Giải cứu con tin khủng bố - không phải chuyện dễ
Sự thất bại trong chiến dịch giải cứu con tin tại Yemen hôm 6/12 là một bi kịch với quốc gia và gia đình của các nạn nhân. Luke Somers, một phóng viên người Mỹ và Pierre Korkie, một giáo viên người Nam Phi đã bị nhóm khủng bố Al-Qaeda sát hại ngay trong đêm mà các đặc nhiệm Mỹ tiến hành cuộc tấn công giải cứu họ.
Các tay súng Al-Qaeda ở bán đảo Arab (AQAP) đã giam giữ Somers và Korkie hơn một năm nay. Đây là lần thứ hai quân đội Mỹ cố gắng để giải cứu phóng viên Somers trong vòng 2 tuần qua. Vào ngày 25/11, một đội đặc nhiệm hải quân Mỹ đã tấn công một căn cứ được cho là nơi giam cầm Somers, tuy nhiên lực lượng này cho biết con tin đã được chuyển ra khỏi nơi đó từ vài giờ trước.
Trong cuộc tấn công ngày 6/12, Mỹ đã biết chắc được nơi con tin Somers bị giam giữ. Để giữ yên lặng, máy bay V-22 Osprey chở đặc nhiệm Mỹ đã hạ cách ở cách hang ổ của nhóm khủng bố vài km. Các binh lính tinh nhuệ đã đi bộ tới nơi tập kích. Tuy nhiên điều gì đó không mong muốn đã xảy ra vào phút cuối. Có lẽ, tiếng chó sủa hoặc tiếng động nào đó đã vang lên đánh động đám phiến quân khiến các lính Mỹ lập tức bị rơi vào làn đạn ngay tại lối ra vào của khu căn cứ.
Phóng viên Luke Somers (trái) và giáo viên Pierre Korkie
Yếu tố bất ngờ - điều rất quan trọng trong một chiến dịch giải cứu - đã bị phá vỡ, thay vào đó là cuộc đấu súng nảy lửa. Sau 30 phút chiến đấu, các đặc nhiệm Mỹ đã bao vây toàn bộ khu nhà và đưa hai con tin Somers và Korkie – bị thương nhưng vẫn còn sống - lên một chiếc máy bay quân sự V-22, nơi có đội y tế đã đợi sẵn. Tuy nhiên, các bác sĩ đã không thể cứu sống họ.
Tiến thoái lưỡng nan
Với phóng viên trẻ Somers, cuộc giải cứu hôm 6/12 là vô cùng cấp bách và cần thiết. Cuối tuần trước, AQAP đã công bố đoạn băng cho biết sẽ hành quyết Luke Somers trong vòng 72 giờ nếu không thỏa mãn các đòi hỏi của chúng. Các yêu cầu này đã không được nêu cụ thể, nhưng có thể đã bao gồm một khoản tiền chuộc hoặc trả tự do cho một số phần tử Al-Qaeda hoặc một điều kiện nào đó mà luật pháp Mỹ không cho phép.
Còn trường hợp của ông Korkie, việc triển khai chiến dịch giải cứu gấp là một điều đáng tranh cãi. Theo tổ chức từ thiện Gift of the Giving ở Nam Phi, AQAP đã đồng ý một thỏa thuận để thả tự do cho thầy giáo này trong một vài ngày tới. Tổ chức này cho rằng, với trường hợp của Korkie, tốt hơn hết là hãy chờ đợi, có lẽ sẽ có một thỏa thuận được thực thi.
Tuy nhiên trong các chiến dịch giải cứu con tin, yếu tố "hy vọng vào phép màu" không được đưa vào phép toán mà các nhà lập kế hoạch phải cân nhắc giữa hai vế: rủi ro khi hành động và hậu quả khi không hành động.
Giải cứu con tin là một trong những nhiệm vụ quân sự khó khăn và mạo hiểm nhất. Với giới hạn mong manh của việc phạm sai lầm, cả trong tin tức tình báo lẫn cuộc tấn công, các binh lính đặc nhiệm cần được đào tạo bài bản và trang bị những thiết bị đặc biệt mà chỉ một số quốc gia mới có. Công việc này nguy hiểm và không chắc chắn? Chính xác là vậy. Nó là một điều khó thể thực hiện? Không.
Thành công
Năm 2012, đội đặc nhiệm SEAL thuộc Hải quân Mỹ đã giải cứu thành công hai nhân viên cứu trợ Jessica Buchanan – người Mỹ và Poul Hagen Thisted – người Đan Mạch, bị cướp biển Somalia bắt cóc và giam giữ trong 93 ngày. Bọn cướp biển đã đòi tiền chuộc là 45 triệu USD. Trong trường hợp này, các quan chức tình báo đã xác định được rõ vị trí của họ cùng với tình trạng suy yếu sức khỏe nhanh chóng của cô Buchanan là yếu tố chính thúc đẩy Mỹ tiến hành cuộc giải cứu. Dưới sự bao bọc của bóng đêm, các binh sĩ SEAL nhảy dù từ máy bay xuống rồi di chuyển tới nơi các con tin bị giam giữ ở cách đó 19km. 9 tên cướp biển đã bị tiêu diệt, 2 con tin Buchanan và Thisted được an toàn.
Nhân viên cứu trợ Poul Hagen Thisted (trái) và Jessica Buchanan
Năm 2009, các tay bắn tỉa của Mỹ kết thúc thành công vụ bắt giữ ông Richard Phillips, thuyền trưởng tàu chở hàng Maersk Alabama bị cướp biển Somalia tấn công trên Ấn Độ Dương. Đàm phán với bọn cướp đã đổ vỡ khi chúng ném chiếc điện thoại dùng để liên lạc đi. Khi một trong số chúng chĩa súng vào lưng thuyền trưởng Phillip, lính bắn tỉa đã nổ súng, hạ gục cả 3 tên hải tặc trong gần như cùng một lúc. Ông Phillip đã không bị thương tích nào.
Năm 2005, lực lượng Delta Force của Mỹ đã tiến hành cuộc giải cứu một công dân của nước này là nhà thầu xây dựng Roy Hallums - bị các phần tử Al-Qaeda bắt cóc tại Iraq – sau 311 ngày ông này bị giam cầm. Một lần nữa, các nguồn tin tình báo đã phát hiện chính xác nơi nhóm khủng bố giam ông Hallums - căn hầm nằm dưới lòng đất của phòng bếp, lối vào hầm bị che phủ bởi một tấm thảm. Ông đã được giải cứu an toàn.
Thất bại
Thế nhưng bên cạnh chiến công hiển hách của quân đội Mỹ và niềm vui đoàn tụ của gia đình các nạn nhân thì vẫn có những thất bại đáng tiếc xảy ra.
Cuối tháng 7 vừa qua, đội đặc nhiệm Mỹ đã lập kế hoạch giải cứu nhà báo James Foley khỏi các phần tử thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Không may thay, họ đã xác định sai nơi ông Foley bị giam giữ. Nhà báo này đã bị IS sát hại ít tuần sau đó. Đoạn băng IS ghi lại cảnh chúng chặt đầu ông đã được đăng lên mạng Internet và các diễn đàn thánh chiến.
Giải cứu con tin là một trong những nhiệm vụ quân sự khó khăn và mạo hiểm nhất
Hay như trường hợp của nữ công dân Anh Linda Norgrove, chiến dịch giải cứu của quân đội Mỹ tại Afghanistan năm 2010 đã vô tình giết chết cô khi một quả lựu đạn của họ phát nổ ngay sát nơi cô bị phiến quân Taliban nhốt. Vẫn còn nhiều thất bại khác, tất cả đều là bi kịch đau buồn.
Nhiệm vụ giải cứu con tin thật sự rất mạo hiểm, cho cả con tin lẫn các binh sĩ làm nhiệm vụ. Những sinh mạng bị đe dọa, sự chọn lựa chưa bao giờ là dễ dàng để. Trong các trường hợp, đặc biệt là khi thương lượng với bọn khủng bố, những nhà lãnh đạo không thể lúc nào cũng ngồi yên tại chỗ và chờ đợi xem điều gì xảy đến.
Đôi khi, hành động lại ít mạo hiểm hơn là không hành động, được giải cứu còn hơn là mỏi mòn chờ đợi những tên khủng bố giữ lời trả tự do.
Theo Hoàng Trang/Aljazeera/Tin tức