Nhìn lại chuyến thăm Philippines của Thủ tướng:
Sóng Biển Đông Việt Nam ở Philippines
(Dân trí) - Có lẽ chưa bao giờ sóng Biển Đông từ Việt Nam lại được cảm thấy mạnh mẽ như trong những ngày qua ở Philippines, khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm và làm việc tại đây trong hai ngày 21-22/5 và trong thời gian diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Đông Á.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Aquino trong cuộc gặp chiều nay tại Phủ tổng thống Philippines tại Manila (Ảnh Nhật Bắc).
Sóng Biển Đông trong những cuộc gặp song phương
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 21/5 đã bắt đầu chuyến thăm làm việc tại Phillippines theo lời mời của Tổng thống Aquino. Ngoài các cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Aquino và các cuộc gặp song phương giữa hai bên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tham dự WEF Đông Á lần thứ 23 ở Manila, theo lời mời của Chủ tịch WEF Klaus Schwab.
Chuyên cơ Thủ tướng rời Hà Nội vào 8h30 sáng ngày 21/5 để tới Manila, Philippines. Nhưng trước đó nhiều ngày, chuyến thăm làm việc của Thủ tướng đã được báo giới trong nước đặc biệt quan tâm. Bởi chuyến thăm diễn ra vào thời điểm tình hình Biển Đông trong vùng biển của Việt Nam dậy sóng mạnh nhất trong suốt nhiều năm qua, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan khổng lồ Hải Dương-981 trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Dù Việt Nam đã dùng các kênh ngoại giao kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan, cùng đội tàu hùng hậu của nước này, trong đó có cả tàu hải quân hiện đại, ra khỏi vùng biển của Việt Nam, nhưng phía Trung Quốc vẫn ngoan cố, thậm chí còn thách thức đâm, phá hoại tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam và gài bẫy để đổ vấy cho Việt Nam tấn công, khiêu khích.
Trong khi đó, Philippines cũng có những tranh chấp trên Biển Đông đầy căng thẳng với Trung Quốc. Bãi cạn Scabourough đã bị Trung Quốc chiếm giữ sau một cuộc đối đầu căng thẳng vào năm 2012. Philippines cuối tháng 3 vừa qua đã chính thức khởi kiện cái gọi là “đường lưỡi bò” của Trung Quốc lên Tòa án trọng tài Liên hợp quốc về Luật biển ở La Hay, dù cho Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện.
Một nhà báo đồng nghiệp với tôi, chuyên theo dõi về vấn đề quốc tế và Biển Đông đã dự đoán rằng, nhiều khả năng trong chuyến thăm làm việc của Thủ tướng tại Philippines, vấn đề Biển Đông, mà cụ thể là kinh nghiệm của Philppines trong vụ kiện Trung Quốc sẽ được trao đổi, chia sẻ giữa hai nước. Chuyên gia về Biển Đông nổi tiếng của Philippines trong cuộc trao đổi với tôi sau đó vào ngày 22/5 cũng cho rằng Việt Nam và Philippines hay các nước khác có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, như Nhật, Malaysia… nên hiệp lực khởi kiện Trung Quốc, cùng gia tăng áp lực đối để Trung Quốc phải suy xét lại “học thuyết đường lưỡi bò” phi lý của mình.
Dự đoán có thể chỉ là dự đoán. Nhưng cuộc họp kín tại phòng “Music Room” ở Cung Malacanan giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Philippines Aquino đã kéo dài cả tiếng đồng hồ, gấp đôi thời gian dự kiến ban đầu, khiến cánh phóng viên báo chí phấp phỏng đợi chờ.
Và quả thực, vấn đề Biển Đông đã được hai nhà lãnh đạo trao đổi. Và có lẽ chưa bao giờ vấn đề Biển Đông của Việt Nam lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ như vậy từ phía Philippines. Trong cuộc họp báo chung sau cuộc họp kín và hội đàm mở rộng song phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Thủ tướng và Tổng thống Aquino đã cùng “chia sẻ quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông” và đặc biệt là việc “Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 và đưa nhiều tàu hộ tống bảo vệ xâm phạm sâu vào trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải tại Biển Đông.”
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng thống Philippines Aquino nhận định “hai nước đã đối mặt với thách thức chung với tư cách là quốc gia biển” và khẳng định hai nước cần phải “tăng cường hợp tác”, mà trong đó hợp tác biển là một trong những trụ cột chính.
Sóng Biển Đông từ Việt Nam không những nhận được chia sẻ, ủng hộ từ cấp cao nhất của Philippines mà còn ở tại Hạ viện và Thượng viện của nước bạn. Được biết, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Philippines, chính Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện nước này đã yêu cầu được hội kiến với Thủ tướng. Và ngay đầu cuộc hội kiến vào ngày 22/5, Chủ tịch Hạ viện Philippines Feliciano Belmonte đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về hành vi Trung Quốc Hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ông cho biết, ngay cả các Nghị sỹ gốc Hoa tại Hạ viện Philippines cũng bày tỏ sự phẫn nộ của mình về hành động này của Trung Quốc. Chủ tịch Hạ viện Belmonte lần đầu tiên khẳng định việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm luật quốc tế.
Chủ tịch Hạ viện Philippines cũng nhấn mạnh việc Trung Quốc đã và đang làm với Philippines, Việt Nam mới chỉ là khởi đầu, nếu các nước không đoàn kết ngăn chặn, các quốc gia khác có thể là những nạn nhân tiếp theo của Trung Quốc khi nước này tìm cách hiện thực hóa “Đường 9 đoạn” phi pháp của mình.
Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Philippines Franklin Drilon cũng khẳng hoàn toàn ủng hộ lập trường, quan điểm có tính nguyên tắc của Chính phủ hai nước về việc yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhất là Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982.
Đấy là từ các cấp lãnh đạo của Philippines. Còn trước đó, vào ngày 16/5, cộng đồng người Việt ở Philippines và người dân Philippines, trong đó có 2 chính trị gia nổi tiếng, đã cùng chung sức, xuống đường phản đối giàn khoan Trung Quốc, hô vang những khẩu hiệu ủng hộ Hoàng Sa của Việt Nam, ủng hộ Việt Nam.
Sóng Biển Đông ở WEF Đông Á 2014
Vấn đề Biển Đông mà cụ thể là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu bật ra trong bài phát biểu trong Phiên khai mạc toàn thể của WEF Đông Á 2014 chiều ngày 22/5, diễn đàn có 600 quan khách từ 30 nước khác nhau tham dự. Thủ tướng nhận định “tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và an ninh khu vực” và xung đột, bất ổn ở Biển Đông gây “hậu quả khôn lường” cho kinh tế khu vực và thế giới, “thậm chí có thể làm đảo ngược tiến trình phục hồi kinh tế thế giới”.
Đáp bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch WEF Klaus Schwab cũng nêu bật sự liên quan giữa những căng thẳng Biển Đông và kinh tế. “Mặc dù WEF là diễn đàn trung lập và thiên về thảo luận các vấn đề kinh tế, nhưng với nguy cơ đối với ổn định và phát triển kinh tế cũng cần được xem xét”, ông khẳng định. Và ngay sau đó ông kêu gọi các bên có bất đồng cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại. “Chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, rất cần cùng nhau bảo đảm cho hòa bình toàn cầu”, ông nói.
Trong khi đó, vào ngày 23/5, một ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết thúc chuyến thăm Philippines, vấn đề Biển Đông vẫn tiếp tục “dậy sóng” ở WEF tại Philippines. Đô đốc Samuel Locklear III, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước những căng thẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông cảnh báo Trung Quốc không thể dùng chiến lược “kẻ thắng vơ cả”, hay lấy mạnh chèn yếu, trong những vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Ông kêu gọi đối thoại, giải quyết bất đồng thông qua các quy định của luật pháp và qua các diễn đàn quốc tế.
Về phía Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 21/5 đã khẳng định với phóng viên nước ngoài tại Manila khi được hỏi về khả năng dùng biện pháp quân sự trong căng thẳng hiện nay với Trung Quốc. “Không” - Thủ tướng đã trả lời dứt khoát. Bởi “Việt Nam đã chịu nhiều đau thương mất mát từ các cuộc chiến tranh xâm lược”, bởi Việt Nam “luôn tha thiết có hòa bình, hữu nghị” và chỉ dùng biện pháp quân sự “khi bị bắt buộc phải tự vệ”. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngoan cố, vẫn “đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói” - theo như lời của Thủ tướng.
Chính vì vậy, lần đầu tiên trong trả lời của báo chí nước ngoài kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công khai cho biết Việt Nam “đang cân nhắc các phương án để bảo vệ mình, kể cả phương án đấu tranh pháp lý, theo luật pháp quốc tế”, bởi Việt Nam “nhất định không chấp nhận đánh đổi” độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, “để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc.”
Chắc chắn là như vậy. “Vàng rất quý nhưng chủ quyền, độc lập dân tộc còn quý hơn vàng.” - Theo như lời của Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia trong cuộc họp báo vào ngày 23/5 vừa qua.
Vũ Quý
浢