Philippines, Trung Quốc có thể thấy dễ dàng. Nhưng nếu Việt Nam, hay Nhật Bản hoặc một nước nào khác cũng có động thái tương tự thì Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là sự hợp lực của các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Theo ông khởi kiện Trung Quốc, Philipines hoặc Việt Nam sẽ được gì?

Năm 2006 Trung Quốc đã nói rõ là nước này không chấp nhận vụ kiện nào lên các cơ quan Liên hợp quốc trong các vấn đề lãnh thổ. Trung Quốc đã dùng cách không công nhận vụ kiện và có thể sẽ không tuân thủ theo phán quyết. Nhưng đây là “cuộc tập trận” ngoại giao. Nếu Philippines thắng kiện, Trung Quốc sẽ bị đặt trong tình thế bất lợi hơn. Giờ đây đã có một cơ quan có tiếng nói trung lập, của bên thứ ba, với những chuyên gia giỏi nhất thế giới, công khai khẳng định “học thuyết đường 9 đoạn” của Trung Quốc chỉ là tuyên truyền của Trung Quốc, là vi phạm luật pháp quốc tế. Trong suốt thời gian qua, Trung Quốc nói rằng chúng tôi phát triển hòa bình, nhưng thực tế họ đã đi ngược lại những tuyên bố của mình. Khởi kiệnTrung Quốc là nhằm hỗ trợ, tăng cường thêm áp lực với Trung Quốc. Và tôi cho rằng cần phải dùng mọi biện pháp pháp lý để tăng cường áp lực này.

Xin ông cho biết dự đoán của mình đối vụ giàn khoan Hải Dương-981 hiện nay?

Trong tuyên bố đặt giàn khoan của mình, Trung Quốc cấm tàu thuyền quanh khu vực giàn khoan tới ngày 15/8 tới. Nhưng nếu tới ngày đó, Trung Quốc vẫn không rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chúng ta cũng có thể nghĩ tới lựa chọn quân sự. Nhưng tôi cho rằng Trung Quốc không muốn điều đó. Trong thời gian từ nay đến đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ phải tính toán họ bị thiệt hại những gì trong vụ này. Vì vậy, trong thời gian đó, tôi cho rằng Việt Nam cần phải liên tục gia tăng áp lực lên Trung Quốc. Trung Quốc chỉ có thể lùi bước nếu họ cảm thấy “sức nóng”. Với một mình Việt Nam có thể Trung Quốc cảm thấy dễ dàng đối phó, nhưng khi Việt Nam, ASEAN, trong đó có Philippines, và có thể là Nhật Bản hiệp lực, thì mọi chuyện sẽ khác.


Thùy Trang