1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Gia đình George Floyd muốn Liên Hợp Quốc điều tra cảnh sát Mỹ

(Dân trí) - Gia đình George Floyd và cùng các nhóm hoạt động vì quyền dân sự đã bày tỏ mong muốn Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ mở cuộc điều tra độc lập về tình trạng sử dụng bạo lực của cảnh sát Mỹ.

Gia đình George Floyd muốn Liên Hợp Quốc điều tra cảnh sát Mỹ - 1

Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Ảnh minh họa: Reuters)

RT đưa tin, gia đình anh Floyd và thân nhân của những người từng qua đời bởi lực lượng hành pháp Mỹ với Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ALCU) và 600 tổ chức về quyền hôm 8/6 đã phát đi thông điệp kêu gọi cơ quan về nhân quyền của Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp khẩn cấp về vấn đề sử dụng bạo lực của cảnh sát Mỹ.

Các gia đình và các nhóm hoạt động vì quyền cũng yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về các vụ cảnh sát Mỹ gây ra cái chết của những người da màu không có vũ trang trong những năm gần đây.

Cái chết của Floyd hôm 25/5 sau khi bị một cảnh sát da trắng ghì đầu gối lên cổ đã khiến nhiều người Mỹ bức xúc và xuống đường biểu tình đòi quyền lợi cho người da màu suốt 2 tuần qua. Ngoài những người biểu tình ôn hòa, căng thẳng ở một số thành phố và bang đã leo thang thành bạo động, cướp bóc, đốt phá.

Gia đình Floyd và các tổ chức kêu gọi Hội đồng Nhân quyền có sự “giám sát quốc tế” đối với nạn sử dụng bạo lực của cảnh sát và các vấn đề liên quan tới cách ứng phó với biểu tình trong thời gian qua.

“Tôi muốn mọi người trên khắp thế giới và các nhà lãnh đạo ở Liên Hợp Quốc xem đoạn video của em tôi, lắng nghe tiếng cậu ấy khóc xin được trợ giúp và tôi muốn họ trả lời tiếng khóc đó. Tôi muốn kêu gọi Liên Hợp Quốc giúp anh ấy. Giúp tôi. Giúp chúng tôi. Giúp những người đàn ông và phụ nữ da màu”, anh trai Philonese của George Floyd phát biểu trong tuyên bố của ACLU.

Theo RT, hiện câu hỏi đặt ra là liệu một cuộc họp Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ mất bao lâu để có thể được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trước đó, bộ phận này cũng từng hủy họp hồi tháng 3 vì lo ngại dịch bệnh. Thụy Sĩ, nơi đặt trụ sở của Liên Hợp Quốc, vẫn đang thực hiện lệnh cấm tụ tập hơn 300 người cùng lúc, dẫn tới việc tổ chức cuộc họp sẽ không thể sớm diễn ra. Hơn nữa, ít nhất 1/3 thành viên Hội đồng Nhân quyền (tương đương 47 nước) phải nhất trí tổ chức họp. Tuy nhiên, chưa có cuộc bỏ phiếu nào được tiến hành tới lúc này.

Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào năm 2018, cáo buộc rằng cơ quan này "thiên vị bất lợi cho Israel", theo RT.

Đức Hoàng

Theo RT