1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Gian khổ ít biết của những người "vạch" biển tìm MH370

(Dân trí) - Phải bay lượn vòng suốt nhiều giờ trên mặt biển, căng mắt lần tìm những dấu hiệu nhỏ nhất có thể có của chuyến bay MH370, các nhân viên tìm kiếm cứu hộ phải đối mặt với những nguy hiểm và sự căng thẳng, mệt mỏi mà ít ai biết.

Cuộc săn tìm chuyến bay MH370 từ hôm 8/3 đến nay, thực sự là một hoạt động phức tạp ở mọi khía cạnh, từ phạm vi tìm kiếm rộng lớn tới khoảng cách vời vợi so với đất liền, hay thời tiết khắc nghiệt khiến hoạt động này trở nên khó khăn. Và cho dù được trang bị với những công nghệ tiên tiến nhất trên máy bay hay tàu tìm kiếm lượn vòng mặt biển, công cụ tốt nhất mà các nhân viên tìm kiếm cứu hộ có chính là đôi mắt của mình.

Dù có nhiều thiết bị hiện đại, tìm kiếm bằng mắt vẫn là cách hữu ích nhất
Dù có nhiều thiết bị hiện đại, tìm kiếm bằng mắt vẫn là cách hữu ích nhất

Những đôi mắt ấy có thể phát hiện những thứ mà các thiết bị không thể. Nhưng việc này cũng gây ra sự mệt mỏi lớn cho bộ não. Nó có thể tạo ra những ảo giác. Họ có thể chớp mắt không đúng lúc, và có thể, hay đúng hơn là thường xuyên, trở nên mệt mỏi.

“Đó là một công việc mệt mỏi kinh khủng”, trung úy phi công Stephen Graham, nhà điều phối chiến thuật của phi hành đoàn trên chiếc máy bay P-3 Orion của không quân hoàng gia New Zealand cho biết. “Nếu có ánh sáng hay ánh nắng thì rõ ràng kính râm có thể giúp ích, nhưng cũng chỉ có vậy”.

Hoạt động tìm kiếm cứu hộ là một phần trong công việc của phi đội Graham, và việc tìm kiếm bằng mắt thường là một phần nhỏ hơn trong công việc đó. Nhưng mọi người trên khoang đều phải học cách thực hiện, và nó không hề đơn giản như mọi người nghĩ.

Graham đã phải qua một khóa huấn luyện kéo dài một năm tại Canada, và tiếp tục hoàn thiện kỹ năng trong một khóa học 6 tháng nữa tại New Zealand, rồi tiếp tục huấn luyện từ đó đến nay. Các thành viên phi hành đoàn phải biết họ đang làm gì, bởi thiết bị điện tử trên khoang đôi khi không làm được.

“Máy bay P-3 có rất nhiều cảm biến hiện đại và chúng rất hữu ích trong các nhiệm vụ khác, nhưng với tìm kiếm và cứu hộ, khi bạn không thể chắc chắn về một mục tiêu lớn hay một mục tiêu bằng kim loại, nhìn bằng mắt vẫn là tốt nhất”, Graham khẳng định.

Bên trong chiếc P-3 Orion, các nhân viên tìm kiếm ngồi vào những chiếc ghế quay ra cửa sổ, rồi tựa vào những chiếc cửa sổ hình tròn. Khi mồ hôi dầu trên da họ bám đầy cửa sổ, họ lau sạch chúng bằng khăn lau kính mắt.

Mỗi bên của máy bay có hai nhân viên. Họ ngồi để cùi trỏ lên khung cửa sổ với ống nhòm đặt ngay trong tầm tay. Một chiếc túi nhỏ gần mỗi cửa sổ là nơi chứa các chỉ dẫn an toàn, tài liệu và một vài túi nôn. Trên một chuyến bay bị rung lắc mạnh, phi hành đoàn sẽ phải sử dụng chúng.

Họ không nhất thiết phải là người sinh ra có thị lực hoàn hảo. Ví nhu như Graham, anh thừa nhận mắt mình không tốt như trước. Nhưng một khi đã đeo kính hoặc kính áp tròng, họ phải đảm bảo thị lực 20/20, và cho thấy khả năng tập trung vào chi tiết một cách xuất sắc.

Điều này là bởi những chi tiết nhỏ bé nhất cũng có thể là dấu hiệu của mục tiêu tìm kiếm, gồm những vật màu trắng, bất kỳ thứ gì có vẻ là do con người tạo ra, bất kỳ thứ gì màu da cam, do các vật dụng trên máy bay được thiết kế để dễ tìm thường mang màu vàng hoặc da cam. Một số loại cỏ biển trong khu vực tìm kiếm cũng có màu cam sáng, nên đôi khi nó khiến tim họ bất ngờ đập nhanh khi thấy chúng.

Họ được huấn luyện để liên tục di chuyển mắt, theo hình chữ X, hoặc lên xuống, tóm lại là bất kỳ cách nào để khiến họ tỉnh táo, Ron Bishop, một người từng huấn luyện các nhân viên tìm kiếm từ máy bay và tham gia lực lượng cứu hộ của không quân Mỹ cho biết.

Dù vậy, sự đơn điệu của biển khơi có thể khiến mắt bị đánh lừa.

Tư thế thường thấy khi làm nhiệm vụ của một nhân viên tìm kiếm
Tư thế thường thấy khi làm nhiệm vụ của một nhân viên tìm kiếm

“Khi mắt của bạn chỉ chú ý vào một điểm, chúng sẽ dường như chỉ chú ý vào đó, và rất dễ dàng lướt qua hay bỏ sót”, Graham nói. “Do đó một trong những điều chúng tôi được huấn luyện đó là thay đổi tiêu cự, như nhìn vào đầu của cánh máy bay hay nhìn vào trong khoang khoảng nửa giây sau đó nhìn ra ngoài trở lại, và cố gắng giữ cho đầu óc linh hoạt”.

Không có ai là người quan sát chuyên trách, tất cả sẽ được phân công xoay vòng, nhằm giúp tránh mệt mỏi. Thường thì tối ưu là 30 phút, nhưng họ cũng có thể phải ngồi liên tục 1 tiếng. Nếu lâu hơn vậy, hiệu quả sẽ giảm.

Mặc dù tất cả đều được cung cấp thực phẩm và nước uống đầy đủ, ít ai có cơ hội thực sự nghỉ ngơi, Graham cho biết. Ngay khi ca trực tìm kiếm dưới mặt nước kết thúc, một công việc khác sẽ tới tay, từ định vị cho tới điều phối chiến thuật. Việc giao ca được thực hiện trong ít phút máy bay quay đầu để bắt đầu một đợt rà soát mới, và người quan sát không được phép rời cửa sổ cho tới khi một người khác đứng ngay sau lưng họ và sẵn sàng ngồi vào ghế.

Thời tiết càng khiến công việc thêm phức tạp. Khi biển yên tĩnh, mặt biển sẽ phản chiếu ánh sáng, khiến mọi thứ trở nên khó phát hiện. Còn khi gió to, biển động, sự di chuyển và ánh sáng trắng từ ngọn sóng sẽ gây phân tâm. Tốc độ của máy bay cũng có nghĩa là bạn có ít thời gian để xác minh một vật thể trước khi nó vượt khỏi tầm mắt.

Những yếu tố đó làm cho công cuộc tìm kiếm MH370 thực sự là một ác mộng về mặt hậu cần. Nhiều lúc các máy bay và tàu cố gắng quan sát gần hơn các vật thể đã được máy bay hay tàu trước đó nhìn thấy nhưng không thể tìm thấy chúng.

Graham cho biết “có những câu chuyện (trong các lần tìm kiếm khác) rằng, mọi người cố gắng tìm một ai đó ngay cả khi đã nằm trên xuồng cứu hộ - vốn là một vật khá lớn và dễ phát hiện về mặt màu sắc – nhưng cũng cần tới 6-7 lần bay qua, máy bay mới trở lại đúng phía trên xuồng đó”.

Cuộc tìm kiếm MH370 tiếp tục là một nhiệm vụ phức tạp, nhưng với Graham, việc đó không phải là không thể. Họ đã thực hiện trên các vùng biển rộng lớn. Và đôi khi trong đám cỏ, chiếc kim cũng lộ ra.

Thanh Tùng
Theo AP