Giải mã chất độc nghi được dùng để mưu sát cựu điệp viên hai mang Nga
(Dân trí) - Thủ tướng Anh Theresa May đã tiết lộ Novichok là hợp chất nghi được sử dụng để đầu độc cựu điệp viên hai mang Nga và đây là một trong số những chất độc nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Anh hôm qua 12/3, Thủ tướng Theresa May cho biết chất hóa học được sử dụng trong vụ cựu đại tá tình báo Nga Sergei Skripal và con gái Yulia bị đầu độc ở thành phố Salisbury hôm 4/3 là Novichok - một trong những vũ khí hóa học đáng sợ nhất từng được phát triển, theo Reuters. Thủ tướng May cho rằng “rất có khả năng” Nga đứng sau vụ đầu độc này.
Ông Skripal và con gái bị phát hiện trong trạng thái bất tỉnh nhân sự trên một băng ghế ở bên ngoài trung tâm mua sắm ở Salisbury. Các chuyên gia tại Phòng Thí nghiệm Công nghệ và Khoa học Quốc phòng tại Porton Down, Anh xác định Novichok chính là chất độc được sử dụng để hạ độc cha con cựu điệp viên Nga.
Theo BBC, Nivochok có nghĩa là “tân binh” trong tiếng Nga và được cho là nằm trong nhóm chất độc thần kinh do Liên Xô phát triển từ thập niên 1970 và 1980. Nhóm chất độc này được gọi là vũ khí hóa học thế hệ 4 và được cho là thuộc một chương trình mang mật danh “Foliant” do Liên Xô phát triển.
Vào năm 1999, các quan chức quốc phòng từ Mỹ đã tới Uzbekistan để giúp phá hủy và khử độc một trong số các cơ sở thử nghiệm vũ khí hóa học lớn nhất của Liên Xô trước đây. Theo một nguồn tin đào tẩu, Liên Xô được cho là từng sử dụng cơ sở này để sản xuất và thử nghiệm Novichok. Các chất độc thần kinh này được chế tạo bí mật và tinh vi để có thể “che mắt” các thanh tra viên quốc tế.
Theo NBC, sự tồn tại của Novichok chỉ được biết đến vào năm 1991 khi Vil Mirzayanov, nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Khoa học Công nghệ và Hóa hữu cư của Nga, bỏ trốn sang phương Tây và tiết lộ rằng Nga được cho là đã chế tạo loại chất độc mạnh nhất từ trước đến nay.
Mức độ gây độc
Là một thành phần trong nhóm chất độc Novichok, A-230 được cho là có độ độc cao gấp 5-8 lần so với chất độc thần kinh VX. Rất nhiều biến thể của A-230 đã được sản xuất.
“Loại chất độc này nguy hiểm và tinh vi hơn so với chất độc sarin hoặc VX. Nó cũng khó phát hiện hơn”, Giáo sư Gary Stephens, chuyên gia dược tại Đại học Reading, cho biết.
Daniel Kaszeta, cựu chuyên gia an ninh của Mật vụ Mỹ, nói rằng các thiết bị phát hiện vũ khí hóa học thông thường sẽ gặp khó khăn hơn khi nhận dạng Novichok. Theo ông Daniel, Novichok được phát triển đặc biệt để qua mặt các thiết bị phát hiện chất độc, đồng thời ngăn chặn nỗ lực tình báo của NATO và phương Tây.
Hình thức tồn tại
Mặc dù một số biến thể của Novichok ở dạng chất lỏng, nhưng cũng có một số loại được chế tạo theo dạng rắn. Chúng cũng có thể được tán thành bột siêu mịn.
Novichok còn được gọi là “vũ khí hai trong một”, tức là cấu tạo thành phần từ hai chất hóa học với độ độc thấp hoặc thậm chí vô hại, tuy nhiên khi được kết hợp vào nhau, chúng sẽ tạo thành chất độc cực mạnh. Công thức này giúp Novichok trở thành loại chất độc dễ vận chuyển vì các thành phần chỉ phát tác chất độc khi được trộn lẫn vào nhau.
“Một trong những lý do dẫn tới việc phát triển chất độc này là vì các thành phần tách rời của nó không nằm trong danh sách (chất hóa học) bị cấm. Điều đó đồng nghĩa với việc các chất hóa học riêng rẽ sẽ dễ vận chuyển hơn và không gây hại cho người vận chuyển trước khi chúng được kết hợp với nhau”, Giáo sư Stephens cho biết.
Phát tác nhanh
Nếu một người hít phải Novichok hoặc thậm chí chỉ cần để da tiếp xúc với chúng, loại chất độc này sẽ nhanh chóng ngấm vào cơ thể họ. Các triệu chứng nhiễm độc sẽ xuất hiện trên cơ thể nạn nhân chỉ trong khoảng thời gian từ 30 giây đến 2 phút.
Tuy nhiên, nếu ở dạng bột, Novichok sẽ mất thời gian lâu hơn trước khi gây nguy hiểm cho cơ thể nạn nhân. Các triệu chứng có thể xuất hiện sau 18 giờ nạn nhân tiếp xúc với loại chất độc này.
Triệu chứng
Triệu chứng nhiễm độc Novichok cũng tương tự các chất độc thần kinh khác. Novichok sẽ hoạt động như một vật cản, ngăn không cho tế bào thần kinh truyền “tín hiệu” xuống các cơ khiến các cơ quan trên cơ thể nạn nhân không thể hoạt động được.
Các triệu chứng bao gồm mắt chuyển màu trắng, các đồng tử co lại, co giật, sùi bọt mép và trong trường hợp nhiễm độc nặng, nạn nhân có thể rơi vào trạng thái hôn mê, khó thở và tử vong.
Novichok cũng có thể gây rối loạn hoạt động của tim và phổi, từ đó khiến nạn nhân ngạt thở và chết. Một số biến thể của Novichok thậm chí được chế tạo đặc biệt để kháng cả thuốc giải độc thần kinh.
Trong trường hợp một người bị phát hiện tiếp xúc với Novichok, họ cần được thay quần áo và rửa sạch phần da tiếp xúc bằng xà phòng và nước. Ngoài ra, họ cũng cần phải rửa sạch mắt và tiếp ô xy kịp thời.
Giới chức y tế Anh hồi tuần trước đã khuyên tất cả những người dân có mặt tại nhà hàng Zizzi và quán rượu The Mill, nơi cha con ông Skripal từng ghé qua trước khi bất tỉnh, trong ngày 4/3
nên giặt sạch quần áo và làm sạch đồ dùng mang theo để đề phòng nguy cơ bị nhiễm chất độc.
Người chế tạo
Các nguyên liệu thô cần thiết để chế tạo các chất độc thần kinh thường rẻ và dễ tiếp cận. Tuy nhiên, để biến chúng thành vũ khí chết người cần những người có chuyên môn nhất định và phải tuân thủ các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn mà chỉ có thể đáp ứng được trong các phòng thí nghiệm của chính phủ.
“Đối với những loại chất này, chúng nguy hiểm tới mức không một nhóm khủng bố nghiệp dư nào có thể chế tạo được. Nó chỉ có thể được chế tạo trong các phòng thí nghiệm với sự tài trợ của chính phủ”, theo Giáo sư về hóa học vô cơ Andrea Sella tại Đại học London.
Các nhà khoa học có thể xác định được phòng thí nghiệm nào đã chế tạo Novichok bằng cách phân tích các dấu vết chất độc được tìm thấy.
Ông Skripal từng là đại tá phục vụ trong Cơ quan tình báo quân đội Nga (GRU). Ông này bị bắt vào năm 2004 và kết án 13 năm tù vào năm 2006 vì tội hoạt động gián điệp cho Anh. Theo truyền thông Nga, Skripal đã nhận của tình báo Anh 100.000 USD để đổi lấy thông tin về các điệp viên của GRU đang hoạt động ở các quốc gia châu Âu thời kỳ đó.
Tháng 7/2010, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã ra quyết định ân xá cho Sergei Skripal và ông là một trong 4 điệp viên được Nga trả tự do để đổi lấy 10 điệp viên do Moscow cài cắm ở Mỹ. Cựu đại tá tình báo Nga được Anh cấp nơi ở, tiền trợ cấp và sống ở Anh từ đó đến nay.
Thành Đạt
Tổng hợp