1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giải mã chiến lược "bắt tay với các bên" của Philippines

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nhà phân tích cho rằng Philippines đã đi đúng hướng khi báo hiệu với thế giới rằng nước này "sẵn sàng hợp tác với bất kỳ bên nào" vì lợi ích chiến lược.

Giải mã chiến lược bắt tay với các bên của Philippines - 1

Lính thủy đánh bộ Mỹ và Philippines tập trận tấn công trên không trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự Balikatan năm nay, với sự tham gia của các lực lượng dự phòng từ Australia và Pháp (Ảnh: Lực lượng vũ trang Philippines).

Khi Philippines tăng cường quan hệ an ninh với Pháp, Nhật Bản và Australia, các nhà phân tích cho rằng những mối quan hệ đối tác như vậy là chìa khóa để củng cố khả năng phòng thủ cũng như danh tiếng của quốc gia Đông Nam Á như một cường quốc tầm trung trong bối cảnh lo ngại căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

Các lực lượng của Pháp và Australia đang tham gia cuộc tập trận Balikatan thường niên cùng với quân đội Mỹ và Philippines. Đây được coi là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất và bao gồm 14 quốc gia khác với vai trò quan sát viên.

Philippines hiện đã có các thỏa thuận về lực lượng thăm viếng với Mỹ và Australia, đồng thời đang xem xét khả năng có một thỏa thuận tương tự với Pháp. Những thỏa thuận như vậy cho phép quân đội của một trong hai nước được huấn luyện trên lãnh thổ của nước còn lại.

Philippines cũng đang đàm phán một thỏa thuận tiếp cận có đi có lại với Nhật Bản và đã ký một biên bản ghi nhớ với Canada về tăng cường hợp tác quốc phòng.

Các nhà phân tích cho rằng điều quan trọng đối với Philippines là tăng cường hợp tác an ninh với các nước có cùng lập trường, không chỉ để củng cố các lập trường của nước này ở Biển Đông mà còn vì những nỗ lực hiện đại hóa quân sự đang diễn ra trong bối cảnh Philippines chuyển trọng tâm chiến lược phòng thủ từ bên trong sang bên ngoài.

Đầu năm nay, các lực lượng vũ trang Philippines đã thông qua một chiến lược mới gọi là "Khái niệm phòng thủ quần đảo toàn diện". Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro Jnr cho biết chiến lược này được thiết kế "để bảo vệ và đảm bảo an toàn cho toàn bộ lãnh thổ và vùng đặc quyền kinh tế của Philippines".

Ngay trước khi cuộc tập trận Balikatan năm nay bắt đầu, Ấn Độ đã hoàn tất việc chuyển giao tổ hợp tên lửa Brahmos đầu tiên trong số 3 tổ hợp tên lửa Brahmos cho Philippines theo thỏa thuận trị giá 375 triệu USD được ký vào năm 2022, vốn được coi là bước đầu tiên nhằm tăng cường kho vũ khí phòng thủ của nước này.

"Đã nhiều năm, chúng tôi không có khả năng đứng vững. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Philippines chúng tôi có thể có được một loại vũ khí như vậy… nhưng tất nhiên, 3 tổ hợp vẫn không đủ", chuyên gia Sherwin Ona, phó giáo sư khoa học chính trị và phát triển tại Đại học De La Salle, cho biết.

Chuyên gia Ona tiết lộ Philippines đang cân nhắc lựa chọn Pháp để cung cấp những tàu ngầm đầu tiên. Pháp đã vận động Philippines mua ít nhất 3 tàu ngầm lớp Scorpene của nước này. Chuyên gia Ona gọi đề nghị của Pháp là "hấp dẫn nhất" vì bao gồm hỗ trợ kỹ thuật và giúp xây dựng chuyên môn vận hành.

"Khi Philippines lên kế hoạch hiện đại hóa quân đội, thường phải mất một thế hệ mới hoàn thành được kế hoạch đó. Đã có những cuộc đàm phán về việc mua một tàu ngầm (trong nhiều năm) nhưng chỉ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Marcos Jnr, vấn đề này mới được ưu tiên", ông Ona nói.

Giải mã chiến lược bắt tay với các bên của Philippines - 2

Tổng thống Mỹ Joe Biden (giữa) cùng nhà lãnh đạo Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại hội nghị thượng đỉnh ba bên ở Nhà Trắng (Ảnh: Reuters).

Quan hệ đối tác đa phương có lợi cho Philippines trong bối cảnh nước này tăng cường quan hệ ngoại giao. Joshua Espena, chuyên gia cố vấn của tổ chức Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế tại Manila, cho biết danh tiếng của Philippines như một cường quốc tầm trung được xác lập dựa trên ảnh hưởng ngoại giao và khả năng thiết lập mạng lưới phòng thủ.

"Philippines gián tiếp gửi tín hiệu rằng họ sẵn sàng hợp tác với bất kỳ nước nào có thể mang lại hiệu quả chiến lược cho an ninh khu vực", chuyên gia Espena nhận định.

Nhà phân tích an ninh và chính sách đối ngoại Lucio Pitlo III cho rằng Philippines nên tận dụng vị trí chiến lược của mình trong khu vực để thúc đẩy hỗ trợ cho khả năng xây dựng quốc phòng.

"Các cuộc tập trận và huấn luyện chung với các đồng minh và đối tác như cuộc tập trận Balikatan đang diễn ra giúp tăng cường sự sẵn sàng và khả năng tương tác để cùng nhau ứng phó với các tình huống bất ngờ. Tuy nhiên, đầu tư vào quốc phòng và răn đe phải đi đôi với đối thoại và ngoại giao", ông Pitlo nói.

K. Parada, nhà phân tích nghiên cứu quốc phòng của hải quân Philippines, cho rằng tận dụng liên minh là một trong những chiến lược hiệu quả nhất mà Philippines có thể sử dụng để bù đắp những thiếu hụt về an ninh.

Ông cho biết các hiệp định đa phương thường "hướng tới phát triển năng lực, khả năng tương tác và tạo điều kiện trao đổi hiểu biết giữa các lực lượng vũ trang". Điều này rất quan trọng khi các quốc gia đối tác như Pháp hoặc Nhật Bản cũng đóng vai trò là nhà cung cấp tiềm năng cho lĩnh vực quốc phòng của Philippines.

Các nhà phân tích cho rằng vị thế cường quốc tầm trung của Manila cũng mở ra cơ hội cho tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia Manhit cho biết chính quyền Tổng thống Marcos nên tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và đảm bảo chúng mở rộng từ hợp tác quân sự sang hợp tác kinh tế.

Theo chuyên gia Ona, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nguồn khác ngoài Trung Quốc đã cho phép Philippines xây dựng khả năng phòng thủ trước sự "cưỡng ép kinh tế" từ Bắc Kinh.

Chuyên gia Ona cho biết, chính quyền Tổng thống Marcos đã đi đúng hướng trong việc xây dựng mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia có cùng chí hướng. "Không thể duy trì một quân đội hùng mạnh nếu không có một nền kinh tế vững mạnh", chuyên gia nhấn mạnh.

Theo SCMP