1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Chủ tịch WEF kêu gọi giải quyết bất đồng Biển Đông bằng đối thoại

(Dân trí) - Tại phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á vào chiều ngày 22/5 tại Manila, Philippines, Chủ tịch WEF Klaus Schwab đã kêu gọi giải quyết bất đồng Biển Đông, hiện đang là nguy cơ đối với sự ổn định và phát triển kinh tế, bằng biện pháp hòa bình, đối thoại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch WEF Klaus Schwab. (Ảnh Đức Tám) 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Chủ tịch WEF Klaus Schwab. (Ảnh Đức Tám) 
 
Thông điệp của Chủ tịch WEF được đưa ra sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên toàn thể của WEF Đông Á 2014, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh bất ổn, xung đột ở Biển Đông khiến nền kinh tế thế giới gánh chịu những tổn thất khôn lường.
 
Ông Klaus Schwab nêu rõ, “mặc dù WEF là diễn đàn trung lập và thiên về thảo luận các vấn đề kinh tế, nhưng với nguy cơ đối với ổn định và phát triển kinh tế cũng cần được xem xét. Ông Chủ tịch kêu gọi các bên có bất đồng cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại. Chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, rất cần cùng nhau bảo đảm cho hòa bình toàn cầu.”

Trong khi đó, nhiều đại biểu tham dự WEF Đông Á 2014 đã bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh-chính trị khu vực, bao gồm tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông và Biển Hoa Đông; cho rằng hòa bình ổn định là điều kiên tiên quyết để bảo đảm hợp tác và phát triển kinh tế, các nước có liên quan cần giải quyết các tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tránh sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực cũng như những hành động khiêu khích có thể làm phức tạp thêm tình hình.

Với chủ đề "Thúc đẩy tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều" WEF Đông Á 2014 có các phiên thảo luận tập trung vào đánh giá tình hình khu vực Đông Á, các giải pháp bảo đảm tăng trưởng bền vững và thúc đẩy liên kết khu vực. Các nhà lãnh đạo cao cấp của nhiều nước, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tổng thống Philippines Aquino, Tổng thống Indonesia, tổ chức quốc tế cùng với hơn 600 đại biểu là các học giả có uy tín và đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của khu vực và thế giới.

Đánh giá về tình hình khu vực Đông Á, các đại biểu nhận định các nền kinh tế trong khu vực nhìn chung tiếp tục phát triển năng động và đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, một số nền kinh tế đang nổi trong khu vực bắt đầu có dấu hiệu suy giảm tốc độ tăng trưởng do những tác động không thuận từ những biến động của kinh tế thế giới.

Hội nghị đã đưa ra nhiều đề xuất về thúc đẩy tăng trưởng bền vững, chú trọng bảo đảm sự gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Các nước trong khu vực được khuyến nghị đẩy mạnh các cải cách đồng bộ, tăng cường năng lực hội nhập nhằm tranh thủ cơ hội từ gia tăng liên kết kinh tế khu vực và quốc tế, nhất là việc hình thành các hiệp định thương mại tự do. Đối với các nước ASEAN, việc hình thành Cộng đồng ASEAN được đánh giá sẽ tạo ra nhiều cơ hội to lớn để thúc đẩy hợp tác nội khối cũng như hợp tác giữa ASEAN và các đối tác, tuy nhiên ASEAN cần lưu ý tăng cường sự hài hòa về thể chế và kết nối về hạ tầng thông qua các mô hình hợp tác kinh tế mới như đối tác công - tư (PPP) để tận dụng thành công những cơ hội này.

Thùy Trang
Từ Manila