1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giàn khoan gần Crimea vừa rơi vào tay Ukraine quan trọng ra sao?

Quốc Đạt

(Dân trí) - Phía Ukraine cáo buộc kể từ khi bắt đầu xung đột, Nga đã dùng các giàn khoan dầu cho mục đích quân sự như sân bay trực thăng và làm nơi bố trí các thiết bị giám sát radar hàng hải.

Giàn khoan gần Crimea vừa rơi vào tay Ukraine quan trọng ra sao? - 1

Ảnh giàn khoan được HUR công bố (Ảnh: Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine).

Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine (HUR) hôm 11/9 tuyên bố, lực lượng của nước này đã giành lại quyền kiểm soát các giàn khoan có tên gọi "Tháp Boiko" trong một "chiến dịch đặc biệt". Giàn khoan này nằm gần bờ Crimea ở Biển Đen, nơi Nga tuyên bố sáp nhập từ năm 2014.

"Đối với Ukraine, việc giành lại quyền kiểm soát Tháp Boiko có tầm quan trọng chiến lược, khiến Nga mất khả năng sử dụng chúng cho mục đích quân sự. Nga đã mất khả năng kiểm soát hoàn toàn Biển Đen và điều này khiến Ukraine tiến thêm nhiều bước trong mục tiêu giành lại Crimea", tuyên bố của HUR cho biết.

Tháp Boyko là gì?

Theo Kyiv Post, đây là các giàn khoan sản xuất khí đốt gồm B312 (còn gọi là Petro Godovanets, xây dựng năm 2010) và B319 (còn gọi là Ukraine, xây dựng năm 2012), nằm ngoài khơi bờ biển Crimea ở Biển Đen.

Những giàn khoan này được đặt tên là Tháp Boyko theo tên cựu Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Yury Boyko. Trong nhiệm kỳ của ông Boyko, vào năm 2011, công ty Chornomornaftogaz thuộc quyền kiểm soát của Bộ Năng lượng Ukraine đã mua lại các giàn khoan trên trong thỏa thuận bị vướng cáo buộc tư lợi và gian lận.

Ông Boyko phủ nhận các cáo buộc.

Tháp Boyko rơi vào tay Nga khi nào?

Sau khi Nga tuyên bố sáp nhập Crimea, quân đội nước này đã kiểm soát các giàn khoan nói trên từ năm 2015. Phía Nga cũng nắm quyền kiểm soát các giàn khoan tự nâng là Tavrida và Syvash.

Đến tháng 12/2015, các giàn khoan này được di dời đến mỏ Golitsyn gần bờ biển Crimea.

Tính đến năm 2022, phía Nga đã lắp đặt trên 4 chiếc giàn khoan các thiết bị tác chiến và trinh sát điện tử, bao gồm cả radar Neva và hệ thống thủy âm. Việc này cho phép quân đội Nga giám sát không gian trên mặt đất, trên không và dưới nước ở phía tây bắc vùng biển giữa Crimea và Odesa.

Vào ngày 20/6/2022, Lực lượng vũ trang Ukraine từng tập kích tên lửa nhằm vào Tháp Boiko.

Giàn khoan gần Crimea vừa rơi vào tay Ukraine quan trọng ra sao? - 2

Binh sĩ Ukraine đứng trên giàn khoan họ vừa giành lại, trong bức ảnh được Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine đăng tải (Ảnh: Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine).

Ukraine giành lại Tháp Boyko ra sao?

Ukraine đã tăng cường chiến dịch đẩy lùi phía Nga ra khỏi các giàn khoan trên vào mùa hè này, New York Times dẫn thông tin từ cả hai phía.

HUR tuyên bố lực lượng của mình đã tiến hành chiến dịch giành lại các giàn khoan Petro Godovanets và Ukraine, cùng với các giàn khoan Tavrida và Syvash.

Video dài 13 phút trên Telegram do HUR đăng tải dường như cho thấy lực lượng Ukraine tiếp cận bằng xuồng và trèo lên các giàn khoan. Họ thu được những chiến lợi phẩm như kho dự trữ đạn trực thăng loại NAR và radar theo dõi tàu mặt nước Neva.

Các tuyên bố của Ukraine chưa thể được kiểm chứng độc lập. Bộ Quốc phòng Nga chưa lập tức lên tiếng.

HUR nói trong chiến dịch giành lại Tháp Boyko, đã xảy ra cuộc đụng độ giữa lực lượng đặc nhiệm Ukraine trên xuồng và tiêm kích Su-30 của Nga. Kết quả là máy bay Nga bị hư hại và buộc phải rút lui, theo HUR.

Kyiv Post chỉ ra rằng sự việc này có thể đề cập đến trận đánh xảy ra vào ngày 22/8 ở Biển Đen gần Đảo Rắn (Zmiiny), trong khu vực lân cận của Tháp Boyko.

Tuy nhiên, phía Nga lại có phiên bản khác về cuộc đụng độ. Họ cho rằng lực lượng Nga đã dùng đạn pháo để phá hủy 2 xuồng tốc độ cao của Ukraine chở lực lượng đổ bộ.

Giàn khoan gần Crimea vừa rơi vào tay Ukraine quan trọng ra sao? - 3

Bán đảo Crimea ở phía nam Ukraine (Ảnh: New York Times).

Tầm quan trọng đối với Ukraine ra sao?

Nằm ở phía tây bắc Biển Đen, các giàn khoan trên cho phép tiếp cận các nguồn khí đốt. Giống với Đảo Rắn ở phía tây mà Ukraine giành lại vào năm ngoái, giàn khoan cũng có thể trở thành căn cứ tiền phương để triển khai lực lượng, bãi đỗ trực thăng và nơi lắp đặt các hệ thống tên lửa tầm xa.

Ngay từ cuối tháng 8, Bộ Quốc phòng Anh đã ghi nhân các trận đánh giữa lực lượng Ukraine và Nga để tranh giành các giàn khoan quan trọng chiến lược này ở Biển Đen, nằm giữa Crimea và Odesa.

Newsweek dẫn lời ông Yörük Işık, thuộc công ty tư vấn hàng hải Bosphorus Observer có trụ sở tại Istanbul, cho rằng việc giành lại được Tháp Boyko là đem lại lợi ích đáng kể đối với Ukraine.

Với tên lửa phóng từ đất liền và drone của Ukraine, ông Işık cho rằng Nga khó có thể giành lại các giàn khoan trên, từ đó khẳng định Kiev đang từng bước mở cửa Biển Đen trở lại với hoạt động thương mại hàng hải.

Theo Kiyv Post, New York Times, Newsweek