"Giác quan thứ sáu" cùng sự dị đoan của một số chính khách
Nhiều chính trị gia tiếng tăm trong thế giới phương Tây lại rất tin vào linh tính của bản thân - dạng "giác quan thứ sáu"; hoặc ngả theo chiêm tinh học. Nghe ra có vẻ nực cười, nhưng trong nhiều trường hợp các chính khách lẫy lừng ấy lại đi tìm quyết định chính từ... sự dị đoan hoặc "cảm tính riêng" bộc phát nhất thời đó.
Trong cả cuộc đời của mình, vị thủ tướng kỳ cựu của Vương quốc Anh đã nhiều lần thực thi theo “giác quan thứ sáu” và quả thực sự tuân thủ những linh cảm “bất chợt” ấy đã cứu mạng ông.
Điển hình là một vụ xảy ra hồi năm 1941, khi đó Churchill thường có “thói quen” đến thăm các đơn vị phòng không Anh trong thời gian có các trận không kích vào ban đêm. Một lần sau khi đi kiểm tra một đơn vị đồn trú ở ngoại vi London, Thủ tướng trở lại xe và chuẩn bị ra về. Viên sĩ quan tùy tùng của W.Churchill đã nhanh nhẹn mở cửa trước đợi sẵn, bởi “thói quen” cố hữu của Thủ tướng là ngồi ghế bên cạnh người lái, nhằm quan sát cho rõ hơn. Nhưng không hiểu tại sao, Churchill lại băng qua cửa trước, đi vòng quanh xe, tự tay mở cửa và ngồi lên ghế sau...
Vài tiếng sau, khi xe đang phóng nhanh giữa các con phố London tối om vì lệnh “cúp điện phòng không”, một trái bom nổ chậm phát hỏa ngay sát gầm xe ông. Cú nổ kinh hoàng đã “xé” chiếc xe bọc thép ra làm đôi, “thổi” phần thân trước... tung lên trời. Thật hú vía! Đúng ra Winston Churchill đã mất mạng ngay sau cú nổ ấy, nếu như ông vẫn áp dụng thói quen cố hữu.
Một lần Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln chợt thức giấc, rồi nhớ lại những điều mình vừa ngủ mê. Theo đó ông đi dọc Nhà Trắng bởi những âm thanh kỳ lạ đầy cuốn hút... Ông vào từng phòng một và cuối cùng dừng lại giữa một căn phòng, trong đó có một nấm mồ mới chôn, bên trên phủ lá cờ của Hợp Chúng quốc. Lincoln hỏi người lính danh dự đang đứng gác cạnh ngôi mộ, rằng ai vừa mới chết? “Tổng thống Mỹ - anh lính trả lời - Ông ta bị ám sát”. Người đứng đầu Nhà Trắng rất đỗi ngạc nhiên, ông liền kể lại “câu chuyện trong mơ” của mình cho vài người đồng sự tin cẩn. Ai cũng khuyên tổng thống là trong lúc mê ngủ mọi chuyện xảy ra thường... không có thực. Nhưng chỉ vài hôm sau, Lincoln bị ám sát.
Còn bà Nancy Reagan, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ lại cuồng tín với những lực siêu nhiên, thần bí của thuật chiêm tinh. Khi còn là nữ diễn viên tại Hollywood, Nancy thường đi “tư vấn” đều đặn tại các cơ sở thuộc giới chiêm tinh; thậm chí phu nhân tổng thống Mỹ tương lai còn ghi danh vào học một trường chiêm tinh buổi tối ở Los Angeles.
Thú “mê mẩn” với trò tử vi dị đoan của Nancy còn lây sang cả ông chồng Ronald Reagan - lúc ấy cũng đang là một diễn viên màn bạc. Khi trở thành viên thống đốc đầy quyền uy của tiểu bang California, R.Reagan thường “tham khảo ý kiến” của các nhà thuật học, trước khi giải quyết một vấn đề hệ trọng. Một trong những vị chiêm tinh gia “lừng lẫy” ấy là Jin Dickson, do có lần chính tay Dickson “gieo quẻ” và phán với Reagan: “Ngài sẽ đắc cử chức tổng thống nay mai!”. Và ông đã làm chủ Nhà Trắng tới 2 nhiệm kỳ.
Bà Nancy còn thường xuyên liên lạc với chiêm tinh gia Joane Kwigi để tìm hiểu về các cuộc tiếp xúc của R.Reagan với đối tác để tìm hiểu sự "may - rủi", nếu tốt lập tức các cuộc tiếp kiến sẽ được phép diễn ra; ngược lại, một cuộc hội kiến dù quan trọng đến mấy đi chăng nữa của người cầm đầu siêu cường nước Mỹ, nhưng nếu giới chiêm tinh học quả quyết đó là một ngày xấu, đích thân Nancy Reagan sẽ chỉ thị cho vị quan chức phụ trách lễ tân Phủ tổng thống: “Ngài nên viện ra cái cớ hợp lý - nghe xuôi tai nào đấy để... khước từ những đối tác không thân thiện!” (?!)
Theo Trần Hồng
An ninh thế giới/Morning Star