1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Giải mã" nghi vấn Nga dồn dập đưa quân tới sát biên giới Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nước phương Tây vẫn lo ngại và đang tìm cách "giải mã" ý định thực sự của Nga khi đưa quân và khí tài tới sát biên giới Ukraine.

Giải mã nghi vấn Nga dồn dập đưa quân tới sát biên giới Ukraine - 1

Xe tăng và xe quân sự Nga được cho là tập kết tại vùng Voronezh sát biên giới Ukraine hôm 6/4 (Ảnh: Reuters).

Theo hãng tin Guardian (Anh), sau 2 tuần tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực phía đông và nam Ukraine, Nga được cho là đã triển khai số lượng quân lớn tới biên giới. Động thái của Moscow ngay lập tức thu hút sự chú ý của các nước phương Tây.

Theo Janes's, một hãng tình báo quân sự, xe tăng và các đơn vị pháo binh khác của Nga cũng đã được triển khai tới thành phố Voronezh ở phía đông Ukraine. Ngoài ra, một đơn vị cho khoảng 3.000 quân cũng được thiết lập ở phía nam thành phố này.

Phía Ukraine cho rằng lực lượng Nga tại Voronezh hiện có khoảng 40.000 quân, và thêm 40.000 quân nữa ở Crimea - khu vực được Nga sáp nhập hồi năm 2014.

"Đây có lẽ là lần triển khai quân sự không báo trước lớn nhất của Nga kể từ khi sáp nhập Crimea", Thomas Bullock, nhà phân tích tại Janes's, nhận định.

Ông Bullock ước tính Nga đã điều vài nghìn quân từ những quân khu xa xôi như Siberia trong 2 tuần qua.

Sự đa dạng của những khí tài được Nga điều động, bao gồm các tên lửa đạn đạo tầm ngắn, cùng với việc tăng cường sức mạnh của Hạm đội Biển Đen, khiến nhiều chuyên gia quân sự lo ngại.

"Tôi nghĩ Nga muốn phô diễn sức mạnh, nhưng nó khiến nhiều người lo ngại vì có quy mô khác những lần trước đây", Rob Lee, nghiên cứu sinh chuyên theo dõi các đợt triển khai của Nga tại Đại học King's College London, cho biết.

Trước các động thái của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã kêu gọi phương Tây tăng cường hiện diện trong khu vực, đồng thời thúc đẩy kế hoạch gia nhập NATO.

Thổ Nhĩ Kỳ cuối tuần qua cho biết hai tàu khu trục của Mỹ sẽ tiến vào Biển Đen, mặc dù chúng sẽ không thể sánh được với hạm đội gồm 45 tàu của Nga. Năm ngoái Anh đã ký một thỏa thuận hợp tác quân sự với Ukraine, triển khai máy bay do thám trong khu vực để giám sát các hoạt động chuyển quân.

Theo một số nguồn tin, Ukraine sẽ mua máy bay không người lái Bayraktar thế hệ mới của Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài 6 chiếc mà nước này đã sở hữu. Hệ thống vũ khí này đã chứng minh hiệu quả khi được Azerbaijan sử dụng để chống lại các xe tăng của Armenia do Nga sản xuất trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh vào mùa thu năm ngoái.

Video nghi Nga đưa thêm xe tăng áp sát biên giới Ukraine

"Nắn gân" nhau

Tuy vậy, giới phân tích cho rằng khó có khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự ngay lập tức. Theo Maryna Vorotnyuk, nhà nghiên cứu tại Rusi thinktank, tình hình an ninh tại Voronezh, nơi lính Nga đang đóng quân, lỏng lẻo đến mức các nhà báo của Sky News vẫn có thể xâm nhập vào trong. 

Một số chuyên gia tin rằng các hoạt động chuyển quân quy mô lớn của Nga gần đây chỉ là động thái cảnh báo của Moscow đối với tân Tổng thống Mỹ và phương Tây, chứ không phải là dấu hiệu của một cuộc chiến sắp xảy ra.

Vorotnyuk chỉ ra một số lý do khiến Nga muốn gia tăng căng thẳng. Một trong số đó là mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đang trở nên tồi tệ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden có những phát ngôn "nặng lời" và tiêu cực đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng trước, khiến Moscow phải triệu hồi đại sứ.

Điện Kremlin phủ nhận sự hiện diện quân sự của Nga là một mối đe dọa, song tuyên bố sẽ duy trì sự hiện diện này trong khoảng thời gian phù hợp nhất có thể. Giới chức Nga cho rằng Nga buộc phải bảo vệ công dân nước này tại đông Ukraine, phụ thuộc vào quy mô của cuộc xung đột quân sự đang diễn ra tại khu vực này.

Vào sáng 12/4, phát ngôn viên của chính phủ Ukraine Yulia Mendel cho biết lời kêu gọi đàm phán của Ukraine với Tổng thống Vladimir Putin không được phía Moscow hồi đáp. Bà Mendel nói với các nhà báo của Reuters rằng: "Chúng tôi chưa nhận được câu trả lời và chúng tôi rất hy vọng đó không phải là một lời từ chối đối thoại."

Tuy nhiên, sau đó cùng ngày, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng ông không biết về yêu cầu từ phía Ukraine và chưa thấy bất kỳ liên hệ nào như vậy từ các quan chức Ukraine trong những ngày gần đây.

Tuần trước, các nhà ngoại giao Nga thông báo họ đã liên hệ với các đối tác Mỹ để thảo luận khẩn cấp về tình hình ở Donbass. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cảnh báo Washington đã ghi nhận các báo cáo đáng tin cậy về việc Nga tập trung binh sĩ gần biên giới với Ukraine và "kêu gọi Nga kiềm chế các hành động leo thang".