1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Giấc mơ du lịch vũ trụ sẽ tan biến theo vụ nổ tàu Virgin Galactic?

(Dân trí) - Có mức giá ngất ngưởng 250.000 USD/người, những vẫn có tới 700 chỗ đã được Virgin Galactic bán hết dù chưa ra mắt, dịch vụ du lịch vũ trụ hiện đang là một miền đất màu mỡ. Dù vậy có vẻ như giấc mơ này đang bị đe dọa sau vụ nổ tàu vừa qua.

Có thể sự cố này chưa đủ để đặt dấu chấm hết cho ngành kinh doanh đầy tiềm năng và hấp dẫn, nhưng theo các chuyên gia, vụ nổ vừa qua đã khiến sự hào hứng của các hành khách cũng như doanh nghiệp trong lĩnh vực này bị tổn thương lớn.

Giấc mơ du lịch vũ trụ sẽ tan biến theo vụ nổ tàu Virgin Galactic?
 SpaceShipTwo được máy bay mang lên độ cao 13.500m trước khi thả để khởi động tên lửa đẩy, và phát nổ

“Với ngành này, sự vui thích, háo hức đã qua”, luật sư Michael Listner, đến từ công ty luật không gian Space Law and Policy Solutions nhận định. “Điều này sẽ có nghĩa là có thêm nhiều quy định, và nhiều câu hỏi về việc liệu ngành công nghiệp này có tồn tại được hay không”.

Không lâu sau thời điểm 13 giờ ngày 31/10 theo giờ địa phương, chuyến bay thử nghiệm vào không gian của hãng Virgin Galactic tại khu vực California đã hứng chịu một sự cố bất thường, mà theo quan sát của các nhân chứng, động cơ tên lửa của phi thuyền đã gặp sự cố, khiến tàu vỡ ra từng mảnh sau khi được tách ra khỏi máy bay mẹ WhiteKnightTwo.

Là gương mặt được xem như sáng giá nhất trong nhiều thập niên qua trong cuộc đua dẫn dắt ngành du lịch không gian, SpaceShipTwo được thiết kế để mang theo 6 hành khách cùng 2 phi công có thể bay tới độ cao sát quỹ đạo

Tai nạn xảy ra chỉ ít ngày sau khi một vụ nổ lớn xảy ra với tàu vũ trụ thương mại Antares, khi đang trong quá trình vận chuyển đồ tiếp tế lên Trạm vũ trụ quốc tế. Mặc dù đây là hai sự việc riêng biệt, nhưng việc có đến hai tai nạn hàng không trong vòng một tuần cho thấy rủi ro của ngành du lịch vũ trụ rõ ràng không hề nhỏ.

Dịch vụ thời thượng

SpaceShipTwo là thương hiệu hàng đầu của hãng vận tải vũ trụ thương mại Virgin Galactic của Anh, được thành lập bởi tỷ phú Richard Branson. Con tàu này được phát triển cùng với một công ty kỹ thuật vũ trụ tại California của tập đoàn Mỹ Northrop Grumman.

Được tài trợ bởi nguồn thu từ việc bán vé, với giá 250.000 USD/người, có kèm điều khoản cho phép hoàn lại, đến nay dự án được cho là đã thu hút tới hơn 700 người đặt chỗ, trong đó ông Branson cam kết sẽ là người bay chuyến đầu tiên.

Nhờ thiết kế đầy hiện đại bởi kỹ sư danh tiếng Burt Rutan, người đã thiết kế mẫu máy bay Voyager có khả năng bay một vòng quanh Trái đất không cần dừng hay tiếp nhiên liệu, SpaceShipTwo được một máy bay mang lên độ cao 13.500m trước khi được thả để kích hoạt động cơ tên lửa bay vào không gian. Sau đó tàu sẽ trở về Trái đất như một tàu lượn.

Vụ tai nạn khiến ngành dịch vu du lịch không gian chịu tổn hại lớn
Vụ tai nạn khiến ngành dịch vu du lịch không gian chịu tổn hại lớn

“Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để xác định nguyên nhân của tai nạn và cập nhật thông tin ngay khi có thể”, thông báo của Virgin Galactic cho biết.

Chuyến bay vừa qua là một thử nghiệm đối với thiết kế nhiên liệu mới, mạnh mẽ hơn dành cho động cơ tàu vũ trụ, vốn từng được hứa hẹn ra mắt hồi tháng 6.

Mặc dù quá trình điều tra mới chỉ bắt đầu “có một cảm nhận chung rằng họ đã vội vã trong quá trình thử nghiệm động cơ, và chuyến bay thử nghiệm đó được họ triển khai một cách quyết liệt, tiệm cận với giới hạn nguy hiểm”, Doug Messier, tổng biên tập tạp chí Parabolic Arc nhận xét.

“Họ đã lên kế hoạch cho một loạt chuyến bay, khởi đầu bằng chuyến này, và sau đó sẽ đưa Richard Branson và con trai ông ấy lên khoang trong chuyến bay thương mại đầu tiên. Branson đã muốn thực hiện nó vào tháng 3”, Messier cho biết.

Tại buổi họp báo hôm thứ Sáu, Kevin Mickey, đại diện công ty Scaled Composites, đơn vị thiết kế tàu vũ trụ đã lên tiếng bảo vệ các tên lửa được dùng, với khẳng định “đó là một công thức nhiên liệu mới đã qua nhiều lần thử nghiệm trên mặt đất”.

Nhu cầu sụt giảm, đòi hỏi pháp lý gia tăng?

Trong ngày thứ Sáu, Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) khẳng định đang điều tra vụ tai nạn, và ông Listner cho rằng, vụ việc có nghĩa là ngành du lịch hàng không từ nay sẽ bị cơ quan chức năng giám sát kỹ lưỡng hơn.

Hiện tại, các chuyến bay thương mại vào vũ trụ tại Mỹ bị điiều chính theo một đạo luật ra đời năm 2004, trao cho FAA quyền giám sát.

Đối thủ chính của Virgin Galactic hiện tại là XCOR of Midlands, cũng đang cam kết cung cấp các chuyến bay vào không gian trên loại máy bay Lynx với mức giá 95.000 USD/người. Đến nay, hơn 100 người được cho là đã đặt chỗ trên chuyến bay này.

Dù vậy đến nay, mới chỉ có 7 du khách vũ trụ thực sự, những người chấp nhận chi ra 20 triệu USD mỗi người để được lên Trạm vũ trụ quốc tế bằng tên lửa của Nga. Tất cả họ đều đã đi lại an toàn.

“Những gì sắp xảy ra với Virgin Galactic giờ sẽ thú vị, bởi khách hàng có thể nghĩ lại và yêu cầu hoàn lại tiền vé”, Listner nói.

“Tôi không muốn đưa ra các dự báo ngay sau vụ tai nạn. Nhưng họ đã mất 10 năm để nghiên cứu SpaceShipTwo, và nếu vụ nổ do động cơ gây ra, có thể họ sẽ phải quay trở lại với bản vẽ thiết kế”.

Thanh Tùng
Theo National Geographic